Hiệu quả từ những sáng kiến đời thường

Bài, ảnh: Thảo Ánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - 60 năm qua, các phong trào thi đua “Đổi mới phong cách thái độ của cán Bộ Y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh gắn với xây dựng cơ sở y tế xanh - sạch - đẹp”, phong trào nghiên cứu khoa học, sáng kiến, sáng tạo trong ngành y tế Thủ đô đã trở thành phong trào thi đua xuyên suốt, hiệu quả, thực chất, có tính lan tỏa trong cộng đồng.

Điều trị tắc tia sữa - sáng kiến nhân văn
Tuy công tác trong môi trường có nhiều khó khăn về trang thiết bị, máy móc nhưng 5 năm qua, bác sĩ Nguyễn Xuân Hảo (SN 1984), Trạm Y tế xã Liên Trung, Trung tâm Y tế huyện Đan Phượng luôn tích cực tìm tòi, nghiên cứu những phương pháp cải tiến nhằm giảm chi phí đầu tư máy móc, giảm thời gian đi lại cho người bệnh, góp phần bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân.
Nhận thấy thực tế, có nhiều sản phụ sau sinh bị tắc tia sữa, không những gây nên sự đau đớn, căng thẳng cho người mẹ mà còn dẫn đến tình trạng thiếu sữa cho trẻ sơ sinh, khiến trẻ quấy, khóc nhiều, năm 2016, bác sĩ Nguyễn Xuân Hảo đã dùng phương pháp kết hợp xoa bóp, bấm huyệt, điện xung và chiếu đèn hồng ngoại để điều trị tắc tia sữa.
Bác sĩ Nguyễn Thị Sim - Phó Giám đốc Trung tâm Sàng lọc, chẩn đoán trước và sau sinh, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội.
Với sáng kiến này, bác sĩ Hảo đã dùng các thiết bị đơn giản có sẵn trong trạm y tế xã như máy châm cứu kết hợp với đôi bàn tay của bác sĩ xoa bóp bấm huyệt, giúp nhanh chóng làm mềm tuyến vú, không bị áp xe vú, giảm đau cho sản phụ. Nhờ áp dụng sáng kiến này, hàng trăm sản phụ đã được thông tuyến sữa trở lại, giảm chi phí, thời gian đi lại vì các trạm y tế gần nhà. Quan trọng hơn cả là sáng kiến giúp xoa dịu tinh thần của người mẹ, con và gia đình người bệnh.
Nâng cao chất lượng chẩn đoán trước sinh
Nhằm nâng cao chất lượng chẩn đoán trước sinh, đặc biệt giảm đau và giảm tai biến cho bệnh nhân, bác sĩ Nguyễn Thị Sim - Phó Giám đốc Trung tâm Sàng lọc, chẩn đoán trước và sau sinh, Bệnh viện (BV) Phụ sản Hà Nội đã có sáng kiến cải tiến kỹ thuật lấy mẫu ối để sàng lọc rối loạn di truyền cho bào thai.
Bác sĩ Sim cho biết, kỹ thuật lấy mẫu ối (chọc ối) và chẩn đoán di truyền trước sinh đã phổ biến từ lâu nhưng chỉ ở những cơ sở có đủ điều kiện mới làm được. Hơn 10 năm qua, BV Phụ sản Hà Nội đã sử dụng kỹ thuật này, giúp bệnh nhân phát hiện được rối loạn di truyền trước sinh cho bào thai và đem lại nhiều lợi ích hơn như giảm đau, giảm tai biến, làm cho bệnh nhân bớt lo lắng hơn.
Trên nền tảng kỹ thuật có sẵn, bác sĩ Sim đã cải tiến kỹ thuật này lên mức cao hơn bằng cách cải tiến kim nhỏ hơn (vì kim nhỏ, mức độ xâm lấn ít), với kỹ thuật nhẹ nhàng, làm cho bệnh nhân ít bị cơn co, tỷ lệ tai biến thấp hơn, bệnh nhân dễ chịu, an lòng hơn. Kỹ thuật hút được cải tiến nhờ dây nối làm cho quá trình hút trở nên êm ái, lấy mẫu thành công và cho kết quả đạt 100%.
Từ đầu năm 2019 đến nay đã có gần 500 ca được thực hiện thành công bằng kỹ thuật mới này, không chỉ giúp bệnh nhân cảm giác không đau, tai biến giảm thiểu mà còn giúp giảm bớt việc sử dụng nhân lực, tiết kiệm cho BV.
“Sáng kiến, sáng tạo trong ngành y là không ngừng để nhằm phục vụ bệnh nhân và theo kịp sự phát triển của khoa học. Từ việc ứng dụng cải tiến kỹ thuật, chúng tôi có thể mở ra bước tiến mới là điều trị can thiệp trong bào thai. (VD: Thai nhi thiếu máu, BV có thể truyền máu cho bào thai); điều trị những bệnh lý chẩn đoán trước sinh và có sự can thiệp sớm để khi em bé ra đời tránh được những rủi ro, tai biến nặng” - bác sĩ Sim cho hay.
Đây chỉ là 2 trong số hàng nghìn y, bác sĩ có trình độ tay nghề cao, có nhiều sáng kiến, sáng tạo, đóng góp đáng kể vào việc bảo vệ, chăm sóc sức khỏe Nhân dân, góp phần xây dựng Thủ đô ngày càng văn minh, hiện đại.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần