Hiệu quả từ trình diễn giống lúa mới

Bình Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Xây dựng mô hình trình diễn các giống lúa mới là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Trung tâm Khuyến nông Hà Nội. Hoạt động này góp phần quan trọng vào việc hình thành, phát triển các vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung quy mô lớn.

 Đoàn khảo sát của Trung tâm Khuyến nông Hà Nội tham quan mô hình cánh đồng cấy một giống lúa gắn với tiêu thụ sản phẩm 
Vụ Xuân năm 2018 hứa hẹn sẽ là vụ mùa bội thu của xã Hợp Tiến, huyện Mỹ Đức. Ông Nguyễn Hồng Kha, ở thôn Viêm Khê, xã Hợp Tiến cho biết, được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, ông đã mạnh dạn gieo cấy 5 sào giống lúa LTH31. Dù thời tiết vụ này đan xen các đợt rét đậm, rét hại, song diện tích lúa hoàn toàn không bị nhiễm sâu bệnh, dự kiến cho năng suất đạt 2,5 tạ/sào.
Đánh giá mô hình trồng giống lúa LTH31, Giám đốc HTX Nông nghiệp Hợp Tiến Nguyễn Hà Tuyển chia sẻ: "Vụ Xuân năm nay, địa phương gieo cấy 10ha giống lúa LTH31. Đây là giống lúa chịu thâm canh, chống chịu sâu bệnh tốt đặc biệt là với bệnh đạo ôn. So với giống lúa đối chứng Khang dân18, LTH31 cho năng suất cao hơn 2 tạ/sào nên bà con xã viên rất ủng hộ”.
Không riêng xã Hợp Tiến, vụ Xuân năm 2018, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã thực hiện mô hình trình diễn các giống lúa mới năng suất, chất lượng với quy mô 100ha, được triển khai tại 10 điểm của 10 huyện. Các giống tham gia trình diễn gồm: LTH31, Lam Sơn116, HTD10, Đông A1. Đây là các giống lúa thuần có thời gian sinh trưởng ngắn, có khả năng chống chịu sâu bệnh, có tính thích ứng rộng và cho năng suất, chất lượng cao. Nhờ gieo cấy đúng khung thời vụ và tuân thủ quy trình kỹ thuật trong sản xuất nên các giống lúa mới đều cho kết quả tốt, thể hiện nhiều ưu điểm vượt trội.

Trưởng phòng Trồng trọt (Sở NN&PTNT Hà Nội) Nguyễn Thị Thoa nhận định, thực tế sản xuất cho thấy, các giống lúa mới được đưa vào sản xuất như LTH31, Lam Sơn116, HTD10, Đông A1 đều phù hợp với đồng đất của nhiều huyện ngoại thành Hà Nội. Mặc dù diễn biến sâu bệnh phức tạp nhưng năng suất lúa không bị ảnh hưởng nhiều do các giống lúa mới đều kháng được một số loại bệnh như đạo ôn, bạc lá, rầy nâu. Việc đưa giống lúa mới vào gieo cấy nhằm so sánh, đối chứng với các giống lúa cũ được nông dân các huyện tích cực tham gia và được Sở NN&PTNT Hà Nội đánh giá cao trong sàng lọc để chọn ra bộ giống lúa năng suất, chất lượng bổ sung vào cơ cấu giống của TP.

Theo đánh giá của các chuyên gia nông nghiệp, hiệu quả của việc trình diễn các giống lúa mới không chỉ thay thế các giống lúa cũ năng suất, chất lượng kém mà còn góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của các huyện ngoại thành phát triển. Thành công của mô hình trình diễn các giống lúa mới đã tạo động lực cho các huyện đẩy mạnh chương trình phát triển lúa hàng hóa chất lượng cao của Hà Nội. Mặt khác, mô hình này góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, thúc đẩy hình thành các hợp tác xã, tổ dịch vụ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp.