Hiệu ứng từ một chương trình hướng tới cộng đồng

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - 5 năm qua, Tổ chức Plan International đã lựa chọn, phối hợp cùng Hà Nội, nỗ lực triển khai Dự án “Thành phố an toàn và thân thiện cho trẻ em gái”.

Dự án đã và đang tạo được hiệu ứng sâu rộng trên địa bàn cả nước đối với mục tiêu bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái khỏi những nguy cơ bị xâm hại. Nhưng ý nghĩa của Dự án không chỉ dừng lại ở đó, mà nó còn góp phần quan trọng để Hà Nội hiện thực hóa mục tiêu kiến tạo một đô thị an toàn, thân thiện cho mọi người dân Thủ đô.
Bắt đầu từ trẻ em gái
Ngày nào trên đường đến lớp, em Nguyễn Thị Thảo, học sinh trường THCS Kim Chung (huyện Đông Anh) cũng phải di chuyển qua hầm chui thôn Bầu để trở về nhà. Nằm tiếp giáp Khu Công nghiệp Thăng Long, khu vực tập trung rất đông lao động nhập cư, Thảo cho biết, không ít lần trên đường về, em bị các nam thanh niên buông lời trêu chọc. Đặc biệt, việc qua lại các hầm chui vào buổi tối khiến Thảo cảm thấy rất lo lắng vì cảm giác thiếu an toàn.
Tuy nhiên, kể từ khi Dự án “Thành phố an toàn và thân thiện cho trẻ em gái” được Tổ chức Plan International triển khai thí điểm tại huyện Đông Anh nỗi bất an đó đã không còn. Cùng với hai hầm chui dân sinh khác nằm trên địa bàn xã Kim Chung, hầm chui thôn Bầu đã được tu sửa, nâng cấp, lắp đặt bổ sung hệ thống đèn chiếu sáng.
Poster tuyên truyền bảo vệ trẻ em được lắp đặt trên xe buýt. Ảnh: Trọng Tùng
Bên cạnh đó là hàng chục bức tranh sinh động, với những khẩu hiệu như: Bảo vệ trẻ em gái là trách nhiệm của cộng đồng, An toàn cho trẻ em gái = an toàn cho mọi người, Vì một thành phố thân thiện với trẻ em… đã giúp Thảo cũng như bạn bè cùng trang lứa cảm thấy an toàn hơn mỗi khi qua lại.
Không chỉ hành trình đến trường, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Đông Anh Nguyễn Thị Thanh Tâm cho biết, Dự án “Thành phố an toàn và thân thiện cho trẻ em gái” còn hỗ trợ xây dựng 3 sân chơi tại 3 trường: THCS Hải Bối, THCS Kim Chung, THPT Bắc Thăng Long, và 10 điểm sinh hoạt cộng đồng tại 8 xã trên địa bàn huyện.
Các sân chơi, điểm sinh hoạt cộng đồng được lắp đặt nhiều trò chơi giúp rèn luyện thể chất, tinh thần cho các em, nhất là trẻ em gái. Những pano, áp phích tuyên truyền, cổ động phòng, chống bạo lực học đường, quấy rối tình dục, biện pháp tự vệ cho trẻ em gái... cũng được tô vẽ, lắp đặt trong khuôn viên các địa điểm trên nhằm thay đổi nhận thức cộng đồng, giúp các em gái có kỹ năng ứng phó với những nguy cơ bị xâm hại, cũng như tự tin hơn trong cuộc sống.
Vơi nỗi lo trên phương tiện công cộng
“Với học sinh thì xe buýt là phương tiện đi lại phổ biến vì giá rẻ. Chúng em sử dụng xe buýt để đi học, hay đi chơi với bạn bè. Tuy nhiên, em không thích đi xe buýt bởi nó rất đông và khiến em cảm thấy không an toàn. Những bạn gái như chúng em hay là đối tượng để nhiều hành khách nam, thậm chí là lái xe, phụ xe trêu chọc...".
Trên đây chỉ là một trong số hàng nghìn ý kiến liên quan tới tình trạng quấy rối tình dục trên phương tiện công cộng được Tổ chức Plan International khảo sát vào thời điểm năm 2013. Thống kê của tổ chức này cho thấy một thực trạng đang hết sức lo ngại, khi chỉ có... 13% trong tổng số 1.128 em gái được hỏi cảm thấy an toàn ở nơi công cộng!
Trước thực trạng trên, từ năm 2014, Tổ chức Plan International phối hợp cùng Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị Hà Nội (TRAMOC) triển khai can thiệp, thúc đẩy sự an toàn của em gái khi đi lại trên xe buýt. Theo đó, hai bên đối tác đã tổ chức nhiều buổi tập huấn nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức về bình đẳng giới, kỹ năng nhận biết và trợ giúp cho em gái bị quấy rối tình dục trên xe buýt cho khoảng 1.400 cán bộ nhân viên, lái xe và phụ xe. Thiết lập và xây dựng năng lực cho đội ngũ giảng viên, và đưa nội dung an toàn cho trẻ em gái vào chương trình tập huấn của ngành vận tải hành khách công cộng…
 Một sân chơi cộng đồng cho trẻ em tại xã Hải Bối, huyện Đông Anh.
Giám đốc TRAMOC Nguyễn Hoàng Hải cho biết thêm, đơn vị còn phối hợp với Tổ chức Plan International thực hiện các chiến dịch truyền thông trên xe buýt và tại các trạm bán vé, nhà chờ. Đến nay, gần 10% tổng số xe buýt của Hà Nội, 10 trạm bán vé và 3 điểm trung chuyển đã được gắn các poster, bảng LED chuyển tải những thông điệp an toàn cho trẻ em gái tới hàng vạn hành khách mỗi ngày.
Nhờ những nỗ lực trong thời gian dài, kết quả khảo sát của Tổ chức Plan International cho thấy những tín hiệu tích cực trong nhận thức của lái xe, phụ xe buýt về tầm quan trọng và cam kết thúc đẩy an toàn của trẻ em gái ở cộng đồng đô thị.
Cụ thể, đến đầu năm 2019, đã có 58% lái xe, phụ xe đã cảnh báo, chia sẻ về nguy cơ an toàn của trẻ em gái ở nơi công cộng cho hành khách. Đặc biệt, số người cho rằng việc một em gái bị quấy rối tình dục nơi công cộng không phải việc của họ đã giảm từ 20% năm 2014 xuống còn khoảng 9%.
Thay đổi nhận thức của cộng đồng
“Thành phố an toàn và thân thiện cho trẻ em gái” là Dự án toàn cầu của Tổ chức Plan International, được thực hiện dưới sự bảo trợ của Chương trình Nhân cư của Liên Hợp quốc (UN-Habitat). Đáng chú ý, Hà Nội - Thành phố Vì hòa bình đầu tiên tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, vinh dự là một trong 8 TP trên thế giới được lựa chọn để triển khai dự án trên, cùng với New Delhi (Ấn Độ), Cairo (Ai Cập), Kampala (Uganda), Lima (Peru), Asuncion (Paraguay), Nairobi (Kenya) và Honiara (Solomon).
Bà Đào Thị Bảo Thư – Điều phối viên Dự án (Tổ chức Plan International) cho biết: “Thông qua các hoạt động của Dự án, chúng tôi mong muốn thay đổi nhận thức của cộng đồng đối với vấn đề giới và an toàn cho phụ nữ, trẻ em gái. Nhưng quan trọng hơn là mong muốn các cơ quan đối tác, cụ thể là chính quyền các cấp, nhà hoạch định chính sách có những hành động thiết thực về khía cạnh luật pháp nhằm hỗ trợ tích cực cho nhóm đối tượng yếu thế...” – bà Thư nói.
Thực tế, Dự án “Thành phố an toàn và thân thiện cho trẻ em gái” đã và đang tạo sức lan tỏa tích cực, không chỉ tại Hà Nội mà còn trên bình diện cả nước. Tại Hà Nội, sau huyện Đông Anh, Dự án đang tiếp tục được triển khai tại các quận, huyện: Bắc Từ Liêm, Thanh Xuân, Long Biên, Đống Đa và Ứng Hòa.
Vụ Bình đẳng Giới (Bộ LĐTB&XH) đã đưa vào Chiến lược Quốc gia Hành động vì Bình đẳng Giới hợp phần “Thành phố an toàn và thân thiện cho trẻ em gái” như một mục tiêu hướng tới. Năm 2019 cũng đã được T.Ư Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam lựa chọn là “Năm an toàn cho phụ nữ và trẻ em gái” và tổ chức phát động trên cả nước...
Phó Vụ trưởng Vụ Bình đẳng Giới (Bộ LĐTB&XH) Trần Thị Bích Loan cho biết, trên cơ sở thành công của Dự án “Thành phố an toàn và thân thiện cho trẻ em gái” thực hiện tại Hà Nội, Vụ đang phối hợp với Tổ chức Plan International tập huấn, hướng dẫn triển khai nhân rộng mô hình tại 6 tỉnh, TP khác gồm: Thanh Hóa, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Định, Cần Thơ, Khánh Hòa và Hải Phòng. Thời gian tới, Vụ cũng sẽ xây dựng bộ công cụ khảo sát cho thực hiện chỉ số thành phố an toàn cho phụ nữ và trẻ em gái. Đồng thời, xuất bản một số ấn phẩm kỹ năng về bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực giới cho trẻ vị thành niên…

Trải qua 5 năm triển khai, Dự án “Thành phố an toàn và thân thiện cho trẻ em gái” đang cho thấy khả năng đáp ứng với những thách thức ngày càng gia tăng của vấn đề đô thị hóa thông qua việc trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái. Đây cũng là tiền đề quan trọng thúc đẩy hợp tác giữa các bên liên quan, hướng tới xây dựng những cộng đồng an toàn, thân thiện không chỉ đối với phụ nữ và trẻ em gái, mà còn dành cho mọi người dân Thủ đô; để Hà Nội tiếp tục xứng danh là “Thành phố Vì hòa bình”.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần