Hình thành bão trên Biển Đông, các tỉnh Nam Bộ, Nam Trung Bộ mưa to

ĐỨC THỌ (TỔNG HỢP)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng nay, áp thấp nhiệt đới trên vùng biển phía Nam Cà Mau đã suy yếu thành một vùng áp thấp, trong khi đó áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông đang mạnh lên thành cơn bão số 12.

 Vị trí và đường đi của ATNĐ.
Sáng sớm nay (2/11), áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) trên vùng biển phía Nam Cà Mau đã suy yếu thành một vùng áp thấp. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 40km/giờ).

Dự báo trong 24 giờ tới, vùng áp thấp di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 10-15km và suy yếu thêm. Do ảnh hưởng của hoàn lưu vùng áp thấp, trong ngày hôm nay ở Nam Bộ tiếp tục có mưa, riêng miền Tây Nam Bộ có mưa vừa, mưa to.

Trong khi đó, ATNĐ trên Biển Đông hồi 4h ở vào khoảng 12,0 độ Vĩ Bắc; 117,7 độ Kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây khoảng 380km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50-60km/giờ), giật cấp 9.

Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 20km và có khả năng mạnh lên thành bão. Đến 4 giờ ngày 3/11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 12,3 độ Vĩ Bắc; 113,7 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Bắc quần đảo Trường Sa. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90km/giờ), giật cấp 11.
Theo cập nhật của các PV, CTV báo Cà Mau đến đêm 1/11 quỹ đạo di chuyển của ATNĐ theo hướng cách xa đất liền và tỉnh Cà Mau chỉ bị ảnh hưởng hoàn lưu áp thấp. Tuy nhiên, tại Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, các địa phương vẫn luôn cắt cử người ứng trực, theo dõi đường đi của ATNĐ bão, không lơ là trước những diễn biến bất thường của thiên nhiên.
 Tàu thuyền đã về nơi neo đậu an toàn. Ảnh: Báo Cà Mau.
Ông Duy Quốc Tuấn-Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Trần Văn Thời thông tin, huyện đã liên lạc được 122/126 tàu còn hoạt động ngoài biển. Tuy ATNĐ suy yếu dần nhưng tùy tình hình thực tế, các tàu tìm nơi trú ẩn an toàn, không lơ là chủ quan. Đồng thời, địa phương cũng đang gấp rút liên lạc với các tàu còn lại để bảo đảm an toàn tuyệt đối về tính mạng và tài sản của ngư dân.

Tại các huyện Ngọc Hiển, Phú Tân, U Minh, Đầm Dơi... Chính quyền địa phương rất tích cực, cử các tổ công tác xuống từng địa bàn dân cư thông tin, tuyên truyền, vận động bà con chằng chống nhà cửa, di dời những hộ gia đình ra khỏi vùng nguy hiểm về nơi trú tránh an toàn. Các phương tiện đánh bắt đã được thông tin, đưa vào khu neo đậu tránh trú bão.
Theo dự báo, trong hôm nay trên Biển Đông, ATNĐ sẽ mạnh lên thành bão số 12. Do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp, trong suốt hơn 1 ngày qua khu vực từ Huế vào đến Khánh Hoà đã có mưa to đến rất to, nhiều nơi vượt trên 200mm như Vân Canh, Bình Định gần 350mm, Sông Hinh, Phú Yên gần 300mm, Phú Lộc, Thưa Thiên Huế trên 200mm.

Mưa lớn khiến nước sông tại Nam Trung Bộ lên nhanh. Tại Khánh Hoà, nước sông Ngâm dâng cao đã gây ngập sâu 2 bên bờ sông, có nơi lên tới 1m.

Tại huyện Đồng Xuân, Phú Yên, mưa lớn kết hợp với xả lũ đã khiến ít nhất 5 xã bị chia cắt, chính quyền phải di dời hơn 450 hộ dân.

Trong những giờ tới các tỉnh từ Quảng Nam-Ninh Thuận và Bắc Tây Nguyên cần đề phòng lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng ở vùng trũng.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần