Hộ cá thể và kinh doanh thương mại điện tử: Lách luật, trốn thuế tràn lan

Hà Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Câu chuyện hàng loạt cá nhân có doanh thu hàng chục, thậm chí cả trăm tỷ đồng nhờ các hoạt động kinh doanh trên facebook, google… vẫn vô tư “quên” khai thuế thời gian qua cho thấy, hoạt động kinh doanh thương mại điện tử (TMĐT) vẫn là một “mỏ vàng” mà cơ quan thuế chưa có giải pháp hiệu quả để tăng thu ngân sách.

Bài 3: Đau đầu với thất thu thuế kinh doanh qua mạng
Thu nhập tiền tỷ vẫn “quên” kê khai nghĩa vụ thuế
Mới đây, Cục Thuế TP Hồ Chí Minh đã truy thu hàng chục tỷ đồng tiền thuế của hai người nộp thuế có thu nhập 70 tỷ đồng từ việc bán một trò chơi trên facebook và google nhưng “quên” kê khai thuế. Cụ thể, cơ quan thuế truy thu 4,1 tỷ đồng tiền thuế của một cá nhân kiếm thu nhập hơn 41 tỷ đồng trong 2 năm nhờ viết một trò chơi có lượt tải rất nhiều trên internet, các kênh youtube, facebook đã chạy quảng cáo trên các chương trình này và trả phí. Nhưng số phí này không được kê khai và thực hiện nghĩa vụ thuế đúng quy định. Ngoài ra, một cá nhân khác có hộ khẩu ở Quảng Nam cũng được các tổ chức google, facebook chi trả số tiền ước khoảng 30 tỷ đồng “quên” kê khai thuế cũng bị cơ quan thuế phát hiện và yêu cầu truy thu. Trước đó, cuối năm 2017, cơ quan thuế cũng truy thu hơn 9 tỷ đồng tiền thuế của một cá nhân tại TP Hồ Chí Minh bán mỹ phẩm trên facebook.
 Hướng dẫn kê khai thuế điện tử trên website của Cục Thuế Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Đây là một số trường hợp có doanh thu lớn qua các hoạt động TMĐT bị cơ quan thuế phát hiện và yêu cầu truy thu. Với sự phát triển mạnh mẽ của CNTT, các hoạt động giới thiệu dịch vụ, bán hàng TMĐT ngày càng phổ biến và mang lại doanh thu “khủng” cho người kinh doanh.

"Để thu thuế người bán hàng trên mạng như facebook, google... chúng ta còn thiếu và yếu rất nhiều thứ như cơ sở dữ liệu, hạ tầng kỹ thuật, hệ thống, nhân sự kiểm tra, giám sát và cả tinh thần thượng tôn pháp luật của người dân.' - Đại diện Tổng cục Thuế

Hiện nay, các trang mạng xã hội như facebook, instagram… đang trở thành một kênh kinh doanh tạo ra nguồn thu nhập cho không ít người. Người bán hàng có thể sử dụng tài khoản cá nhân và fanpage để kinh doanh buôn bán hoặc các nhân vật nổi tiếng giới thiệu sản phẩm thông qua hình thức viết status, livestream để giới thiệu, tương tác trực tiếp với người mua hàng ngày càng phổ biến. Trong đó, một số người nổi tiếng gồm ca sĩ, diễn viên, MC như Kỳ Duyên, Ngọc Trinh, Phạm Hương… thường xuyên sử dụng hình thức livestream trên facebook để giới thiệu một nhãn hàng nào đó. Mỗi một lần livestream của người nổi tiếng có thể được DN, đơn vị kinh doanh trả vài triệu đến hàng chục triệu đồng tùy mức độ nổi tiếng.

Việc livestream qua trang facebook cá nhân trên mạng xã hội có thể được DN kê khai vào doanh thu nộp thuế của DN. Tuy nhiên, bên cạnh những người nổi tiếng livestream có hợp đồng quảng bá và có đóng thuế thì không ít người vẫn quảng bá sản phẩm thông qua hợp đồng “miệng” và không kê khai nộp thuế. Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, việc thu thuế người nổi tiếng viết status, livestream giới thiệu sản phẩm khó như “mò kim đáy bể”. Vì xác định doanh thu từ bán hàng qua mạng đã khó, xác định nội dung livestream đó có thu lợi cho người thực hiện livestream hay không lại càng khó hơn.

Lúng túng trong quản lý

Theo quy định của Luật Quản lý thuế, đã kinh doanh, dù bất kỳ hình thức nào cũng thuộc đối tượng phải kê khai, nộp thuế. Nếu không thu, ngoài thất thu ngân sách, còn tạo ra sự bất bình đẳng khi những DN bán hàng qua mạng giảm được chi phí lớn, tạo lợi thế cạnh tranh về giá không lành mạnh với các DN khác. Tuy nhiên, do đây là vấn đề mới, không chỉ với Việt Nam mà với nhiều nước trên thế giới nên việc quản lý thuế với loại hình kinh doanh này còn gặp nhiều khó khăn.

Theo Tổng cục Thuế, hoạt động TMĐT được thực hiện qua các phương tiện như điện thoại di động, máy tính, có thể phát sinh mọi lúc, mọi nơi, không giống như hình thức kinh doanh truyền thống (có cửa hàng, địa chỉ DN...). Cùng với đó, thông tin của người mua và người bán thường không hiển thị cụ thể, cơ quan thuế muốn tìm kiếm cũng rất khó khăn.

Một khó khăn khác trong việc thu thuế các hoạt động kinh doanh qua mạng xã hội và internet theo Luật sư Nguyễn Văn Quỳnh - Công ty Luật TNHH Phước & Các cộng sự là mạng xã hội được sử dụng để kinh doanh, giao dịch nhiều nhất hiện nay là facebook lại không thuộc đối tượng mạng xã hội mà pháp luật Việt Nam có thể điều chỉnh. Nguyên nhân là vì facebook không có bất kỳ hình thức hiện diện thương mại nào tại Việt Nam. Do đó, cơ quan quản lý trong nước chưa có đầy đủ cơ sở pháp lý để yêu cầu facebook cung cấp thông tin của người bán hàng trên facebook.

(Còn nữa)

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần