Hồ chứa thủy lợi có thể mang lại 15.000MWp điện mặt trời

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 23/10, Bộ NN&PTNT tổ chức Hội thảo Điện mặt trời tại hồ chứa thủy lợi. Tham dự hội thảo có đại diện nhiều bộ ngành, chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp thuộc lĩnh vực điện mặt trời trong và ngoài nước.

Cùng với các nước trong khu vực châu Á, thị trường năng lượng mặt trời nổi hiện đã bước đầu xuất hiện tại Việt Nam. Với gần 7.000 hồ chứa thủy lợi cùng lượng bức xạ được đánh giá là lớn hàng đầu thế giới, Việt Nam được cho là có tiềm năng lớn về điện mặt trời trên các nền tảng nổi.
Đại diện Bộ NN&PTNT chia sẻ về tiềm năng điện mặt trời nổi tại Hội thảo.
Mặc dù vậy, đến nay, cả nước mới chỉ có 2 dự án điện mặt trời nổi tại hồ thủy điện Đa Mi với công suất 47,5MWp (được đưa vào vận hành tháng 5/2019) và nhà máy điện mặt trời đặt trên diện tích đất bán ngập nước của hồ Dầu Tiếng với công suất 420MW. Tập đoàn Điện lực Việt Nam đang nghiên cứu các dự án điện mặt trời nổi tại hồ Trị An (Đồng Nai), Se San 4 (Gia Lai), Đà Mi (Bình Thuận).
Liên quan đến các dự án điện mặt trời nổi khác đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, công ty năng lượng sạch Vasari Energy (Hoa Kỳ) đang lên kế hoạch cho hai dự án năng lượng mặt trời nổi; mỗi dự án có công suất khoảng 180 - 200MW. Công ty Solkiss (Hàn Quốc) và 2 doanh nghiệp Na Uy cũng đang có những bước xúc tiến nghiên cứu đầu tư…
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp, điện mặt trời đang phát triển rất nhanh, hiện đã vượt kế hoạch. Cụ thể, mục tiêu đặt ra đến năm 2025 là có 4.000MW điện mặt trời, nhưng hiện nay đã đạt hơn 4.500MW. Đây là điều đáng mừng vì xu thế thế giới tập trung nhiều vào năng lượng sạch.
Riêng đối với điện mặt trời tại hồ chứa thủy lợi, nếu chỉ tận dụng đất bán ngập và diện tích mặt nước xung quanh hồ thì tổng điện năng có thể đạt 15.000MWp (trên cơ sở tính toán diện tích mặt nước 1,2ha/MW). Ngoài ra, đầu tư sẽ nhanh hơn do không phải giải phóng mặt bằng (dù suất đầu tư có thể lớn hơn).
Theo các đại biểu tham dự, tốc độ phát triển điện mặt trời rất nhanh, nhưng cũng đặt ra một số vấn đề. Tốc độ phát triển điện mặt trời (bao gồm cả điện mặt trời nổi) đang vượt quá quy hoạch khiến công tác truyền tải gặp khá nhiều khó khăn. Thứ nữa, điện mặt trời chiếm nhiều diện tích đất lớn, trung bình 1,2ha/MW. Hạn chế đó đặt ra bài toán về điện mặt trời trên các hồ chứa thủy lợi.
Dù vậy, một số vấn đề của điện mặt trời nổi cũng đã được chỉ ra. Đơn cử như, loại hồ nào thì có thể làm được điện mặt trời, điện mặt trời nổi có ảnh hưởng như thế nào đến môi sinh. Công nghệ nào áp dụng thì phù hợp?... Đây sẽ là những vấn đề mà các bộ ngành, địa phương cần tập trung nghiên cứu trong thời gian tới, nhằm tận dụng triệt để nguồn tài nguyên mặt nước hồ chứa cho phát triển điện mặt trời.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần