Hộ kinh doanh Việt Nam bị ảnh hưởng đáng kể do Covid-19

Đỗ Hương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, các hộ gia đình trong khu vực ASEAN đang phải gánh chịu những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19.

 Người dân gặp hoàn cảnh khó khăn do Covid-19 đến nhận gạo tại điểm phát gạo miễn phí ở Hà Nội. Ảnh: Duy Khánh

Gần 70% hộ gia đình, chủ yếu hộ kinh doanh Việt Nam đều trải qua sự sụt giảm đáng kể về thu nhập và việc làm bởi tác động của dịch Covid-19.
Kết quả điều tra cho thấy Covid-19 khiến 66% hộ gia đình Việt Nam (chủ yếu là hộ kinh doanh) bị giảm thu nhập lên đến 75% trong tổng thu nhập, mức này thấp hơn so với tỷ lệ trung bình của các nước ASEAN (73%). Chỉ có 27% số hộ gia đình không bị ảnh hưởng và 4% số hộ gia đình tăng thu nhập.
Không chỉ riêng Việt Nam, điều này cũng xảy ra tương tự như ở các nước ASEAN bao gồm Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Thái Lan. Đây là kết quả điều tra trên khoảng 8,000 hộ gia đình ở 8 nước ASEAN bao gồm Việt Nam với 1,000 hộ do Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) thực hiện và công bố tại hội thảo trực tuyến về tác động và hệ luỵ của Covid-19 lên châu Á, trong đó đặc biệt là tác động lên các hộ gia đình, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, và tác động lên ngành du lịch ngày 16/9 vừa qua.
 Tỷ lệ % số hộ gia đình bị sụt giảm thu nhập do Covid-19 theo từng nước. Nguồn: ADBI 
Sự bùng phát Covid-19 dẫn đến sự không chắc chắn và những can thiệp chính sách giãn cách xã hội và hạn chế đi lại tiếp tục gây xáo trộn nghiêm trọng cho các nền kinh tế châu Á.
Đặc biệt, các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME), chiếm phần lớn hoạt động kinh tế và việc làm ở nhiều quốc gia trong khu vực, cùng với các hộ gia đình, đang phải gánh chịu những tác động tiêu cực của đại dịch.
“Các doanh nghiệp hộ gia đình và lao động tự do đã cho thấy mức độ dễ bị tổn thương lớn nhất trong bối cảnh đại dịch, báo cáo cho thấy thu nhập giảm 83%, theo đó là tỷ lệ nông dân và ngư dân có thu nhập giảm 60%”, ông Tetsushi Sonobe - Viện trưởng Viện ADB cho biết.
Bên cạnh thu nhập giảm, tỷ lệ mất việc làm/giảm khối lượng công việc cũng ở mức cao lên tới 50.2% hộ gia đình Việt Nam trong đó có ít nhất 1 người mất/giảm giờ làm. Mức tỷ lệ này đứng thứ 2 sau Philippines và cao hơn so với tỷ lệ trung bình các nước ASEAN (44%).
 Tỷ lệ % hộ gia đình mất việc làm/giảm giờ làm theo từng nước. Nguồn: ADBI
Điều này khiến cho gần 1 nửa số hộ gia đình Việt Nam gặp khó khăn về tài chính, điều đồng thời cũng xảy ra tương tự tại các nước trong khu vực, trong đó 81% hộ gia đình Indonesia chỉ đủ chi tiêu thiết yếu trong một tuần.
Chính vì vậy, phần lớn các hộ gia đình bắt buộc phải giảm chi tiêu trong đó chủ yếu cắt giảm lương thực và các sản phẩm không thiết yếu, tự làm các sản phẩm hoặc thực phẩm để bán hàng online để trang trải cuộc sống.
Dịch Covid-19 cũng làm ảnh hưởng đến việc đến trường của các hộ gia đình có con trong độ tuổi đi học Tuy nhiên phần lớn các trường học đều áp dụng hình thức trực tuyến để đảm bảo việc học của trẻ. 
Mặc dù vậy, tại Việt Nam, gần 40% hộ gia đình không có thiết bị máy tính/máy tính bảng để trẻ có thể tham gia các lớp học trực tuyến. Hơn 30% hộ gia đình Việt Nam trả lời điều tra cho biết không có mạng internet hoặc đường truyền mạng internet chậm nên không thể cho trẻ học trực tuyến. 
 Nguyên nhân tỷ lệ hộ gia đình có con không học trực tuyến theo từng nước. Nguồn: ADBI
“Khoảng cách kỹ thuật số này là một lĩnh vực cần sự can thiệp chính sách trong tương lai” - ông Peter Morgan - Phó Viện trưởng Phụ trách nghiên cứu của Viện ADB (ADBI) cho biết.
Điều tra này được thực hiện trong khoảng thời gian từ ngày 10 đến 31/7 và bằng hình thức phỏng vấn qua điện thoại, nhằm rút ra các bài học và giải pháp để cải thiện giảm thiểu các tác động do đại dịch gây ra.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần