Thạch Thất: Nhiều gia đình thoát nghèo bền vững, doanh thu 100 triệu đồng

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ việc tiếp cận nguồn vốn vay qua Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) Thạch Thất, nhiều hộ nghèo trong huyện đã thoát nghèo bền vững, doanh thu tới 100 triệu đồng.

Nhiều giải pháp hỗ trợ hộ nghèo
Tại thời điểm tháng 1/2019, toàn huyện Thạch Thất có 1.085 hộ nghèo, chiếm 1,97% tổng số hộ dân; trong đó có 794 hộ nghèo có thành viên đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng tại cộng đồng. Như vậy, toàn huyện Thạch Thất có 291 hộ nghèo theo chuẩn nông thôn mới, chiếm 0,54%. Bên cạnh đó, Thạch Thất còn 1.760 hộ cận nghèo, chiếm 3,20% tổng số hộ dân.
Ngay từ đầu năm 2019, UBND huyện Thạch Thất đã xây dựng Kế hoạch thực hiện giảm nghèo cho cả năm; tập trung nguồn lực giảm nghèo tại các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao, xã miền núi, lồng ghép với những chương trình xây dựng nông thôn mới, hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi.
Đại diện Ngân hàng CSXH Thạch Thất và Phòng LĐTB&XH Thạch Thất đang kiểm tra việc sử dụng vốn vay của hộ gia đình ông Cấn Văn Giáo có doanh thu 100 triệu đồng. Ảnh: Oanh Trần
Toàn huyện phấn đấu giảm 100 hộ nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện từ 1,97% xuống còn 1,78% vào cuối năm 2019. Nếu trừ 794 hộ nghèo bảo trợ xã hội, tỷ lệ hộ nghèo ở huyện Thạch Thất giảm còn 0,35%.
“Đánh giá sơ bộ ban đầu, chỉ tiêu giảm 100 hộ nghèo năm 2019 chắc chắc sẽ vượt và khả năng dự kiến đạt 150 hộ trong tổng số 291 hộ. Nếu trừ các hộ nghèo có thành viên thuộc đối tượng bảo trợ xã hội, tỷ lệ hộ nghèo của Thạch Thất giảm còn khoảng dưới 0,3%”, ông Nguyễn Quyết Thắng - Phó Trưởng phòng LĐTB&XH huyện Thạch Thất thông tin.
Theo ông Quyết Thắng, để hỗ trợ hộ nghèo tự vươn lên thoát nghèo bền vững, huyện Thạch Thất đã thực hiện một số nhóm giải pháp. Trong đó có giải pháp tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo. 100% hộ nghèo, 100% hộ cận nghèo có nhu cầu vay vốn sản xuất - kinh doanh, dịch vụ đều được vay vốn do Ngân hàng CSXH Thạch Thất quản lý.
Huyện ưu tiên các hộ nghèo, cận nghèo có khả năng thoát nghèo được vay vốn ở mức cao nhất giúp cho họ thoát nghèo bền vững. “Theo đánh giá của Ngân hàng CSXH Thạch Thất và Phòng LĐTB&XH Thạch Thất, các hộ vay vốn đã phát huy được hiệu quả nguồn vốn vay”, ông Thắng khẳng định.
Thu nhập tới 100 triệu đồng/năm
Để minh chứng cho việc hộ nghèo sử dụng đồng vốn vay mang lại hiệu quả cao, Phó Trưởng phòng LĐTB&XH Thạch Thất Nguyễn Quyết Thắng cùng Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH Thạch Thất Dương Quốc Mạnh dẫn chúng tôi xuống thăm gia đình hộ gia đình chị Kim Thị Huyền (thôn Nội Thôn, xã Phú Kim) đã thoát nghèo nhờ vốn vay.
Hộ gia đình chị Kim Thị Huyền xã Phú Kim đã thoát nghèo nhờ vay vốn nuôi bò sinh sản. Ảnh: Thủy Trúc
Chị Huyền chia sẻ, năm 2013, gia đình được vay vốn mua 1 con bò. Sau 6 năm, con bò ấy đã sinh được 5 con và hiện nay 1 con đang mang thai đầu năm sau sẽ sinh. Hiện nay gia đình chị Huyền đang vay 64 triệu đồng từ 3 chương trình (giải quyết việc làm, nước sạch vệ sinh môi trường, học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn), sử dụng đúng mục đích, hàng tháng trả lãi đúng hạn.
Gia đình chị Huyền vừa sửa chữa nhà cửa khang trang, nuôi được 3 con ăn học. “Gia đình tôi rất mong muốn được Ngân hàng CSXH cho vay thêm vốn để xây thêm chuồng, mở rộng chăn nuôi. Chúng tôi rất cảm ơn sự quan tâm của lãnh đạo huyện, ngân hàng và xã đã tạo điều kiện để hỗ trợ gia đình thoát nghèo bền vững”, chị Huyền xúc động chia sẻ.
Tương tự, hộ gia đình ông Cấn Văn Giáo (thôn Nội Thôn, xã Phú Kim) được vay vốn hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ thoát nghèo từ Ngân hàng CSXH đã nuôi 7 người con ăn học đàng hoàng, thành đạt.
Chỉ tay về phía vườn bưởi sai núc lỉu quả, ông Giáo phấn khởi khoe: Nhờ huyện tạo điều kiện cho vay vốn, năm ngoái, gia đình tôi nuôi lợn, gà, vịt và trồng bưởi doanh thu 100 triệu đồng.
Và, tại thời điểm này, hộ ông Giáo được vay 50 triệu đồng từ chương trình Giải quyết việc làm và 12 triệu đồng chương trình Nước sạch vệ sinh môi trường. Nhờ làm ăn có lãi, gia đình ông Giáo mua được trên 2.500m2 đất và luôn đi đầu trong các hoạt động từ thiện với mong muốn chia sẻ những khó khăn.
Theo ông Quyết Thắng, để phát huy được hiệu quả đồng vốn vay, điều quan trọng là tổ chức cho vay đúng quy trình, đúng đối tượng và sử dụng vốn đúng mục đích. Và, quan trọng hơn chính là sự đồng thuận trong chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương từ huyện tới xã. Và, đặc biệt là các hội đoàn thể phải phối hợp, thậm chí phân công phụ trách hộ nghèo từ việc hướng dẫn họ cách làm ăn, hỗ trợ tạo điều kiện về cây con giống và sự vào cuộc của hộ nghèo.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần