Hỗ trợ, bảo vệ người di cư trong đại dịch Covid-19

Hà Linh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong 20 năm qua, số lượng di cư toàn cầu đã tăng từ 150 triệu lên 272 triệu, theo báo cáo của IOM.

Ngày 17/12, Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) tại Việt Nam và Tổng Cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) phối hợp tổ chức mít tinh với chủ đề “Tiếng nói của người di cư trong đại dịch Covid-19”, hưởng ứng Ngày quốc tế Người di cư, từ đó chia sẻ tiếng nói, câu chuyện, trải nghiệm và mong đợi của người di cư về hành trình trong đại dịch Covid-19.
Mít tinh với chủ đề ''Tiếng nói của người di cư trong đại dịch Covid-19'', hưởng ứng Ngày quốc tế Người di cư, từ đó chia sẻ tiếng nói, câu chuyện, trải nghiệm và mong đợi của người di cư về hành trình trong đại dịch Covid-19.
Theo báo cáo của Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM), trong 20 năm qua, số lượng di cư toàn cầu đã tăng từ 150 triệu lên 272 triệu người. Tại Việt Nam, di cư nội địa trong 5 năm qua là hơn 7% dân số (Tổng Điều tra Dân số và Nhà ở năm 2019 của Tổng cục Thống kê). Báo cáo của Bộ Ngoại giao năm 2016 cho thấy số lượt người Việt Nam di cư quốc tế là hơn 10 triệu lượt người. Năm 2019, Việt Nam đã gửi 152.530 công nhân làm việc ở nước ngoài (theo Cục Quản lý lao động ngoài nước (DOLAB)).
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, một loạt yếu tố sẽ ảnh hưởng đến các đặc điểm và quy mô di cư toàn cầu. Người di cư ở nước ngoài dễ bị tổn thương do tác động của Covid-19 hơn những người không di cư. Họ không chỉ đối mặt với nguy cơ mất việc làm, mất thu nhập mà còn có thể bị kỳ thị. Quan trọng hơn là người di cư cũng phải đối mặt với nguy cơ lây nhiễm Covid-19 như người dân của các nước sở tại. Rào cản văn hóa - ngôn ngữ và tình trạng kinh tế - xã hội có thể hạn chế họ tiếp cận với các thông tin, dịch vụ chăm sóc sức khỏe một cách nhanh chóng, chính xác và an toàn.

Nhắc tới vai trò quan trọng của người di cư, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid-19, bà Park Mihyung - Trưởng Phái đoàn Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) tại Việt Nam cho rằng, người di cư là một lực lượng lao động thiết yếu ở mỗi quốc gia. Nếu không có người di cư thì rất nhiều người trên thế giới không thể sống qua thời kỳ giãn cách xã hội do đại dịch Covid-19...

Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành T.Ư Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới; Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 đã chỉ đạo cần quan tâm, đầu tư hơn nữa đối với nhóm dân số dễ bị tổn thương trong đó có người di cư. Một số chương trình, dự án đã được thực hiện nhằm hỗ trợ người di cư. Cho đến nay, Việt Nam là một trong số ít quốc gia trên thế giới bước đầu thành công trong kiểm soát đại dịch Covid-19 nhưng những khó khăn, thách thức của đại dịch vẫn hiển hiện và tiềm ẩn những nguy cơ nhất định.

Phát biểu tại lễ mít tinh, Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số-KHHGĐ Nguyễn Doãn Tú nhấn mạnh: "Nhân ngày Quốc tế Người Di cư, chúng ta cùng nhau có mặt tại đây ngày hôm nay nhằm hưởng ứng lời kêu gọi của Liên hợp quốc, cùng nhau chung tay chia sẻ, hỗ trợ và bảo vệ người di cư, thực hiện tốt việc phòng chống và đẩy lùi đại dịch Covid-19 vì những hành trình khỏe mạnh, an toàn, vì hạnh phúc của mỗi người di cư, của gia đình họ và của cả cộng đồng".
Ngày quốc tế Người di cư diễn ra vào ngày 18/12 hàng năm nhằm ghi nhận nỗ lực, đóng góp của người di cư trên toàn thế giới; thúc đẩy sự tôn trọng, bảo hộ các quyền cơ bản của người di cư. Năm 2020, Ngày quốc tế Người di cư có chủ đề “Reimagining Migration” (tạm dịch là "Định hình lại bức tranh di cư toàn cầu").

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần