Hỗ trợ các quốc gia tiếp cận vaccine Covid-19: Cho “con cá” hay “cần câu”?

Liên Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hãng AFP ngày 12/5 dẫn lời Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết gần phân nửa lãnh đạo các nước trên thế giới đã liên hệ ông đề nghị Mỹ giúp đỡ về vaccine Covid-19.

Trong một cuộc họp trực tuyến ngày 12/5, ông Joe Biden khẳng định, nhiều quốc gia trên thế giới đang kỳ vọng được Mỹ hỗ trợ lấp đầy thiếu hụt trong năng lực sản xuất hoặc có được vaccine. Khoảng 40% lãnh đạo các nước đã liên hệ cho ông Biden nhờ giúp đỡ. Theo Hãng tin AFP, dư luận quốc tế ngày càng có nhiều lời phàn nàn về việc chia sẻ số vaccine khổng lồ mà Mỹ đang thừa cho các nước khác thiếu vaccine. Tổng thống Biden tháng trước cam kết phân phối 60 triệu liều vaccine AstraZeneca, dự kiến trong số các nước được nhận sẽ có Ấn Độ. Trước đó, Nhà Trắng thông báo “cho vay” 4 triệu liều vaccine AstraZeneca đến Mexico và Canada.
 Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: AFP
Tổng thống Biden lặp lại quan điểm rằng ông vẫn ưu tiên tiêm chủng cho người dân Mỹ nhưng cho biết cũng đang phối hợp với các nước khác, vì số lượng biến thể khá nhiều. CNN dẫn thống kê cho biết, nước Mỹ đã tiến hành tiêm 261,2 triệu liều vaccine tính tới ngày 11/5, tương đương với cứ 100 người thì có 79 liều

vaccine được tiêm. Trước đó, ngày 10/5, Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) đã cấp phép khẩn cấp tiêm vaccine ngừa Covid-19 của Hãng dược Pfizer cho trẻ em từ 12 - 15 tuổi. Các chuyên gia y tế cho biết, cần tới 70 - 85% dân số Mỹ tiêm vaccine mới tạo được kháng thể cộng đồng.

Mặt khác, tại một số nơi trên thế giới như châu Phi – chỉ chiếm 1% số vaccine được cung cấp trên toàn thế giới. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo, kể cả ở những nơi thiếu hụt vaccine này cũng có khả năng xuất hiện các biến thể mới và liên quan, đe dọa tới tiến trình đối phó đại dịch của toàn cầu. Trong khi sự thiếu hụt này cũng có “một phần trách nhiệm” của các nước giàu. Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus từng bày tỏ quan ngại việc một số nước giàu đặt mua vacicne Covid-19 trực tiếp với các hãng dược, mặt khác khiến số phần phân phối cho các nước nghèo, thông qua sáng kiến chia sẻ vaccine toàn cầu COVAX, bị suy giảm. Chỉ có thể đảm bảo số vaccine cung cấp cho những nước nghèo là thành viên COVAX nếu các nước có thu nhập cao hợp tác trong việc tôn trọng các thỏa thuận đã ký. Hiện đã có tiền để mua vaccine cho một số nước nghèo nhất, sau khi có sự đóng góp mới từ Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Đức nhưng số tiền đó chẳng có giá trị nếu không có vaccine để mua.

Vừa qua, Tổng thống Mỹ bày tỏ thái độ ủng hộ từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine Covid-19. Trong khi nhận được hoan nghênh từ một số quốc gia như Ấn Độ, Nam Phi, Nga... động thái này cũng vấp phải phản đối từ một số DN dược phẩm Mỹ cùng một số quốc gia mạnh trong lĩnh vực này. Bên cạnh đó, việc hủy bỏ quyền sở hữu trí tuệ có thực sự thúc đẩy các nước sản xuất vaccine hay không còn là tranh cãi. Cho vaccine hay cho công thức sản xuất vaccine trong lúc đại dịch diễn biến phức tạp như hiện nay, là câu chuyện phải xem xét đối với Mỹ cũng như những quốc gia lớn khác.
Theo số liệu thống kê chính thức từ Bộ Y tế Ấn Độ ngày 12/5, tổng số ca tử vong do Covid-19 ở nước này đã lên tới 254.197 ca. Chỉ tính riêng trong 24 giờ qua đã có 4.205 người không qua khỏi và đây là con số cao kỷ lục. Hiện Ấn Độ đã ghi nhận 23.340.000 ca mắc Covid-19, trong đó có 348.421 ca mắc mới trong 24 giờ qua. 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần