Hỗ trợ để doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đồng tình với quan điểm nếu năng suất lao động (NSLĐ) của người lao động (NLĐ) không sớm cải thiện thì nguy cơ Việt Nam rơi vào “bẫy thu nhập trung bình” là rõ rệt, ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng đề xuất Nhà nước nên trực tiếp hỗ trợ tài chính để DN chủ động “đặt hàng” các cơ sở dạy nghề hoặc tự đào tạo nghề cho NLĐ.

Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, ông Vũ Tiến Lộc cho biết: NSLĐ thấp có nhiều nguyên nhân và có liên quan tới cơ cấu kinh tế, chừng nào phần lớn LĐ của chúng ta còn ở khu vực nông thôn, gắn với nông nghiệp thì NSLĐ còn thấp.

 
Thực hành điện công nghiệp tại Trung tâm dạy nghề Thanh Xuân.  	Ảnh: Trần Dũng
Thực hành điện công nghiệp tại Trung tâm dạy nghề Thanh Xuân. Ảnh: Trần Dũng
Do đó, muốn cải thiện NSLĐ thì phải chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đưa LĐ từ nông nghiệp sang khu vực công nghiệp – dịch vụ. Trong nông nghiệp cũng phải tập trung vào lĩnh vực có giá trị gia tăng cao, có công nghệ cao, năng suất cao. Trong công nghiệp cũng có các lĩnh vực khác nhau, phân khúc khác nhau, phải lựa chọn phân khúc có giá trị gia tăng phù hợp trong chuỗi giá trị toàn cầu để tập trung đầu tư, hướng LĐ vào đó để cải thiện NSLĐ. Với chủ trương đẩy mạnh cải cách thể chế, mở cửa hội nhập, giới sử dụng LĐ rất hy vọng sẽ tạo ra bước chuyển về NSLĐ trong thời gian ngắn sắp tới.

Điều gì sẽ xảy ra nếu NSLĐ của Việt Nam không cải thiện từ 1,5 – 2 lần trong vài năm tới, thưa ông?

- Nếu không cải thiện NSLĐ, chúng ta sẽ sa “bẫy thu nhập trung bình”. “Bẫy thu nhập trung bình” sẽ xảy ra nếu chúng ta không đột phá ở cả 3 mũi nhọn: Cơ sở hạ tầng, thể chế và nguồn nhân lực. Tuy nhiên, trong các mũi đột phá thì mũi đột phá về nguồn nhân lực vẫn là mũi trung tâm. NSLĐ phải cải thiện, chất lượng nguồn nhân lực phải nâng cao là yếu tố then chốt quyết định chúng ta vượt “bẫy” hay không. Chúng ta chỉ tránh được “bẫy” khi có nguồn nhân lực chất lượng vì con người là yếu tố quyết định tất cả.

 Theo ông, chất lượng dạy và đào tạo nghề tại Việt Nam hiện nay đã đáp ứng yêu cầu của DN?

- Phải thẳng thắn nói rằng, GD&ĐT chưa tạo ra bước chuyển mình tương xứng với sự phát triển của nền kinh tế. NSLĐ chủ yếu dựa vào sự dịch chuyển từ khu vực nông nghiệp sang thương mại – dịch vụ - công nghiệp. Kỹ năng NLĐ chưa đáp ứng yêu cầu của DN, NSLĐ của Việt Nam vẫn ở nhóm thấp nhất ở khu vực và thế giới. Tôi cho rằng, cần phải tạo ra sự đột phá cho công tác GD&ĐT, đặc biệt là dạy nghề hiện nay.

Để thực hiện được nhiệm vụ này cần sự nỗ lực ủng hộ của Chính phủ, DN và toàn xã hội. DN với tư cách là giới sử dụng LĐ, họ cần có tiếng nói tham mưu để xây dựng chiến lược. DN phải là lực lượng chủ lực để phát triển nguồn nhân lực. Lâu nay, việc này là do các trường dạy nghề của Nhà nước, nhưng với nhu cầu hiện nay thì Nhà nước không thể ôm xuể, cần khuyến khích tư nhân, giới sử dụng LĐ tham gia vào lĩnh vực dạy nghề.

Đã có một số DN chủ động “tự cung, tự cấp” nguồn LĐ cho chính mình và thị trường. Ông đánh giá như thế nào về sự tham gia của DN vào lĩnh vực đào tạo dạy nghề?

- Đảng và Nhà nước đã có chính sách xã hội hóa giáo dục và khuyến khích việc đào tạo nghề ở khu vực tư nhân, đã có khá nhiều DN xây dựng cơ sở dạy nghề cho chính mình. Đây là nỗ lực bước đầu rất đáng trân trọng của DN. Nhưng để thúc đẩy các nỗ lực này thì cần có chính sách hỗ trợ hơn nữa của Nhà nước. Cùng với các biện pháp hỗ trợ DN về tài chính, về thị trường, về kỹ thuật... thì hỗ trợ để DN tham gia đào tạo nghề là vô cùng cần thiết và quan trọng.

Hiện nay, chúng ta mới cung cấp chỉ tiêu cho cơ sở đào tạo của Nhà nước, rót ngân sách cho các cơ sở này, tuy nhiên các cơ sở đào tạo này vẫn không đáp ứng được yêu cầu chất lượng nhân lực của DN. Tôi đề xuất cách tiếp cận mới đảm bảo đồng tiền của Nhà nước bỏ ra cho dạy nghề sẽ hiệu quả hơn, đó là: Mỗi DN khi đầu tư đều có kế hoạch sử dụng nguồn LĐ, Nhà nước hỗ trợ trực tiếp cho các DN này để họ dùng tiền hỗ trợ đó vào việc đầu tư “đặt hàng” cơ sở dạy nghề hoặc tự tổ chức đào tạo. DN có thể cử chuyên gia của mình đến cơ sở dạy nghề làm giảng viên, đồng thời là công xưởng thực hành cho cơ sở dạy nghề. Sự gắn bó giữa DN và cơ sở dạy nghề sẽ là nhân tố then chốt quyết định cải thiện chất lượng đào tạo bên cạnh sự hỗ trợ về thể chế của Nhà nước ở nhiều tầng nấc.

Ngoài ra, cần nâng cao vai trò của các hiệp hội trong việc đưa ra các dự báo chính xác về nhu cầu LĐ, giúp định hướng cho các cơ sở đào tạo nghề. Kinh nghiệm là ở đâu đề cao vai trò của DN và hiệp hội DN trong công tác dạy nghề thì chất lượng dạy nghề, nguồn nhân lực được nâng cao. Bên cạnh đó, việc hợp tác quốc tế cũng rất cần thiết, ở các nước phát triển đã có các chương trình - modul dạy nghề tốt có thể học tập, trao đổi.

Xin cảm ơn ông!

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần