Hỗ trợ doanh nghiệp vận tải bị thiệt hại bởi Covid-19: Phải thiết thực và kịp thời

Quý Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hơn lúc nào hết, đây là thời điểm các DN vận tải cần sự hỗ trợ, chia sẻ để vượt qua giai đoạn khó khăn sau 2 tháng nỗ lực cầm cự trước sức tàn phá dữ dội của đại dịch Covid-19.

Mới dừng lại ở chủ trương, lời kêu gọi
Từ cuối tháng 2/2020, Bộ Công Thương đã có công văn gửi Bộ GTVT về việc hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho DN và nông dân, giải tỏa ách tắc trong hoạt động thương mại trước tình hình dịch bệnh Covid-19. Bộ này đề nghị Bộ GTVT phối hợp với Bộ Tài chính rà soát các loại thuế, phí, có các giải pháp hỗ trợ giảm chi phí vận tải như giảm giá BOT, phí cầu đường, bến bãi, phí lưu giữ phương tiện, thuế với nhiên liệu bay.
Ngày 4/3, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19. Trong đó giao Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan chỉ đạo, hướng dẫn ngay các đơn vị kinh doanh cắt giảm thủ tục hành chính, giảm chi phí logistics hàng hải, hàng không, đường bộ, đường thủy nội địa, đường sắt..., báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 3/2020.
 Cần những gói hỗ trợ thiết thực cho các doanh nghiệp vận tải.
Sau khi có Chỉ thị của Thủ tướng, Bộ GTVT đã có văn bản yêu cầu các đơn vị trực thuộc chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện. Thanh tra Bộ được giao thực hiện nghiêm Chỉ thị số 20/2017 của Thủ tướng Chính phủ không thanh tra ngoài kế hoạch, trừ trường hợp đặc biệt được giao. Trong đó, ngành hàng không được quan tâm đặc biệt khi Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ cho phép ban hành chính sách hỗ trợ giá dịch vụ hàng, hỗ trợ miễn thuế không cho các hãng hàng không... Không lâu sau đó, Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) thông báo giảm giá 7 dịch vụ cho tất cả hãng bay trong thời gian 6 tháng, từ 1/3 đến hết tháng 8/2020.
Cần những gói hỗ trợ thiết thực
Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, PGS.TS Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả, Bộ Tài chính cho rằng, khó khăn của các DN vận tải trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 hoành hành là điều hiển hiện rất rõ nhưng công tác hỗ trợ cho họ gần như mới chỉ dừng lại trên văn bản, giấy tờ kêu gọi.
“Chính sách hỗ trợ duy nhất được hiện thực hóa cho đến lúc này là chủ trương giảm 7 loại dịch vụ hàng không cho các hãng bay của ACV. Tuy vậy, nhìn kỹ lại mới thấy cả 7 loại dịch vụ này đều không phải gánh nặng lớn nhất mà các hãng hàng không đang phải gánh chịu” – PGS.TS Ngô Trí Long phân tích. Theo đánh giá của nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả, phản ứng của Bộ GTVT trong việc hỗ trợ các DN vận tải là chậm và thụ động.
Đồng quan điểm trên, chuyên gia giao thông Nguyễn Văn Thanh – nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng những giải pháp cụ thể hỗ trợ DN vận tải vẫn chưa có nhiều. “Chính phủ phải có một gói hỗ trợ tổng thể nhưng lúc này chúng ta chưa hy vọng sẽ được triển khai được ngay bởi nhiệm vụ cấp bách nhất lúc này là kìm hãm và đẩy lùi dịch bệnh trước đã” – ông Thanh nói.
Theo chuyên gia giao thông này, giải pháp thiết thực nhất để hỗ trợ các DN vận tải lúc này là tạo điều kiện để họ tiếp tục cầm cự trước dịch bệnh để làm sao tỷ lệ người lao động trong các DN bị mất việc được hạn chế tối đa.
“Từ lúc dịch bệnh xảy ra, đã có rất nhiều người lao động làm việc trong các DN vận tải mất việc. Đây là điều rất xót xa nhưng khi DN gặp khó thì là điều khó tránh. Vậy nên bây giờ cần thiết nhất, Nhà nước có thể khoanh nợ, giãn nợ, miễn thuế, giảm thuế cho các DN vận tải hoặc tốt hơn cho họ vay những khoản vay không tính lãi để có thêm nguồn lực lo cho chính người lao động của họ. Đây mới là điều cần kíp” - nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam phân tích.
Mới đây nhất, Hiệp hội Vận tải Hà Nội và Hiệp hội Taxi TP Hồ Chí Minh đã có văn bản gửi Bộ GTVT kiến nghị giảm phí BOT từ 3 - 5% cho xe tải 5 tấn trở lên, và xe khách từ 16 chỗ trở lên, để giảm chi phí vận tải trong bối cảnh dịch Covid-19 gây thiệt hại nặng cho vận tải đường bộ.
Tuy nhiên, trả lời các hiệp hội, Bộ GTVT cho biết đang phối hợp với các cơ quan liên quan chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị kinh doanh cắt giảm thủ tục hành chính, giảm chi phí logistics hàng hải, hàng không, đường bộ, đường thủy nội địa, đường sắt... và rà soát, có các giải pháp cụ thể hỗ trợ, giảm chi phí cho DN thuộc ngành bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Đặc biệt, Bộ GTVT cho rằng, các DN BOT cũng đang thiệt hại bởi Covid-19 nên Bộ đề nghị ngược lại các DN vận tải cần chia sẻ khó khăn với DN BOT.

Theo thống kê sơ bộ, dịch bệnh Covid-19 đã gây thiệt hại cho các hãng hàng không khoảng hơn 30.000 tỷ đồng; hàng hải giảm khoảng 15% số lượng tàu vận tải ra vào các cảng Việt Nam trong quý I/2020; đường thủy nội địa giảm 10,7% lượng hàng hóa, giảm 2% khách so với tháng 1/2020; đường bộ giảm từ 40 - 80% hàng hóa và hành khách so với cùng kỳ năm 2019 cũng như trước khi có dịch; đường sắt doanh thu vận tải khách giảm 84 tỷ đồng, doanh thu vận tải hàng hóa giảm 6 tỷ đồng.