Hỗ trợ nông dân trong thời kỳ hội nhập

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nông dân cần được bảo vệ, hỗ trợ nhiều hơn để vượt qua những khó khăn, thách thức trong thời kỳ hội nhập.

Đó là vấn đề được đưa ra tại hội nghị giao ban công tác Hội và phong trào Nông dân năm 2016 khu vực Đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) do T.Ư Hội Nông dân (HND) Việt Nam tổ chức ngày 15/12.
Thi đua góp phần phát triển kinh tế - xã hội
Trong năm 2016, hoạt động công tác Hội và phong trào nông dân các tỉnh, TP khu vực ĐBSH đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Nhờ chủ động, sáng tạo, HND các tỉnh, thành đều triển khai hiệu quả các phong trào thi đua. Điển hình như, HND tỉnh Nam Định thực hiện tốt phong trào xây dựng nông thôn mới khi vận động hội viên nông dân hiến 3.500ha đất. Xây dựng thành công mô hình 254 "Cánh đồng mẫu lớn" và từng bước tiếp cận các dự án nông nghiệp công nghệ cao. HND tỉnh Ninh Bình đi đầu trong phong trào nông dân tham gia bảo đảm quốc phòng, chính sách hậu phương quân đội, tích cực tham gia đảm bảo giữ vững an ninh, chính trị, trật tự an toàn trên địa bàn nông thôn. Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", nhiều địa phương có 100% số hộ nông dân đăng ký và đạt danh hiệu Gia đình văn hóa như: Hải Dương, Vĩnh Phúc, Thái Bình...
 Hộ nông dân các tỉnh, thành khu vực Đồng bằng sông Hồng tham quan mô hình trồng cam Canh tại xã Kim An, huyện Thanh Oai, Hà Nội.  Ảnh: Ánh Ngọc
Sôi nổi nhất là phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu, giảm nghèo được các tỉnh, thành Hội phát động rộng khắp. Tiêu biểu như HND tỉnh Hà Nam với đề án "Bò vàng sinh sản" tặng 20 con bò cho 20 hộ nghèo trên địa bàn. Đồng thời, phát huy hiệu quả mô hình chăn nuôi bò sữa gắn với bảo vệ môi trường tại 25 hộ nuôi 400 con bò sữa. HND Hải Phòng kêu gọi 1 DN đồng hành ủng hộ xây 9 căn nhà tình nghĩa cho hội viên nông dân có hoàn cảnh khó khăn... Bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, HND các tỉnh, thành ĐBSH đã khẳng định vai trò, vị trí của mình trong hệ thống chính trị, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Trọng tâm là bảo vệ, hỗ trợ nông dân
Là địa phương xây dựng thành công các mô hình kinh tế tập thể mang lại hiệu quả rõ rệt và tăng thu nhập cho nông dân, song bà Khổng Thị Thảo – Chủ tịch HND tỉnh Hà Nam vẫn bày tỏ băn khoăn khi đề cập đến Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND). Hiện nay, Hà Nam chỉ có 4 huyện thành lập được Quỹ HTND với kinh phí khiêm tốn cấp qua ngân sách 150 triệu đồng/huyện. Bà Thảo kiến nghị T.Ư HND tiếp tục quan tâm, phân bổ nguồn kinh phí cho Quỹ HTND các tỉnh nói chung và Hà Nam nói riêng nhằm thúc đẩy phát triển mô hình kinh tế tập thể. Thực tế cho thấy, để hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế thì giải pháp khả thi nhất vẫn là tiếp sức cho nông dân thông qua kênh Quỹ HTND. Do đó, để đa dạng nguồn lực cho Quỹ HTND, theo lãnh đạo HND TP Hải Phòng, T.Ư Hội nên bỏ chỉ tiêu vận động hội viên đóng góp xây dựng nguồn Quỹ mà thay vào đó là tăng cường nguồn lực từ các DN bằng việc kết nạp các chủ DN trở thành hội viên HND.
Tại hội nghị, đa số đại diện HND các tỉnh đều đồng tình quan điểm, không chỉ  nông dân mà cả lĩnh vực "tam nông" đều đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Đó là sự ảnh hưởng do thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu có nguy cơ gia tăng. Tình trạng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng tràn lan trên thị trường đã gây thiệt hại lớn cho đời sống, sản xuất của nông dân. Cùng với đó là tình trạng ô nhiễm môi trường ở khu vực nông thôn cũng đang ở mức báo động khi chưa được xử lý kịp thời. Đó là chưa kể việc tổ chức lại sản xuất, chuyển đổi HTX nhưng vẫn mang tính chất "bình mới rượu cũ". Không ít địa phương vẫn còn loay hoay trong công tác quy hoạch vùng sản xuất, lựa chọn sản phẩm chủ lực. Đáng nói, trong khâu liên kết sản xuất – tiêu thụ, vai trò của nông dân còn khá mờ nhạt và DN cũng chưa mặn mà đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Chủ tịch T.Ư HND Việt Nam Lại Xuân Môn yêu cầu, thời gian tới, HND các tỉnh, thành khu vực ĐBSH cần tập trung vào các hoạt động có chiều sâu. Trong đó, trọng tâm là bảo vệ nông dân bằng việc giám sát chặt chẽ tình hình sản xuất, kinh doanh VTNN. Đồng thời, tiếp tục tư vấn, hỗ trợ nông dân thông qua các kênh: Dạy nghề, áp dụng khoa học kỹ thuật, tiêu thụ nông sản. Cùng với đó, tăng cường xây dựng mô hình kinh tế có trọng tâm, trọng điểm và nhân rộng những mô hình hiệu quả.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Đào Đức Toàn cho biết: Với lực lượng hội viên đông đảo, HND các cấp TP Hà Nội đã góp phần quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Đồng thời, làm tốt vai trò nòng cốt tập hợp, vận động nông dân tham gia xây dựng nông thôn mới, thực hiện các chủ trương, chính sách phát triển nông nghiệp, góp phần nâng cao đời sống nông dân.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần