Hỗ trợ tháo gỡ đầu ra cho nông sản

Ngọc Ánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhằm tháo gỡ khó khăn trong tiêu thụ nông sản, khắc phục tình trạng sản xuất manh mún, Hội Nông dân (HND) TP Hà Nội đã thực hiện xây dựng mô hình kinh tế tập thể.

Hoạt động này đã góp phần đáng kể giúp hội viên nông dân tăng thu nhập, nâng cao đời sống.
Hiệu quả từ mô hình liên kết

HTX Rau quả sạch Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ) là một trong những mô hình kinh tế tập thể tiêu biểu. Nhờ nhạy bén trong việc ký kết hợp đồng tiêu thụ rau quả an toàn với các công ty, DN mà HTX đang thu mua rau ổn định cho nông dân với mức giá cao hơn thị trường 20%. Hiện nay, bình quân mỗi ngày HTX sản xuất và cung ứng ra thị trường 1,5 tấn rau củ các loại. Năm 2016, doanh thu của HTX đạt 6 tỷ đồng, trừ chi phí cho thu lãi gần 2 tỷ đồng. HTX hoạt động hiệu quả đã giúp xã viên nâng cao thu nhập và góp phần nâng cao nhận thức về sản xuất an toàn cho nông dân.

Gà ri lai Mía đem lại thu nhập cao cho nông dân huyện Ba Vì.Ảnh: Minh Phúc

Tại huyện Ba Vì, HND huyện đã hỗ trợ nông dân xây dựng thành công chuỗi chăn nuôi – tiêu thụ gà đồi. Trung bình mỗi năm, Hội Chăn nuôi – tiêu thụ gà đồi Ba Vì cung ứng cho thị trường hơn 100.000 con gà thương phẩm với sản lượng 270 tấn gà thịt. Sản phẩm chủ yếu được bán cho các cửa hàng thực phẩm sạch tại Hà Nội và một số tỉnh lân cận với giá bán dao động từ 80.000 – 110.000 đồng/kg. Nhờ đó, các hộ nuôi gà tham gia vào chuỗi hoàn toàn yên tâm về đầu ra của sản phẩm và có thu nhập ổn định. Chủ tịch Hội Chăn nuôi – tiêu thụ gà đồi Ba Vì Trần Đình Thành cho hay: "Nhờ tuân thủ quy trình kỹ thuật từ lựa chọn giống, thức ăn, nuôi thả đến vệ sinh chuồng trại, phòng chống dịch bệnh nên sản phẩm luôn đảm bảo chất lượng ATTP và không lo ế hàng".

Tính đến hết tháng 6/2017, các cấp HND trên địa bàn TP đã thành lập được 157 mô hình kinh tế tập thể. Trong đó, nhiều HTX, tổ nhóm sản xuất hoạt động theo hình thức ký hợp đồng thỏa thuận với DN. Theo đó, DN đặt hàng HTX sản xuất nông sản theo yêu cầu kỹ thuật, DN sẽ cung ứng vật tư nông nghiệp cho nông dân. Đánh giá bước đầu cho thấy, các mô hình kinh tế tập thể đã phát huy hiệu quả, giúp người dân yên tâm sản xuất, còn DN thì bớt đi nỗi lo về chất lượng nông sản hàng hóa.

Tiếp tục hỗ trợ nông dân

Lợi ích mà mô hình kinh tế tập thể mang lại đã rõ, song việc duy trì và phát triển mô hình đang gặp không ít khó khăn. Theo Chủ tịch HND huyện Ba Vì Phan Thị Hải Yến, việc vận động nông dân thành lập HTX, tổ nhóm sản xuất tại một số địa phương rất khó khăn. Trong khi một số HTX, tổ nhóm sản xuất đã được thành lập nhưng hoạt động kém hiệu quả do phương thức quản lý. Do đó, HND TP cần quan tâm đến chính sách thu hút nhân lực có trình độ, năng lực tham gia vào quản lý HTX, tổ nhóm sản xuất. Đồng thời, HND TP cần bố trí kinh phí cho hoạt động tuyên truyền đến hội viên nông dân về lợi ích và sự cần thiết của liên kết sản xuất – tiêu thụ nông sản.

Một khó khăn nữa cản trở sự hình thành và phát triển chuỗi liên kết sản xuất – tiêu thụ nông sản là tích tụ đất đai. Chủ tịch HND huyện Chương Mỹ Nguyễn Văn Hùng thẳng thắn chia sẻ: "Năm 2016, có DN muốn đầu tư xây dựng mô hình trồng rau công nghệ cao tại xã Tân Tiến với quy mô 50ha. Mặc dù chính quyền đã tạo mọi điều kiện thuận lợi, song việc tích tụ ruộng đất gọn vùng để bàn giao quỹ đất sạch cho DN không thể thực hiện được, cuối cùng DN đành phải rời đi".

Chủ tịch HND TP Hà Nội Trịnh Thế Khiết khẳng định, Hội luôn chú trọng việc xây dựng mô hình kinh tế tập thể và coi đây giải pháp đột phá nhằm gỡ nút thắt tiêu thụ nông sản cho hội viên nông dân. Vì vậy, tới đây, Hội tiếp tục tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ Hội và các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật, kiến thức thị trường, xây dựng thương hiệu cho hội viên nông dân. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền để nông dân thay đổi thói quen, tập quán sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, làm quen với phương thức sản xuất – tiêu thụ theo hợp đồng, có sự ràng buộc quyền lợi của các bên.

Trong 6 tháng cuối năm 2017, Hội sẽ phối hợp với Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới TP tổ chức 4 hội nghị đối thoại giữa nông dân với các nhà khoa học và DN tại 4 cụm với sự tham gia của 18 huyện, thị xã trên địa bàn.

Ông Trịnh Thế Khiết – Chủ tịch Hội Nông dân TP Hà Nội

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần