Hóa giải nỗi lo rác thải y tế

Thương Huế
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kiểm soát chất thải y tế không chỉ là vấn đề "nóng" đối với ngành Y tế mà là của toàn xã hội.

Nếu không được xử lý tốt, hàng trăm tấn rác thải y tế từ các bệnh viện "đẩy" vào môi trường mỗi ngày sẽ là nguồn gây bệnh, đe dọa trực tiếp đến sức khỏe con người. 
 Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet.
Vì vậy, đề án "Xử lý chất thải y tế nguy hại TP Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2025" được UBND TP phê duyệt là tin vui không chỉ với ngành y tế mà còn là tin vui đối với cộng đồng, trong vấn đề bảo vệ môi trường.

Theo đề án này, đến năm 2020, Hà Nội đảm bảo 100% các cơ sở y tế trên địa bàn, từ tuyến T.Ư đến tuyến huyện, thực hiện việc lưu giữ, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải y tế bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường.

Trên địa bàn Hà Nội hiện có 46 bệnh viện T.Ư và bộ, ngành. Trong đó, có 14/21 bệnh viện thuộc Bộ Y tế có hệ thống xử lý nước thải đạt QCVN 28:2010/BTNMT về nước thải y tế; 7/21 bệnh viện đang đầu tư hệ thống xử lý nước thải mới nguồn dự án WB và nguồn khác. Đối với các cơ sở y tế thuộc các bộ, ngành khác quản lý, do đầu tư hệ thống nước thải nhiều năm trước đây, nên hệ thống xử lý chất thải lỏng tại một số bệnh viện đã xuống cấp, xả thải chưa bảo đảm đúng quy định vào hệ thống thoát nước chung của TP.

Đối với hệ thống xử lý chất thải lỏng của các cơ sở y tế do Hà Nội quản lý, trong giai đoạn 2010 - 2016, TP đã đầu tư xây dựng mới hệ thống xử lý chất thải lỏng cho 30 bệnh viện, 45 phòng khám đa khoa khu vực; 34 bệnh viện tư nhân đã được đầu tư đồng bộ hệ thống xử lý chất thải lỏng trước khi đi vào hoạt động. Tuy nhiên, việc quản lý chất thải y tế tại các cơ sở y tế Thủ đô vẫn còn nhiều khó khăn, đặc biệt là vấn đề kinh phí. Còn 11 bệnh viện đầu tư theo quy mô trước đây, hiện đã xuống cấp. Do vậy, với nguồn vốn thực hiện Đề án nói trên mới chỉ góp phần hóa giải được nỗi lo về chất thải y tế nguy hại đối với môi trường. Còn để giải quyết triệt để được nỗi lo này không chỉ trông chờ vào nguồn vốn ngân sách, nỗ lực của ngành Y tế, ngành TN - MT mà còn cần đến sự chung tay của các ngành, lĩnh vực khác, cũng như của toàn xã hội.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần