Hòa giải tại cơ sở: Khó từ nguồn lực đến con người

Tuấn Phong
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Công tác hòa giải cơ sở đóng vai trò quan trọng, mang lại bình yên cho mỗi thôn xóm, giảm khiếu kiện vượt cấp. Tuy nhiên, nguồn lực cho công tác này hiện rất khó khăn.

Theo Bộ Tư pháp, cả nước hiện có hơn 100.000 tổ hòa giải với khoảng gần 700.000 hòa giải viên. Hàng năm, đội ngũ hòa giải viên trên cả nước đã thực hiện hòa giải phần lớn các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật trong cộng đồng dân cư. Tỷ lệ hòa giải thành năm sau cao hơn năm trước.
Quận Cầu Giấy khen thưởng các tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác hòa giải 

giai đoạn 2015 - 2019. Ảnh: Trình Vũ

Hòa giải không chỉ góp phần giải quyết có hiệu quả các tranh chấp, mâu thuẫn, vi phạm pháp luật ngay tại cơ sở, tiết kiệm được thời gian, công sức, tiền bạc của Nhà nước, Nhân dân, giảm tải công việc cho các cơ quan tư pháp, mà còn trực tiếp góp phần củng cố tình đoàn kết trong nội bộ cộng đồng dân cư...
Tuy nhiên, khó khăn nhất trong công tác hòa giải hiện nay là nguồn kinh phí cho hoạt động. Theo quy định của Luật Hòa giải ở cơ sở, Nhà nước hỗ trợ kinh phí cho công tác này để biên soạn, phát hành tài liệu.
Ngoài ra còn hỗ trợ tổ chức bồi dưỡng, hướng dẫn nghiệp vụ, kỹ năng về hòa giải; sơ kết, tổng kết, khen thưởng đối với các cá nhân, tập thể; chi thù lao cho hòa giải viên theo vụ việc và hỗ trợ các chi phí cần thiết khác cho hoạt động hòa giải ở cơ sở. Ngân sách T.Ư chi bổ sung cho các địa phương chưa tự cân đối được ngân sách để hỗ trợ kinh phí cho công tác hòa giải ở cơ sở. Song trên thực tế, kinh phí dành cho công tác hòa giải ở cơ sở còn rất hạn hẹp, phần lớn được bố trí chung trong kinh phí tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật của địa phương. Đối với các địa phương chưa tự chủ về ngân sách mà vẫn do T.Ư hỗ trợ, việc chi kinh phí cho hoạt động hòa giải hầu như là con số không.
Thông tư liên tịch số 100/2014/TTLT-BTP-BTC ngày 30/7/2014 của Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp đã quy định về nội dung chi, mức chi thù lao cho hòa giải viên theo vụ, việc: “Chi thù lao cho hòa giải viên (đối với các hòa giải viên trực tiếp tham gia vụ việc): Mức chi tối đa 200.000 đồng/vụ, việc/tổ hòa giải”. Quy định là vậy song thực tế chỉ một số ít địa phương triển khai được, còn lại cơ bản chưa thực hiện. Không có thù lao cho hòa giải viên dẫn đến nhiều nơi, hoạt động của các tổ hòa giải rất cầm chừng.
Đặc biệt, chất lượng hòa giải viên còn hạn chế khi có đến hơn 90% hòa giải viên chưa qua đào tạo. Đa số hòa giải viên không thường xuyên được cập nhật kiến thức pháp luật và nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở. Nhiều hòa giải viên, nhất là ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn tiến hành hòa giải theo kinh nghiệm sống, theo luật tục, không biết vận dụng pháp luật để giải quyết các tình huống cụ thể…
Khó khăn về kinh phí, con người ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng các vụ việc hòa giải. Vì vậy, để tạo nguồn lực cho công tác hòa giải, các địa phương cần quan tâm bố trí về kinh phí, tăng cường công tác tập huấn nâng cao hiểu biết pháp luật cho hòa giải viên. Đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa công tác tuyên truyền pháp luật nói chung để có thêm nguồn lực cho công tác hòa giải ở cơ sở, góp phần giữ bình yên mỗi thôn xóm.

TP Hà Nội có 5.444 tổ hòa giải với 35.053 hòa giải viên. Trong 5 năm (2014 - 2018) tiếp nhận 42.642 vụ việc, kết quả hòa giải thành 34.295 vụ việc, đạt tỷ lệ 82%. TP cấp khoảng 52,6 tỷ đồng cho công tác hòa giải, trong đó cấp TP 32,8 tỷ đồng, cấp quận, huyện, thị xã 19,8 tỷ đồng, có 481/563 xã thực hiện chi kinh phí cho công tác hòa giải.