Hoa hậu Phương Nga được đề nghị miễn trách nhiệm hình sự

Bài, ảnh Trúc Mai
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 17/12, Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh đã có kết luận điều tra (KLĐT) bổ sung vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” đối với 2 bị can Trương Hồ Phương Nga và Nguyễn Đức Thùy Dung.

Miễn trách nhiệm hình sư do luật thay đổi 
Theo đó, Cơ quan CSĐT đổi tội danh đối với Nga và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự do có sự thay đổi chính sách, pháp luật làm cho hành vi phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội theo điều 29 Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015.
Theo Cơ quan CSĐT, đến ngày 11/12, sau khi hết thời gian gia hạn điều tra, không thu thập thêm được tài liệu chứng minh hành vi gian dối có trước và là nguyên nhân khiến ông Cao Toàn Mỹ ngộ nhận, giao tiền mua nhà nhiều lần nên không đủ cơ sở cáo buộc Nga và Dung lừa ông Cao Toàn Mỹ. Giữa Nga với ông Mỹ có mối quan hệ thân thiết, nhưng không thể chứng minh có chuyện quan hệ tình dục hay không.
Trương Hồ Phương Nga và Nguyễn Đức Thùy Dung vẫn nở nụ cười khi ngồi trên ghế bị cáo.

Tuy nhiên, theo Cơ quan CSĐT, Nga và Dung đã thực nhận 16,5 tỷ đồng của ông Mỹ, đến nay chưa trả. Cả 2 bị can này có hành vi sử dụng tài liệu, di chúc có đóng dấu giả nộp cho Cơ quan CSĐT để chứng minh có việc thỏa thuận mua căn nhà số 7 Nguyễn Trãi; tạo lập ra những thỏa thuận nhận tiền cọc, trả cọc với người mua. Do đó, chỉ xác định được thời điểm tạo lập văn bản thỏa thuận mua bán căn nhà số 7 Nguyễn Trãi có sau thời điểm ông Mỹ chuyển tiền lần cuối vào ngày 4/11/2013.
Cơ quan CSĐT cũng cho rằng hành vi của Nga, Dung có dấu hiệu của tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức. Tuy nhiên, đối với tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức, BLHS năm 2015 có sự thay đổi. Đó là căn cứ điểm a khoản 1 điều 3 Nghị quyết 01/2016 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao về việc không xử lý hình sự đối với người thực hiện hành vi mà BLHS năm 1999 quy định là tội phạm, nhưng BLHS năm 2015 không quy định là tội phạm do có bổ sung, thay đổi các yếu tố cấu thành tội phạm.
Từ những nhận định nêu trên, Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh đề nghị Viện KSND cùng cấp ra quyết định miễn trách nhiệm hình sự cho bị can Trương Hồ Phương Nga và Nguyễn Đức Thùy Dung do có sự thay đổi chính sách, pháp luật làm cho hành vi phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội theo điều 29 BLHS năm 2015.
Được tại ngoại nhờ “tình tiết” mới
Trước đó vào ngày 19/11/2014, Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh khởi tố vụ án, khởi tố bị can về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” đối với Nga và Dung, đến ngày 19/3/2015 tiến hành bắt giam. Tại phiên tòa sơ thẩm lần 1 diễn ra vào tháng 9/2016, Nga khai 16,5 tỷ đồng của Cao Toàn Mỹ là “hợp đồng tình ái” giữa 2 người. Sau đó, HĐXX trả hồ sơ điều tra bổ sung. Đến tháng 2/2017, tại KLĐT bổ sung cho rằng không có “hợp đồng tình ái” nên Cơ quan CSĐT tiếp tục đề nghị Viện KSND cùng cấp truy tố Nga, Dung tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Tại phiên xử sơ thẩm lần 2 diễn ra vào tháng 6/2017, nhân chứng Lữ Minh Nghĩa (SN 1987, người yêu của Dung) cũng như bị cáo Dung đã khai nhiều tình tiết dẫn đến thay đổi bản chất vụ án nên HĐXX TAND TP Hồ Chí Minh đã dừng phiên tòa, trả hồ sơ để yêu cầu điều tra bổ sung; đồng thời thay đổi biện pháp ngăn chặn đối với Nga, Dung từ tạm giam sang tại ngoại, cấm đi khỏi nơi cư trú.
Những tình tiết mới gồm: Luật sư bảo vệ bị cáo Phương Nga hỏi bị cáo Thùy Dung viết thư cho Nghĩa bao nhiêu lần? Nội dung thư? Chất liệu và “giấy” viết thư là gì? Lúc đó bị cáo Dung cho rằng trong quá trình bị giam giữ đã viết thư cho Nghĩa trên 10 lần, với nội dung mong ông Cao Toàn Mỹ giúp Dung tại ngoại. Nội dung tại sao không công bố mối quan hệ giữa ông Mỹ với Nga. Còn “giấy” viết thư là những tấm ny-lông, chất liệu là kem đánh răng được mài ra. Ngay sau khi bị cáo Dung trả lời, Nghĩa cho rằng nhận được 5-7 bức thư, nội dung chỉ đọc và chưa dịch cho đến khi tòa xử lần 2.
Cũng theo lời khai Lữ Minh Nghĩa tại phiên tòa sơ thẩm lần 2, sau khi nhận được “thư”, Nghĩa vẫn còn lưu một trong những bức thư đó. Riêng bà Nguyễn Mai Phương (SN 1977, được triệu tập đến tòa với tư cách nhân chứng) đã giữ 4-5 bức. Vì theo ông Nghĩa ngay sau khi nhận thư của Dung thì Nghĩa cùng Phương đọc thư và Phương yêu cầu phải để Phương giữ. Việc gặp nhau, đọc thư ở quán cà phê trên đường Nguyễn Trãi, và một quán hủ tiếu. Lý do vì sao phải đưa các bức thư cho Phương được ông Nghĩa giải thích vì người phụ nữ này giới thiệu cán bộ công an tên Nghĩa làm cầu nối (thông cung) đưa thư.
Đối với bị cáo Dung, tại phiên tòa sơ thẩm lần 2, cũng khai nhiều tình tiết, trong đó có chi tiết được chia 2 tỷ đồng. Theo lời khai của Dung lý do phải khai nhận được chia tiền vì: “Lời khai của bị cáo do điều tra viên đọc cho bị cáo viết. Sau khi bị bắt đều nghe sự hướng dẫn của điều tra viên. Bị cáo bị áp lực, bị giam hãm 4 tháng trong 4 bức tường. Đến khi được gặp luật sư, bị cáo mới biết ghi theo hướng dẫn của điều tra viên là sai”.