Hoa hậu Trương Hồ Phương Nga bị phục hồi điều tra: Liệu có bị tạm giam trở lại?

Tân Tiến
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau khi vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” được phục hồi điều tra đối với Trương Hồ Phương Nga và Nguyễn Đức Thùy Dung, bị can Phương Nga đã có đơn từ chối những luật sư đã bào chữa cho cô tại phiên tòa trước đó vào tháng 6/2017.

 Trương Hồ Phương Nga (trái) và Nguyễn Đức Thùy Dung
Tiếp tục từ chối luật sư đã bào chữa cho mình
Ngày 14/6, Phòng Cảnh sát hình sự (PC45) Công an TP Hồ Chí Minh đã ra quyết định phục hồi điều tra vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" với số tiền 16,5 tỷ đồng được cho là của ông Cao Toàn Mỹ. Song song với quyết định phục hồi điều tra vụ án, PC45 cũng ra quyết định hủy bỏ quyết định tạm đình chỉ bị can đối với Trương Hồ Phương Nga (Hoa hậu người Việt tại Nga, SN 1987, ở Hà Nội), và Nguyễn Đức Thùy Dung (SN 1987, ở tỉnh Tây Ninh). Ở lần này, Phương Nga cũng có đơn từ chối các luật sư từng tham gia bào chữa bảo vệ cho cô tại phiên tòa sơ thẩm lần 2 diễn ra vào tháng 6/2017.

Theo đó tại phiên tòa sơ thẩm lần 2, bị cáo Trương Hồ Phương Nga đã quyết định khai báo và không giữ im lặng. Tại phiên tòa này, các luật sư bảo vệ cho 2 phía (bị cáo Phương Nga, ông Cao Toàn Mỹ) và những người liên quan vụ án đã công bố nhiều bằng chứng là các đoạn ghi âm để bảo vệ cho thân chủ của mình và bảo vệ chính mình. Trước nhiều bằng chứng và những mâu thuẫn chưa được làm rõ tại phiên tòa xét xử sơ thẩm lần 2 nên vào ngày 29/6/2017, HĐXX TAND TP Hồ Chí Minh đã tuyên trả hồ sơ để yêu cầu làm rõ 9 vấn đề. Tại phiên tòa này, Phó Chánh án TAND TP Huỳnh Ngọc Ánh cũng ra quyết định cho bị cáo Nga và Dung được tại ngoại.

Trao đổi với phóng viên, luật sư Hồ Nguyên Lễ - Giám đốc Công ty Luật TNHH MTV Tín Nghĩa (Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh), cho biết: "Theo Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2015 quy định tại điều 36: Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra (CQĐT) có nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm đối với việc phục hồi điều tra vụ án. Tại điều 174 quy định thời hạn phục hồi điều tra, điều tra bổ sung, điều tra lại: Trường hợp phục hồi điều tra thì thời hạn điều tra tiếp không quá 2 tháng đối với tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng và không quá 3 tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng kể từ khi có quyết định phục hồi điều tra cho đến khi kết thúc điều tra. Tại điều 235 quy định về việc phục hồi điều tra: Khi có lý do để hủy bỏ quyết định đình chỉ hoặc quyết định tạm đình chỉ điều tra thì CQĐT ra quyết định phục hồi điều tra, nếu chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự. Như vậy CQĐT có quyền ra quyết định phục hồi điều tra theo đúng pháp luật đã quy định".
 Ông Cao Toàn Mỹ tại tòa
Chỉ bị tạm giam khi có dấu hiệu bỏ trốn

Cũng theo luật sư Lễ, khi phục hồi điều tra, điều tra bổ sung, điều tra lại, CQĐT có quyền áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế theo quy định của Bộ luật này. Trường hợp có căn cứ theo quy định của BLTTHS cần phải tạm giam thì thời hạn tạm giam hoặc gia hạn tạm giam để phục hồi điều tra, điều tra bổ sung không được quá thời hạn phục hồi điều tra, điều tra bổ sung quy định tại điều 173 và 174 của BLTTHS năm 2015.

Các căn cứ mà CQĐT có thể áp dụng tạm giam bị can khi bị khởi tố về tội đặc biệt nghiêm trọng, tội rất nghiêm trọng; về tội nghiêm trọng, tội ít nghiêm trọng có mức hình phạt tù trên 2 năm khi có căn cứ xác định người đó thuộc một trong các trường hợp: Đã bị áp dụng biện pháp ngăn chặn khác nhưng vi phạm; không có nơi cư trú rõ ràng hoặc không xác định được lý lịch của bị can; bỏ trốn hoặc có dấu hiệu bỏ trốn; tiếp tục phạm tội hoặc có dấu hiệu tiếp tục phạm tội; có hành vi mua chuộc, cưỡng ép, xúi giục người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật; tiêu hủy, giả mạo chứng cứ, tài liệu, đồ vật của vụ án, tẩu tán tài sản liên quan đến vụ án; đe dọa, khống chế, trả thù người làm chứng, bị hại, người tố giác tội phạm và người thân thích của những người này.

Về thông tin cho rằng Trương Hồ Phương Nga cũng có đơn từ chối các luật sư từng tham gia bào chữa trong phiên tòa tháng 6/2017, luật sư Hồ Nguyên Lễ, nói: "Bị can, bị cáo, người bị buộc tội có quyền tự bào chữa, nhờ người bào chữa. Việc thay đổi hoặc từ chối người bào chữa cũng là quyền của họ. Mọi trường hợp thay đổi hoặc từ chối người bào chữa đều phải có sự đồng ý của người bị buộc tội và được lập biên bản đưa vào hồ sơ vụ án.

Trong các trường hợp bị can, bị cáo về tội mà Bộ luật hình sự quy định mức cao nhất của khung hình phạt là 20 năm tù, tù chung thân, tử hình nếu người bị buộc tội, người đại diện hoặc người thân thích của họ không mời người bào chữa thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải chỉ định người bào chữa cho họ. Do đó, nếu bị can từ chối luật sư này thì có quyền mời luật sư khác, trường hợp không mời luật sư thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải chỉ định người bào chữa cho họ".
9 vấn đề được HĐXX yêu cầu làm rõ

- Điều tra thời điểm tạo lập các văn bản, thỏa thuận mua bán nhà; các giấy thỏa thuận nguyên tắc mua bán nhà.

- Cần chứng minh Dung tham gia ra sao trong việc tạo lập hợp đồng mua bán nhà, giấy nhận tiền.

- Nếu 16,5 tỷ đồng không phải là tiền mua nhà thì phải làm rõ ai là người đã tạo lập những hợp đồng mua bán nhà, giấy tờ liên quan, nhằm mục đích gì?

- Cần điều tra làm rõ lời khai những người liên quan để làm rõ có vi phạm Luật Hôn nhân hay không?

- Cần làm rõ việc ông Mỹ bị đe dọa cũng như việc Phương Nga khai bị đe dọa.

- Cần làm rõ có hay không thỏa thuận hợp đồng tình cảm giữa Phương Nga và ông Mỹ.

- Cần làm rõ việc thông cung từ trại tạm giam ra bên ngoài cũng như những bức thư thông cung.

- Cần làm rõ những lần xuất cảnh giữa Phương Nga và ông Cao Toàn Mỹ.

- Cần thu thập một số tài liệu, chứng cứ theo yêu cầu của luật sư của Phương Nga nhằm làm rõ sự thật khách quan của vụ án.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần