Hỏa hoạn chung cư, hãy tự cứu mình

Quốc Phong
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Rạng sáng nay (23/3), tại TP Hồ Chí Minh, lại thêm một vụ cháy tại chung cư xảy ra và hậu quả thật tang thương khi chúng ta mất đi 13 nhân mạng cùng nhiều người bị thương.

Âu cũng chỉ tại bà hỏa "viếng" nhà chung cư Carina Plaza trên đường Võ Văn Kiệt, phường 16, quận 8, TP Hồ Chí Minh. Điều đó càng cho thấy không một ai được phép xem nhẹ công tác này.

Khói bốc lên mù mịt từ nơi bị cháy trưa 23/3 tại chung cư Carina. Ảnh: Tuổi trẻ

Theo diễn biến vụ việc, ngay từ 1h27 phút sáng, Cảnh sát TP Hồ Chí Minh đã nhận được tin báo cháy. Ngay lập tức Sở PCCC đã huy động 34 xe chuyên dụng, 205 cán bộ chiến sĩ tới hiện trường dập lửa, cứu nạn. Như vậy có thể nói, việc xảy ra lúc đêm sẽ khiến thiệt hại nặng hơn khi nhiều người đã say trong giấc ngủ, khi ngạt thở mới tá hỏa thì lúc này đã không còn bình tĩnh xử lý. Cũng lại là may khi đêm về, đường xá quang quẻ cho nên xe cứu hỏa đến nhanh, từ nhiều đơn vị, nếu vào giờ cao điểm thì có lẽ công tác cứu hộ, cứu nạn gặp khó khăn bội phần.
Tôi nghĩ, không chỉ ở tỉnh thành nào, việc xảy ra hỏa hoạn ở chung cư cao tầng mà đặc biệt là ở các khu nhà tái định cư, chất lượng đầu tư thấp thì quả là điều giật mình. Tôi cho rằng, đây cũng không phải là chuyện chỉ có ở TP Hồ Chí Minh, Hà Nội mà rất có khả năng là chuyện thường ngày ở nhiều TP khác trong cả nước. Nó rất đáng báo động.

Để đảm bảo an toàn tới mức cao nhất cho tính mạng con người, tôi nghĩ nó không dừng lại ở các khu nhà tái định cư mà còn ở nhiều khu nhà cao tầng khác nữa trong nội thành các TP lớn dù chất lượng xây dựng khá tốt vẫn cứ đáng lo khi hỏa hoạn xảy ra.

Tôi được biết, giá thành của một chiếc xe thang hiện nay có khả năng lên được tầng 18 thì cũng cả triệu đô la trở lên tuỳ theo mỗi loại. Thực tế nghe nói cũng chưa có chiếc xe thang nào leo cao hơn đã được nhập về Việt Nam vì đường sá của ta không phù hợp với xe thang" đại cỡ". Vì thế, nếu ở độ cao khoảng tầng 20 trở lên thì xem ra đã ở trong tình cảnh bất lực nếu không tự nghĩ cách cứu mình...

Nhưng giả dụ lực lượng cảnh sát PCCC có đến được kịp thời thì cũng rất mất thời gian bởi tình trạng ách tắc giao thông hiện nay trong các TP lớn không thể nói mạnh. Tại sao chúng ta lại không tính tới giải pháp "hãy tự cứu mình" trước khi "ông" PCCC Nhà nước hay "ông" quản lý tòa nhà chung cư đến ứng cứu?

Mới cách đây vài tháng, tình cờ tôi được một người bạn sống ở một chung cư cao cấp Star Tower, đường Dương Đình Nghệ, Hà Nội đưa cho xem một chiếc hộp, gọi là cuộn dây thoát hiểm Sky Rescue Line của một DN trong nước sản xuất.

Chất lượng sản phẩm được giới thiệu là đảm bảo theo công nghệ tiên tiến của Australia, đạt chuẩn quốc tế (có một số nguyên phụ liệu chính, cần nhất thì đều là nhập ngoại). Điều đáng lưu ý là giá thành lại chỉ bằng 1/3 so với sản phẩm tương ứng nhập ngoại. Nó có thể chịu tải trọng 120kg và tiếp đất với tốc độ tối đa 2m/s, bảo đảm an toàn tuyệt đối.

Anh bạn tôi chìa cho xem tờ hướng dẫn sử dụng rất chi tiết và nói rằng: Giá như nhà nào cũng có vài chiếc như thế này thì dù xe cứu hỏa có đến muộn hay mất điện tôi cũng chẳng lo! Tôi không biết trên thị trường còn có những loại tương tự vậy không nhưng chắc là sẽ có nhiều vì thấy nó cũng rất hấp dẫn, rất đáng mua nếu chúng ta ở chung cư với độ cao từ tầng 8 trở lên...

Ô hay, sao chuyện đơn giản đến vậy mà nhiều người không nghĩ ra? Nên chăng, theo tôi, khi chúng ta mua nhà chung cư, nên yêu cầu chủ đầu tư phải giải được bài toán cứu hộ nói trên cho khách hàng. Hoặc nhà đầu tư sẽ trang bị cho hoàn hảo vì cũng chẳng đáng bao nhiêu, hoặc bớt tiền trong đơn giá để người mua nhà tự chọn sản phẩm. Đối với cơ quan kiểm tra PCCC, nên chăng sẽ buộc các chủ đầu tư xây dựng chung cư phải có trách nhiệm trang bị cho khách hàng của mình. Nếu không có sản phẩm dây thang cho căn hộ của mình thì chưa được phép bán căn hộ. Theo tôi, cách làm trên vừa an toàn vừa chủ động cho cư dân khi mà xe thang, trong thực tế cũng đâu cứu được tất cả!

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần