Hòa hợp giữa tinh hoa Thăng Long và Xứ Đoài

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Đồ án đề xuất hình thành một số đô thị vệ tinh mới như Hòa Lạc, Xuân Mai, Quốc Oai, Phú Xuyên, Chúc Sơn và tiếp tục kế thừa, phát triển những đô thị cũ như: Sơn Tây, Sóc Sơn, Đông Anh, Gia Lâm, Mê Linh.

KTĐT - Theo Thứ trưởng Nguyễn Đình Toàn, đồ án đề xuất hình thành một số đô thị vệ tinh mới như Hòa Lạc, Xuân Mai, Quốc Oai, Phú Xuyên, Chúc Sơn và tiếp tục kế thừa, phát triển những đô thị cũ như: Sơn Tây, Sóc Sơn, Đông Anh, Gia Lâm, Mê Linh.

Thủ tướng đã giao Bộ Xây dựng chủ trì quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội xứng tầm một thành phố văn minh, hiện đại, sinh thái và văn hiến. Trao đổi với chúng tôi, TS. KTS Nguyễn Đình Toàn, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho hay một Hà Nội mới sẽ được hình thành từ hai nền văn hoá lớn: Văn hoá Thăng Long và Văn hoá xứ Đoài.

Đồ án phải đưa ra các giải pháp hợp lý để thủ đô Hà Nội phát triển trên một cơ thể hoàn chỉnh, với diện tích 3.300km2, kết nối được hệ thống hạ tầng.

Hình thành hai lá phổi xanh của thành phố

Theo Thứ trưởng Nguyễn Đình Toàn, đồ án đề xuất hình thành một số đô thị vệ tinh mới như Hòa Lạc, Xuân Mai, Quốc Oai, Phú Xuyên, Chúc Sơn và tiếp tục kế thừa, phát triển những đô thị cũ như: Sơn Tây, Sóc Sơn, Đông Anh, Gia Lâm, Mê Linh.

Như vậy, về tổng thể, Thủ đô trong tương lai sẽ có đô thị trung tâm hiện hữu (tính từ vành đai 3 trở vào cho đến các khu phố cũ, khu phố cổ); chuỗi đô thị dọc vành đai 3 và 4, được tách ra khỏi đô thị hiện hữu; các đô thị vệ tinh được kết nối bởi các tuyến giao thông như: trục đường Láng Hoà Lạc, trục Thăng Long (mới) chạy dọc Đông Tây song song đường Láng - Hoà Lạc, trục đường 6, trục đường 1A, 1B. Ngoài ra, còn có hệ thống đường vành đai Bắc Nam - Phúc Thọ - Phú Xuyên, và vành đai 5.

Hai lá phổi xanh là sông Hồng và vành đai xanh mở rộng dọc theo sông Nhuệ sẽ tách biệt vành đai 3 với chuỗi đô thị mới kéo dài theo hướng Bắc Nam của vành đai 4. “Có như vậy, Thủ đô mới phát triển bền vững, đáp ứng được sự kỳ vọng của nhân dân Hà Nội và đồng bào cả nước”, Thứ trưởng Nguyễn Đình Toàn nói.

Kết hợp hai nền văn hóa: Thăng Long và Xứ Đoài

Thứ trưởng Toàn khẳng định: “Hà Nội mới sẽ được hình thành từ hai nền văn hoá lớn: Văn hoá Thăng Long và Văn hoá xứ Đoài. Các khu vực phát triển ở Sơn Tây, Quốc Oai đã được hình thành trên cơ sở văn hoá xứ Đoài với những làng cổ, các công trình tôn giáo cũng như rất nhiều công trình kiến trúc dân gian”.

Một trục giao thông mới dự kiến sẽ hình thành kéo dài từ ngã 3 Hoàng Quốc Việt - Phạm Hùng đến Ba Vì giải quyết vấn đề giao thông từ trung tâm cũ với các vùng nông thôn và đô thị phía Tây của thành phố. Trên trục đường này sẽ có các công trình bảo tàng, thư viện, nhà hát, đài Độc lập và các biểu tượng văn hoá khác.

“Để làm được tốt trục tuyến này, đòi hỏi sự quyết tâm rất lớn từ các cấp chính quyền thành phố, của các nhà đầu tư, cũng như sự ủng hộ của nhân dân Hà Nội”, ông Toàn nói.

Ngoài ra, việc bảo tồn văn hoá vật thể và phi vật thể tại Hà Nội luôn được đặt ra trong quá trình thực hiện đồ án quy hoạch. Các giải pháp xử lý bảo tồn khu 36 phố phường và khu phố cũ được xây dựng thời Pháp thuộc đã được các nhà tư vấn thiết kế xem xét làm sao để giảm thiểu mức độ thay đổi ở các khu vực này và phục hồi tôn tạo những giá trị lịch sử hiện hữu về cảnh quan, không gian sinh hoạt nói chung.

Đối với các công trình tôn giáo tín ngưỡng, hiện có hàng trăm các đình đền chùa miếu và một số làng cổ, làng nghề truyền thống tại Quốc Oai, Phúc Thọ, Sơn Tây, Đan Phượng, Hoài Đức, Ứng Hoà, các nhà quy hoạch sẽ nghiên cứu để bảo tồn.

Giãn các trường đại học, bệnh viện ra ngoài

Một nội dung quan trọng nữa của bản Đồ án quy hoạch chung Hà Nội là giải quyết cơ sở hạ tầng các ngành giáo dục, y tế.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng tiết lộ: “Để giảm tải cho các bệnh viện hiện nay, các đơn vị tư vấn đang nghiên cứu tại các khu đô thị mới, khu đô thị vành đai, sẽ mọc lên những BV Bạch Mai 2, Bạch Mai 3, Việt - Đức 2, Việt - Đức 3…, cùng các trung tâm y tế nghỉ dưỡng khám chữa bệnh chất lượng cao”.

Hệ thống trường đại học cũng sẽ giãn ra phía ngoài nội đô. Tại Hòa Lạc sẽ hình thành Đại học Quốc gia, diện tích trên 1.000 ha, cùng nhiều trường đại học, các trung tâm nghiên cứu khoa học, thuộc nhiều lĩnh vực. Ngoài ra, sẽ xây dựng thêm một số cơ sở đại học ở các khu vực Phú Xuyên, Sóc Sơn, Gia Lâm.

“Các cơ sở đại học cũ được nghiên cứu chuyển đổi chức năng một phần hoặc đào tạo quy mô ở mức không lớn như hiện nay”, ông Toàn cho hay.

Hà Nội và vùng phụ cận hiện đang rất thiếu các trung tâm vui chơi giải trí, văn hóa thể thao. Bộ Xây dựng đang chỉ đạo các đơn vị tư vấn tích cực phối hợp các bộ, ngành, UBND TP Hà Nội để quy hoạch dành quỹ đất phát triển văn hóa, giải trí cho nhân dân Thủ đô.

Giữ bản sắc nông thôn Hà Nội

Đối với vấn đề ứng xử với nông thôn sau khi Hà Nội mở rộng, ông Toàn cho rằng, đây là một vấn đề lớn đặt ra khi nghiên cứu quy hoạch này. Bộ Xây dựng đang chỉ đạo các đơn vị tư vấn tập trung nghiên cứu đáp ứng mô hình nông thôn mới văn minh - hiện đại trong đô thị Thủ đô.

Đối với các làng xóm hiện hữu, phải bảo đảm về chất lượng không gian kiến trúc và quản lý kiểm soát về phát triển. Trong đó, quan tâm hệ thống giao thông nông thôn, các công trình kiến trúc, xử lý môi trường… để  làng xóm ở các vùng nông thôn hiện hữu sẽ được hòa nhập trong không gian cảnh quan cây xanh và trở thành những vùng xanh sinh thái. Tại đây, chỉ nên xây dựng các công trình thấp tầng, giữ được bản sắc nông thôn truyền thống.

Ngoài ra, các làng nghề truyền thống cần được nghiên cứu bảo tồn phát triển sản xuất gắn với dịch vụ thương mại và du lịch. Ví như huyện Mê Linh cần được tạo điều kiện phát triển nghề trồng hoa, là nơi cung cấp hoa tươi cho toàn thành phố cũng như cho vùng Thủ đô. Các làng nghề truyền thống khác cũng sẽ triển khai phát triển tương tự...

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần