Hòa hợp sau hôn nhân

Đan Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hôn nhân thiếu tình yêu là vô cùng nguy hiểm, nhưng nếu cho rằng chỉ có tình yêu mới thành hôn nhân lại nguy hiểm hơn nhiều. Đó là nhận định được đúc kết ra từ thực tế khi tỷ lệ ly hôn ngày càng cao.

Không như tưởng tượng
Nhiều người đã đúc kết ra rằng, "tình yêu không phải là tất cả, sau này về chung sống sẽ hiểu", bởi trải qua một quãng thời gian, cần sự hòa hợp chứ không đơn thuần chỉ là tình yêu. Một thực tế đáng buồn hiện nay là không ít đám cưới đến từ kết quả của một tình yêu dài đẹp đẽ và tràn đầy hạnh phúc, nhưng lại đổ vỡ chỉ vì những khúc mắc rất nhỏ nhặt.

Khi yêu, nhiều người nhận thấy đối phương có cách nghĩ, cách sống khác mình nhưng lúc đó, họ chỉ nghĩ đơn giản là tình yêu và thời gian sẽ xóa nhòa sự khác biệt ấy. Nhưng về sống với nhau, khi "khoảng trời riêng" va chạm nhau chan chát, họ đi từ sự khác biệt đến đối chọi, mâu thuẫn cứ gặm nhấm dần và cuối cùng là giết chết tình yêu.
 Ảnh minh họa.
Một cặp đôi yêu nhau từ thời đại học đến tận lúc cả hai công thành danh toại vẫn được bạn bè cho là một mối tình đẹp. Cô xinh đẹp, dễ gần, anh thật thà, đầy chí tiến thủ. Cuộc hôn nhân của họ được cả gia đình, bạn bè trông đợi, nhưng cuộc chia tay cũng đến rất nhanh sau đám cưới đẹp. Lúc đầu chỉ là tranh cãi trong việc điều hòa các sở thích, nhu cầu và nguyện vọng với nhau. Đôi lúc họ cãi nhau vì những chuyện không đâu. Họ có thể cãi nhau vì cơm áo gạo tiền hay vì sự có mặt của một người khác hoặc đảo lộn nền nếp của gia đình... Có một nghìn lẻ một nguyên nhân dẫn đến việc cãi nhau giữa họ và cuối cùng là cả hai cùng đứng lên tung hê tất cả.

Trò chuyện để hiểu nhau

Thực tế có nhiều trường hợp khi nhìn vào bề ngoài, vợ chồng rất hạnh phúc, hòa hợp, nhưng rồi cuộc hôn nhân tưởng như bình yên và êm ấm ấy lại dường như tan vỡ ngay từ giai đoạn đầu chung sống. Nhiều cặp vợ chồng ngày xưa yêu nhau mãnh liệt, vậy mà chỉ sau một thời gian ngắn lại vội vàng chia tay, kể tội, lên án nhau không tiếc lời. Thực tế, hiếm có một gia đình mà vợ chồng hoàn toàn đồng ý với nhau về mọi vấn đề trong cuộc sống. Có sự bất đồng quan điểm, có mâu thuẫn ắt có va chạm là điều không tránh khỏi, nhưng chỉ có điều giải quyết mâu thuẫn theo cách nào. Có nhiều trường hợp, người vợ chỉ vì tự ái, vì không muốn thổ lộ, bộc bạch mong muốn của mình cho chồng biết. Mỗi khi có chuyện gì buồn, hay không bằng lòng điều gì đó lại không muốn nói ra, cứ giữ mãi trong lòng, và âm thầm chịu đựng, âm thầm trách móc, giận hờn, kể cả căm hận. Vợ chồng chung sống với nhau cả đời, mà tình huống nào cũng đều “tích tiểu thành đại”, xung đột này chưa giải quyết được, lại kéo thêm xung đột khác, đan xen, chồng chéo, rối bời như tơ vò. Đến một lúc nào đó như “giọt nước làm tràn ly”, tình cảm lạnh nhạt dẫn đến đổ vỡ sẽ là điều tất yếu.

Các nghiên cứu về đời sống gia đình cho thấy, nếu một đôi vợ chồng không nói chuyện với nhau ít nhất từ 15 - 30 phút mỗi ngày thì không thể nói đó là cặp vợ chồng hạnh phúc. Bởi vậy, trao đổi, chuyện trò về công việc, học hành, cuộc sống… giữa vợ chồng được xem là một trong những điều tất yếu, cần thiết, giúp mọi người hiểu nhau hơn và thiết lập những mối quan hệ tốt đẹp, bền vững. Tuy nhiên, cuộc sống hiện đại với nhiều áp lực, lo toan, nên các cuộc giao tiếp giữa vợ chồng nhiều khi chỉ là những trao đổi hoặc những mẩu tin nhắn cụt lủn. Nhưng chính các chuyên gia tâm lí cho rằng, chỉ cần một khi hai người bạn đời không có nhu cầu tâm sự, trò chuyện với nhau, không thể chia sẻ với nhau buồn vui được nữa cũng là lúc gia đình đang trong tình trạng báo động đỏ.

Hơn nữa, giao tiếp vợ chồng không chỉ là lời nói mà cần phải nói với nhau bằng nhiều phương cách để thông cảm, hiểu nhau hơn như cử chỉ thể hiện sự quan tâm, chăm sóc nhau… Sự tin tưởng và gắn kết bằng những tâm sự trong cuộc sống sẽ chia sẻ, gỡ bỏ đi những day dứt trong lòng, cả hai sẽ luôn thấy nhẹ nhõm hơn. Một điều không thể thiếu mà các cặp vợ chồng hay bỏ qua đó là luôn hấp dẫn lẫn nhau. Người ta thường nói, vợ chồng càng sống lâu năm với nhau càng thấy chán nhau. Nhưng người ta cũng thường nói, có những cặp vợ chồng càng sống với nhau càng cảm thấy yêu và cần nhau hơn. Đó là do những cặp vợ chồng này biết giữ gìn hạnh phúc, biết hấp dẫn lẫn nhau và biết nhường nhịn lẫn nhau. Sống đến tuổi “cổ lai hy” mà vẫn hạnh phúc là do họ sống với nhau vì nghĩa nặng hơn vì tình.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần