Với kinh phí 22,1 triệu USD và được thực hiện trong 5 năm, dự án USAID LinkSME sẽ phối hợp với Văn phòng Chính phủ và Bộ KH&ĐT cải thiện hệ sinh thái kết nối chuỗi cung ứng cho DNNVV và nâng cao năng lực cho các hiệp hội DN trong việc hỗ trợ phát triển DNNVV. Kết nối các DNNVV với những DN hàng đầu sẽ thúc đẩy tầm nhìn về tăng cường khả năng cạnh tranh kinh tế khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và hỗ trợ mục tiêu của USAID Việt Nam là giúp mở rộng tăng trưởng bao trùm, theo định hướng thị trường và do khu vực tư nhân dẫn dắt.
Với quyết tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương của Việt Nam, cùng với sự hỗ trợ mạnh mẽ, hiệu quả của bạn bè quốc tế nói chung, của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ nói riêng, Việt Nam sẽ đạt được những kết quả tích cực hơn nữa trong tiến trình cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, cắt giảm chi phí cho DN, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thực hiện hóa phương châm 12 chữ vàng của Chính phủ Việt Nam: “kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả, bứt phá”, góp phần vào sự phát triển của đất nước, sự phồn vinh của dân tộc và quan hệ tốt đẹp của hai nước. Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng |
Với những cải cách đổi mới mạnh mẽ của Chính phủ, các DN Việt Nam đã có sự phát triển vượt bậc trong suốt gần 2 thập kỷ qua. Hiện cả nước có hơn 730.000 DN đang hoạt động, trong đó hơn 97% có quy mô nhỏ và vừa. Cùng với sự bùng nổ về số lượng, các DNNVV đã góp phần quan trọng cho tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững của quốc gia thông qua tạo việc làm, nâng cao đời sống người lao động, góp phần quan trọng giảm khoảng cách giàu nghèo, phát triển các cơ hội đầu tư vào các thị trường ngách. Các DNNVV cũng là mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị để nâng cao khả năng cạnh tranh cho các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam, hình thành nên những cụm liên kết ngành điện tử, dệt may, thủy sản...
Tuy nhiên, do quy mô nhỏ bé nên DNNVV Việt Nam chưa có khả năng tích tụ và tập trung vốn để đầu tư, đổi mới công nghệ, mở rộng quy mô sản xuất. Đa số DNNVV có trình độ quản lý thấp, nguồn nhân lực nhỏ bé cả về lượng và chất. Đặc biệt, mối liên kết của các DNNVV cũng như giữa DN nhỏ và DN lớn còn nhiều hạn chế.
Hiện tại chỉ có khoảng 21% DN Việt Nam là một phần trong chuỗi giá trị toàn cầu, thấp hơn tỷ lệ của Thái Lan là 30%, Malaysia là 46%. Đây cũng là vấn đề mà Thủ tướng Chính phủ cũng rất trăn trở và cũng đặt ra bài toán tại Diễn đàn VRDF 2019 vừa qua: Làm thế nào để các DN Việt Nam đủ năng lực chủ động tham gia các chuỗi giá trị toàn cầu, chuyển dịch lên nấc thang cao với giá trị gia tăng cao hơn.
Thời gian qua, Việt Nam đang nỗ lực hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường theo hướng hiện đại và hội nhập, với một trong những nhiệm vụ quan trong hàng đầu là hoàn thiện khung khổ pháp lý đầu tư kinh doanh. Các Nghị quyết số 01, 02 hay Nghị quyết số 35 của Chính phủ được ban hành đều nhằm mục tiêu cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh ở cả 03 cấp: cấp doanh nghiệp, cấp ngành và cấp quốc gia.
Đặc biệt, Luật Hỗ trợ DNNVV có hiệu lực từ ngày 1/1/2018 đã quy định một trong 03 hỗ trợ trọng tâm được dành cho các DNNVV tham gia vào cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị. Đây là đạo Luật đầu tiên về hỗ trợ DNNVV nên đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của toàn hệ thống chính trị, sự hỗ trợ của cộng đồng các nhà tài trợ quốc tế, tiêu biểu là Hoa Kỳ, và nỗ lực chung sức của chính các DN, được đại diện bởi đông đảo các tổ chức hiệp hội DN ở đây hôm nay, để có thể triển khai Luật một cách đồng bộ, mạnh mẽ và hiệu quả.
Ông Nguyễn Chí Dũng đánh giá rất cao Dự án “Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của DNNVV” do Cơ quan hợp tác quốc tế Hoa kỳ (USAID) tài trợ. “Dự án sẽ góp phần tích cực giúp Chính phủ Việt Nam giải quyết được các vấn đề mà khu vực DNNVV Việt Nam đang đối diện, tăng cường năng lực liên kết cho DNN&V trong các ngành được lựa chọn, đồng thời tạo tác động lan tỏa, khuyến khích nhiều DNNVV tự tin và chủ động vươn ra các thị trường quốc tế” – ông Nguyễn Chí Dũng khẳng định.