Hòa nhạc Điều còn mãi 2017 vắng bóng “sao”

Linh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chương trình hòa nhạc “Điều còn mãi” năm 2017 - chương trình hòa nhạc “made in Vietnam” hiếm hoi, do các nghệ sĩ Việt dàn dựng, biểu diễn các ca khúc Việt Nam, sẽ vang lên vào đúng ngày kỷ niệm Quốc khánh của Việt Nam tại Nhà hát Lớn Hà Nội.

Nhiều năm trước, chương trình “Điều còn mãi” từng mời các diva nhạc nhẹ như Mỹ Linh, Thanh Lam… tham gia biểu diễn. Nhiều người cho rằng đây là cách Ban tổ chức thu hút một lượng khán giả của nhạc nhẹ cho dòng nhạc kén người nghe – nhạc thính phòng.
 

Ban tổ chức và các nghệ sĩ giới thiệu về chương trình hòa nhạc "Điều còn mãi" chiều 24/8.

Trong lần tổ chức năm 2017, đứng ở đội ngũ biểu diễn thiếu vắng các ngôi sao nhạc nhẹ. Chương trình năm 2017 hoàn toàn là các nghệ sĩ thính phòng như NSND Ngô Hồng Quân, NSND Trần Thị Mơ, NSƯT Bùi Lệ Chi; các ca sĩ Trọng Tấn, Đăng Dương, Đào Tố Loan… Theo Tổng đạo diễn, NSƯT Nguyễn Trí Dũng – Giám đốc Dàn nhạc giao hưởng quốc gia Việt Nam: “Năm nay, Ban tổ chức không mời ca sĩ nhạc nhẹ tham gia biểu diễn không phải do đánh giá thấp khả năng của họ, mà vì cấu trúc chương trình năm nay mang đậm tính thính phòng, nên chúng tôi mời hoàn toàn nghệ sĩ của dòng nhạc thính phòng”.
Từ tác giả đến tác phẩm lựa chọn biểu diễn trong chương trình hòa nhạc đều có giá trị về mặt lịch sử. Nhiều tác phẩm đã đi vào lịch sử nhạc Việt gần một thế kỷ. Các tác phẩm được lựa chọn biểu diễn trong chương trình gồm: “Ca ngợi Tổ quốc” (Hồ Bắc), “Linh thiêng hồn dân tộc” (Đỗ Hồng Quân), “Mẹ yêu con” (Nguyễn Văn Tý), “Người Hà Nội” (Nguyễn Đình Thi), “Chào mừng” (Trọng Bằng)… Chương trình năm nay là sự chọn những tác phẩm đã diễn thành công nhất trong 7 lần tổ chức trước đó.

Theo đánh giá của ca sĩ Trọng Tấn: “Điều còn mãi" giống như một chương trình sử dụng cho âm nhạc nói lên tiếng nói của toàn dân trong ngày Quốc khánh. Một ý nghĩa lớn như vậy chỉ có thể được truyền tải thông qua dàn nhạc giao hưởng. Sự vang lên của dàn nhạc giao hưởng là sự âm vang của đời sống, rất thật, giản dị nhưng đầy sức mạnh. Nếu như nhạc pop hay các dòng nhạc khác, dàn nhạc có thể đón đưa, linh hoạt với ca sĩ, thì với nhạc giao hưởng, hàng trăm người chỉ có một sai sót nhỏ có thể ảnh hưởng đến màn biểu diễn”.

Đúng 14 giờ ngày 2/9, bản Quốc ca Việt Nam sẽ vang lên mở đầu cho chương trình hòa nhạc hồn Việt. Theo ông Nguyễn Trí Dũng, tác phẩm Quốc ca năm nay chơi như một tác phẩm nghệ thuật cùng dàn nhạc của Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam, không đơn thuần là biểu diễn bản ca hùng tráng. Chương trình diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội và được truyền hình trực tiếp trên VTV1. Đặc biệt, từ năm 2018, Ban tổ chức hòa nhạc “Điều còn mãi” sẽ diễn ra thêm một buổi vào tối ngày 2/9 cũng tại Nhà hát Lớn Hà Nội.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần