Hòa Phát và chiến lược làm nông nghiệp đến nơi đến chốn

Nha Trang (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nghĩ đến nông nghiệp cách đây gần 20 năm, tuy nhiên, Giám đốc Công ty CP Phát triển chăn nuôi Hòa Phát Nguyễn Thị Thanh Vân cho hay, mấy năm gần đây mới là thời điểm thuận lợi để Tập đoàn Hòa Phát đầu tư vào nông nghiệp, cả về nguồn lực tài chính lẫn kinh nghiệm sản xuất quy mô lớn.

“Truyền thống của Hòa Phát là làm đến nơi đến chốn, thận trọng và bài bản” - bà Vân nhấn mạnh.

Đầu tư vào nông nghiệp không phải vì chính sách ưu đãi

Bước chân vào nông nghiệp khi đã có hàng loạt "ông lớn" đã và đang đổ vốn mạnh vào lĩnh vực này, vậy Hòa Phát có chiến lược gì, thưa bà?

- Mỗi DN có cách làm và chiến lược riêng của mình. Với Hòa Phát, bất cứ dự án nào đều được nghiên cứu kỹ trước khi thực hiện nhằm đảm bảo hiệu quả, bảo đảm dòng vốn lành mạnh.

Chúng tôi đã nghĩ đến ngành này từ gần 20 năm trước. Tuy nhiên, thời điểm gần đây có nhiều thuận lợi để đầu tư, cả về nguồn lực tài chính, kinh nghiệm sản xuất quy mô lớn. Ngoài ra, vấn đề thực phẩm sạch, an toàn đang ngày càng trở nên bức thiết, đồng thời được các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm phát triển.

Lĩnh vực nông nghiệp nhận được khá nhiều ưu đãi, trong đó có các ưu đãi về thuế. Đây có phải là nguyên nhân khiến Hòa Phát quyết định bước chân vào mảng đầu tư này?

- Như tôi đã nói, Hòa Phát nghĩ đến việc làm nông nghiệp từ 20 năm về trước. Chúng tôi đầu tư vào lĩnh vực này hoàn toàn không phải vì ưu đãi mà vì nhìn thấy nhu cầu thị trường còn nhiều dư địa để phát triển. Truyền thống của Hòa Phát là làm đến nơi đến chốn, làm một cách thận trọng và bài bản.

Đã có lãi từ nông nghiệp

Trong chuỗi 3F (Feed, Farm, Food) mà Hòa Phát đã đặt ra khi bỏ vốn vào lĩnh vực nông nghiệp, hiện DN đã thực hiện đến đâu? Mục tiêu dài hạn của Hòa Phát trong lĩnh vực này là gì?

- Trong mảng nông nghiệp, Hòa Phát đã hoàn thành và đưa vào hoạt động 2 nhà máy thức ăn chăn nuôi tại miền Bắc và miền Nam với tổng công suất 600.000 tấn/năm. Một số trang trại chăn nuôi heo an toàn sinh học và trại chăn nuôi bò Úc công nghệ cao tại nhiều tỉnh, thành như Yên Bái, Thái Bình, Quảng Bình, Đồng Nai, Bình Phước.

Mục tiêu của Hòa Phát là đến năm 2021 đạt 450.000 heo thương phẩm, 300 triệu trứng gà sạch, 75.000 bò thịt và 1 triệu tấn thức ăn chăn nuôi mỗi năm. Trước mắt, Hòa Phát chưa tính đến khâu phân phối thực phẩm do đây là ngành khá đặc thù.

Đầu tư nông nghiệp rất rủi ro, mới đây, Masan giảm hơn 50% lợi nhuận vì giá lợn lao dốc. 6 tháng đầu năm 2016, Hòa Phát cũng chưa có một đồng lãi nào từ nông nghiệp. Đến khi nào thì mảng nông nghiệp sẽ có lãi để cổ đông bớt lo?

- Theo báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm, Hòa Phát đã có lãi từ mảng nông nghiệp. Cụ thể, nhóm ngành này đóng góp hơn 5% tổng doanh thu và 0,1% lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm. Con số chưa đáng kể, song đây là điều bình thường vì Hòa Phát vẫn đang trong giai đoạn đầu tư.

Hiện, các DN đầu tư nông nghiệp có xu hướng xây dựng các chuỗi liên kết, Hòa Phát lại phát triển theo hướng chăn nuôi tập trung công nghiệp, đâu là lý do của xu hướng này?

-Mỗi DN có cách làm khác nhau để bảo đảm hiệu quả kinh doanh và nguồn vốn của các cổ đông.

Khi DN đầu tư bài bản, sản xuất quy mô lớn sẽ hiệu quả hơn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại các địa phương, chuyển từ sản xuất manh mún sang sản xuất hàng hóa tập trung, năng suất và chất lượng sản phẩm làm ra sẽ cao hơn. Người nông dân từ đó sẽ được hưởng lợi lớn hơn từ cách làm này.

Không chọn con đường hợp tác với các HTX và các DN nông nghiệp tạo điều kiện cho nông dân phát triển rồng trọt, chăn nuôi. Vậy, nông dân đóng vai trò gì trong chuỗi phát triển nông nghiệp của Hòa Phát?

- Tại các khu vực đầu tư dự án, Hòa Phát ưu tiên tuyển dụng lao động địa phương cho các trang trại chăn nuôi của mình. Mặt khác, tại các trang trại chăn nuôi bò, Hòa Phát thường ký kết với bà con nông dân trong việc bao tiêu 100% ngô nhằm cung cấp nguồn thức ăn thô cho bò. Tại Thái Bình, nhiều hộ nông dân quanh trại bò của Hòa Phát tại huyện Hưng Hà đã chuyển đổi từ trồng lúa sang canh tác ngô, làm 3 vụ/năm, cho năng suất hiệu quả cao hơn nhiều so với trước. Đây chính là mối liên kết hiệu quả giữa nhà nông và DN trong phát triển chăn nuôi quy mô công nghiệp.

Xin cảm ơn bà!