Hoài Đức tích cực chuẩn bị cho bước chuyển lên quận

Trực Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Một trong những nhân tố sớm đưa Hoài Đức trở thành huyện nông thôn mới (NTM) chính là xây dựng hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng khung. Đây cũng là bước đệm quan trọng để phát triển lên quận trong thời gian tới.

Đột phá thành công về kinh tế
Năm 2010, khi bắt đầu triển khai thực hiện xây dựng NTM, nông nghiệp trên địa bàn manh mún. Qua rà soát ban đầu các tiêu chí (theo bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM) tại 19 xã ở Hoài Đức, bình quân mới đạt 8,8 tiêu chí, nhưng đến năm 2017, Hoài Đức đã được công nhận là huyện đạt chuẩn NTM của TP Hà Nội.
Một trong những yếu tố thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ ở đây là việc chú trọng đầu tư cho nông nghiệp với các vùng chuyên canh rau an toàn, cây ăn quả đặc sản.
 Từ chỗ là xã nông nghiệp thuần túy, đến nay Nam An Khánh là khu đô thị quy mô. Ảnh: Trực Nguyên
Toàn huyện đã hình thành nhiều vùng chuyên canh, với diện tích cây ăn quả đạt 894ha. Trong đó 3 sản phẩm: Nhãn chín muộn Hoài Đức, Phật thủ Đắc Sở, bưởi Quế Dương đã được Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ KHCN) bảo hộ và cấp chứng nhận Nhãn hiệu tập thể.
Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch UBND xã Đắc Sở Nguyễn Thị Hường cho biết: Tuy là xã thuần nông, nhưng thu nhập bình quân đầu người ở Đắc Sở đã đạt ngưỡng 50 triệu đồng/người/năm.
Bình quân mỗi héc ta phật thủ đạt giá trị từ 250 triệu đồng trở lên. Dù diện tích đất nông nghiệp của xã có hạn, nhưng người dân Đắc Sở đã chủ động thâm canh cây phật thủ ra các địa phương lân cận. "Tổng thu ngân sách trên địa bàn năm 2018 là 424 tỷ đồng, phần nhiều cũng nhờ cây ăn quả” - bà Hường cho hay.
Tại xã Song Phượng, Chủ tịch UBND xã Nguyễn Đức Khoa cũng chia sẻ: Từ năm 2016 - 2018, sản phẩm nhãn chín muộn của xã đã xuất lô hàng đầu tiên (5 tấn) sang thị trường Malaysia và 1 tấn sang thị trường châu Âu. Đây là những lô nhãn chín muộn đầu tiên của huyện được xuất sang thị trường quốc tế, mở cánh cửa cho các loại trái cây đặc sản này vươn ra những thị trường tiềm năng.
Ngoài cây ăn quả, nhiều hộ gia đình cũng đã chuyển đổi sang trồng hoa, cây cảnh với diện tích là 360ha (3 vụ), tập trung chủ yếu tại các xã Đông La, Yên Sở, Song Phương, Đức Thượng. Trong đó, mô hình sản xuất hoa lan từ nuôi cấy mô với diện tích 2 ha tại xã Đông La và An Thượng cho thu nhập trên 250 triệu/sào/năm; hoa lan ở xã Đông La cũng dần đã trở thành thương hiệu đối với người dân Hà Nội và các tỉnh lân cận
Quan tâm đầu tư cho hạ tầng khung
Từ việc chuyển đổi mô hình nông nghiệp thành công, đạt hiệu quả kinh tế cao, đã góp phần tạo nguồn lực cho huyện thúc đẩy đầu tư hạ tầng. Trong 10 năm qua, 100% các tuyến đường liên xã, trục chính các thôn, ngõ xóm đã được bê tông, cứng hóa. Hầu hết các trục đường liên xã, liên thôn đã có điện chiếu sáng.
Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Hồng Trường cho biết: Đầu tư cho hạ tầng là một trong những yếu tố then chốt để Hoài Đức sớm hoàn thành chương trình NTM, tạo tiền đề để huyện trở thành quận trong tương lai. Chính vì vậy trong những năm qua, Hoài Đức đã ưu tiên phát triển hạ tầng một cách đồng bộ.
Cùng với đó, huyện cũng đã xây mới 18 điểm trường, cải tạo, sửa chữa nâng cấp 48 trường học với tổng kinh phí là 3.539 tỷ đồng. Đến nay, số trường đạt chuẩn trên địa bàn huyện là 49/77 trường, tăng 40 trường so với năm 2010.
Nếu năm 2010 toàn huyện mới có 74 nhà văn hóa, đến tháng 6/2019 con số này đã tăng lên 128. Đồng thời, 20/20 xã, thị trấn đạt chuẩn Quốc gia về y tế xã (theo tiêu chí mới), tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 88,2% (tăng 50,8% so với năm 2010), góp phần thúc đẩy an sinh trên địa bàn.
Một dấu ấn khác không thể không nhắc đến tại Hoài Đức là toàn bộ mạng lưới đường ống cấp nước sạch tập trung tại 20/20 xã, thị trấn và đấu nối cấp nước đã được hoàn thành. Góp phần bổ sung nước cho khoảng 55.972 hộ dân, nâng tỷ lệ cấp nước sạch toàn huyện tăng lên khoảng 80,9%. Hiện huyện đang phấn đấu đến năm 2020, 100% người dân được cung cấp và sử dụng nước sạch đạt tiêu chuẩn theo quy định.
Để giải quyết vấn đề nước thải với địa bàn có một số làng nghề truyền thống, huyện đã triển khai đầu tư với số tiền đáng kể để xây dựng các trạm xử lý nước thải. Trong đó, năm 2016, trạm xử lý nước thải Cầu Ngà (xã Dương Liễu) có công suất 20.000m3/ngày, đêm (kinh phí 405 tỷ đồng) đi vào vận hành, xử lý cơ bản nước thải của cụm làng nghề chế biến nông sản tại 3 xã: Minh Khai, Dương Liễu, Cát Quế.
Huyện cũng tiếp tục xây dựng 2 nhà máy xử lý nước thải Sơn Đồng và Vân Canh. Đường giao thông ngõ xóm cũng được huyện đồng bộ với hệ thống thu gom nước thải trong khu dân cư. Đấu nối với hệ thống tiêu chung của xã, yếu tố góp phần giảm ô nhiễm môi trường.
Sau 10 năm xây dựng NTM, với những bước chuyển trong nông nghiệp và hạ tầng, Hoài Đức từ một huyện ven đô, có bóng dáng một quận trong tương lai đã rất gần.q