Hoài Đức: Tỷ lệ sử dụng sữa học đường cao nhưng còn nhiều khó khăn

Linh Chi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Theo Phòng GD&ĐT huyện Hoài Đức, do một số phụ huynh nêu lý do con em mắc bệnh hoặc dị ứng với sữa, phụ huynh có con học các trường mầm non tư thục chưa tin tưởng chất lượng sữa, lấy lý do cho con uống sữa ngoại, dẫn đến không tham gia Đề án chương trình sữa học đường.

Chiều nay (11/10), đoàn khảo sát của Ban Văn hóa-Xã hội HĐND TP Hà Nội có buổi làm việc tại huyện Hoài Đức về thực hiện Nghị quyết quy định cơ chế hỗ trợ, đóng góp thực hiện Đề án “Chương trình Sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo (MG) và học sinh tiểu học (TH) trên địa bàn Hà Nội giai đoạn 2018-2020” và công tác triển khai năm học 2019-2020 tại các cơ sở giáo dục phổ thông công lập.
Trong đó, đoàn đã đến khảo sát trực tiếp các trường THCS Tiền Yên, TH Vân Canh, MN Kim Chung.
 Khảo sát kho bảo quản sữa học đường tại Trường Tiểu học Vân Canh
Năm học này, toàn huyện Hoài Đức có 93 trường MN, TH, THCS với 62.189 học sinh, trong đó không trường nào có từ 50 học sinh/lớp trở lên. Cơ sở vật chất các trường công lập được huyện đầu tư đồng bộ, hiện đại, đáp ứng tiêu chuẩn thiết kế trường học và trường chuẩn Quốc gia; số phòng học, phòng chức năng, trang thiết bị, đồng dùng dạy học của 100% trường cơ bản đáp ứng nhu cầu dạy và học của giáo viên, học sinh. Đến tháng 8/2019, huyện có 49 trường đạt chuẩn quốc gia, chiếm 63,6%. Song, khó khăn là ngành GD&ĐT thực hiện nhiệm vụ theo năm học nhưng được giao chỉ tiêu biên chế, ngân sách chi thường xuyên theo năm hành chính, dẫn đến khó bố trí giáo viên trong nửa đầu năm học mới nhất là ở những trường có biến động tăng lớp. Đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên của một số trường còn thiếu cũng là khó khăn rất lớn với ngành GD&ĐT huyện trong thực hiện nhiệm vụ.
 Một tiết học của học sinh lớp 7 - Trường THCS Tiền Yên
Đáng chú ý, thực hiện Đề án chương trình sữa học đường, toàn huyện có 126/139 trường MN, TH, nhóm trẻ lớp MG độc lập tham gia, với 37.794/40.493 học sinh được uống sữa học đường, đạt tỷ lệ 93,3%. Cả 100% trường đã xây dựng kế hoạch triển khai đảm bảo ATTP bếp ăn tập thể và kiểm soát sữa học đường; thành lập tổ giúp việc tự giám sát bếp ăn và kiểm soát sữa học đường; đầy đủ hồ sơ theo dõi giám sát nguồn gốc sữa, vận chuyển, giao nhận, lưu kho, bảo quản các sản phẩm sữa theo chương trình; quản lý chặt việc tổ chức cho học sinh uống sữa… Mặc dù vậy, Phó Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Nguyễn Thị Lan Anh cũng chia sẻ, do một số phụ huynh nêu lý do con em mắc bệnh hoặc dị ứng với sữa; phụ huynh có con học các trường MN tư thục chưa tin tưởng chất lượng sữa, lấy lý do cho con uống sữa ngoại, dẫn đến không tham gia Đề án. Ngoài ra, một số trường chưa có kho riêng bảo quản sữa, nên khó khăn trong quản lý.
                               Đoàn khảo sát thực tế khu vực bếp ăn trường học
Qua khảo sát thực tế và lắng nghe ý kiến từ lãnh đạo huyện, Phòng GD&ĐT và một số trường học, đoàn khảo sát ghi nhận: Lãnh đạo huyện, các phòng, ban, xã, thị trấn, các nhà trường tại Hoài Đức rất quan tâm thực hiện Đề án này, trong đó hoạt động tuyên truyền được triển khai bằng nhiều hình thức đa dạng, giúp mang lại kết quả tích cực là tỷ lệ học sinh tại huyện tham gia Đề án đã đạt trên 93%, cao hơn cả mục tiêu chung của TP đến năm 2020. Trong chuẩn bị năm học mới, UBND huyện, Phòng GD&ĐT cũng hướng dẫn, kiểm tra, giám sát các trường thực hiện tốt nhiệm vụ năm học. Cơ sở vật chất các trường đang được huyện rà soát, có kế hoạch xây nhiều trường mới, tránh quá tải học sinh…
Tuy nhiên, Trưởng Ban Văn hóa-Xã hội HĐND TP Nguyễn Thanh Bình- Trưởng đoàn khảo sát đề nghị huyện quan tâm dự báo kỹ hơn về nhu cầu dạy, học trong tương lai, thông qua rà soát quy hoạch nhất là các khu đô thị mới. Trong đó, tập trung xem xét những dự án khu đô thị có phê duyệt được đầu tư xây dựng trường học, để tổng hợp số đơn vị đã triển khai và số đơn vị chậm triển khai xây trường. Về vệ sinh trường học, cần có giải pháp cả lâu dài và trước mắt để xử lý vệ sinh tại các nhà vệ sinh cho học sinh, các phòng học, bếp ăn, nhất là việc đảm bảo vệ sinh ATTP. Về nước uống cho học sinh cũng cần được huyện chỉ đạo các trường quan tâm hơn, tìm giải pháp để các cháu có đủ nước uống hàng ngày đảm bảo vệ sinh.
                      Trưởng Ban Văn hóa-Xã hội HĐND TP Nguyễn Thanh Bình phát biểu tại buổi làm việc
Riêng với vấn đề sữa học đường, Trưởng đoàn nhấn mạnh huyện cần có giải pháp tuyên truyền vận động hiệu quả hơn đến từng đối tượng phụ huynh chưa tham gia Đề án, trong đó chú trọng khối trường ngoài công lập, nhấn mạnh vào ý nghĩa nhân văn của chương trình. Song song đó, thực tế một số trường tại huyện chưa đảm bảo cơ sở vật chất bảo quản sữa học đường, nên UBND huyện cần chỉ đạo các trường thường xuyên rà soát, thực hiện tốt quy trình từ tiếp nhận, bảo quản đến khi sử dụng sữa, thu gom vỏ sữa.... Ngoài ra, cần đảm bảo kịp thời việc thanh quyết toán giữa nhà trường với các đơn vị cung cấp sữa. Nếu có vướng mắc phát sinh, huyện, các xã, trường cần tiếp tục kiến nghị với TP.
Với những kiến nghị của huyện, Trưởng Ban Văn hóa-Xã hội HĐND TP khẳng định đoàn sẽ tổng hợp cùng với kiến nghị của các quận, huyện khác, để có kiến nghị chung với Sở GD&ĐT, UBND TP, các cơ quan liên quan.