Hoãn Olympic Tokyo 2020, thể thao Việt Nam có hưởng lợi?

Ngọc Tú
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tối 24/3, Ủy ban Olympic quốc tế cùng chủ nhà Nhật Bản cũng đã chính thức quyết định hoãn Olympic Tokyo 2020 sang mùa hè năm 2021 do tình hình phức tạp của dịch bệnh Covid-19.

Đây có thể nói là không vui đối với những người yêu thể thao, nhưng vì sự an toàn của các VĐV và các HLV, đây là điều nên làm và được ủng hộ. Tuy nhiên, việc hoãn này cũng tạo ra sự yên tâm cho một số VĐV, HLV nhưng cũng là nỗi lo của một số khác.
Xạ thủ Hoàng Xuân Vinh (bên trái) chưa đạt chuẩn Olympic và mới đi cách ly 14 ngày trở về.
Chủ động phòng dịch, nâng cao chuyên môn
Chia sẻ với báo Kinh tế & Đô thị về tình hình phòng, chống dịch bệnh, HLV đội tuyển TDDC Quốc gia Trương Minh Sang cho biết, từ đầu năm 2020 mà cụ thể là sau Tết Nguyên đán toàn đội đã tập trung trở lại để tập luyện, thời điểm này dịch bệnh bắt đầu bùng phát tại Việt Nam. Để có thể chủ động phòng, chống dịch bệnh tại Tổng cục Thể dục thể thao và Trung tâm HLTT Quốc gia đã có những văn bản hướng dẫn. Đặc biệt, cách đây 2 - 3 tuần đã yêu cầu cấm trại các VĐV tập huấn.
“Điều này tốt cho các VĐV, điển hình như bên Malaysia không kiểm soát được khi để các VĐV tập luyện bình thường. Phải nói là Việt Nam đã có những biện pháp phòng, chống rất nhanh và hiệu quả để kiểm soát tốt dịch bệnh, điều này giúp cho các VĐV yên tâm. Dù 1 số địa phương có cách làm khác nhau, tuy nhiên tại Trung tâm đã cấm trại nhưng vẫn tập luyện bình thường để đảm bảo về chuyên môn.
Còn cá nhân các HLV cũng được yêu cầu và chủ động hạn đi tập trung ở những nơi đông người, hầu như tôi đi làm về nhà xong ăn uống rồi lại lên đội tập. Tuân thủ đầy đủ các biện pháp phòng chống dù ở nhà hay khi đến trung tâm tập” - vị HLV này chia sẻ.
Cũng theo HLV Trương Minh Sang, trong thời gian trở lại đây, dù dịch bệnh nhưng toàn đội vẫn tập luyện bình thường để giữ phong độ cũng như củng cố thêm các bài tập cho các VĐV. Đặc biệt, 1 tháng trở lại đây toàn đội có thêm chuyên gia Hàn Quốc làm việc nên phần nào đã củng cố thêm cho các VĐV.
“Theo kế hoạch của chuyên gia muốn cải thiện những điều cơ bản cho VĐV Việt Nam, cũng đang trong quá trình tập luyện đến nay toàn đội đang thực hiện tốt với kế hoạch. Thời gian tới sẽ tập trung nhiều hơn cải thiện kỹ thuật cơ bản và đang phát triển tốt cho các VĐV hoàn thiện về chân, thế, thân và các động tác chỉnh chu hơn” - HLV Trương Minh Sang cho biết thêm.
Hoãn Olympic - người mừng, người lo
Trước việc Olympic 2020 buộc phải hoãn lại 1 năm do dịch bệnh nhiều ý kiến cho rằng sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch, phong độ của các VĐV. Đặc biệt trong bối cảnh, thể thao Việt Nam mới có 5 VĐV giành vé VĐV bơi lội Nguyễn Huy Hoàng (đạt hai chuẩn Olympic cự ly 400 m và 1.500m tự do); VĐV thể dục dụng cụ Lê Thanh Tùng; 2 VĐV bắn cung là Đỗ Thị Ánh Nguyệt và Nguyễn Hoàng Phi Vũ và võ sĩ Boxing Việt Nam Nguyễn Văn Đương.
Việc hoãn Olympic Tokyo 2020 đang là nỗi lo đối với bộ môn bắn súng, bởi đây là 1 trong những môn được kỳ vọng sẽ giành vé tới Olympic từ xạ thủ Hoàng Xuân Vinh.
VĐV Lê Thanh Tùng là 1 trong 5 người đạt chuẩn Olympic.
Chia sẻ với phóng viên Kinh tế & Đô thị trong sáng 25/3, Phó Chủ tịch kiêm TTK Liên đoàn Bắn súng Việt Nam Nguyễn Thị Nhung cho biết, hôm nay xạ thủ Hoàng Xuân Vinh sẽ về Hà Nội sau 14 ngày cách ly tại Bắc Ninh, tuy nhiên do giải lùi ngày khai mạc tới tháng 5, thay vì tháng 3 như kế hoạch ban đầu BHL cũng xác định có hoặc không đạt chuẩn Olympic.
“Nếu nói hoãn Olympic các VĐV có thời gian chuẩn bị thì phải nói rằng chúng ta chưa có vòng loại, vì thế cần phải có thi đấu vòng loại và vượt qua để đạt chuẩn Olympic. Mục đích của BHL hiện tại là cố gắng đạt chuẩn. BHL cũng đưa ra 2 phương án 1 là có hoặc 2 là không, nên phải chấp nhận. Hiện tại, Xuân Vinh mới xong cách ly 14 ngày, ở yên 1 chỗ không tập luyện gì chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến tâm lý và phong độ của VĐV. Điều này rất khó nói" - bà Nhung khẳng định.
Nếu như hoãn Olympic là nỗi lo của bắn súng thì Thể dục dụng cụ lại có phần yên tâm hơn khi đã có vé tới Olympic của VĐV Lê Thanh Tùng. Theo HLV Trương Minh Sang, khi dịch đang diễn ra đã nghĩ đến việc hoãn và chuyển bị tinh thần, nhưng cá nhân biết thế và không nên cho VĐV biết bởi sẽ ảnh hưởng đến tâm lý.
“Hàng ngày có đọc báo của Ủy ban Olympic thế giới thì thấy họ quyết tâm để tổ chức, mình cũng ổn định để chuẩn bị tập luyện, và liên đoàn Thể dục Việt Nam đã liên hệ với phía Nhật  Bản về việc sẽ đi tập huấn 2 tháng tại Nhật ” - HLV Trương Minh Sang chia sẻ.
Cũng theo vị HLV này, anh và các VĐV không thấy quá ảnh hưởng vì dời sẽ đảm bảo sức khỏe có các VĐV mình cũng như trên thế giới để ổn định và hoàn thiện thêm động tác cho các VĐV.
“Các VĐV vẫn bình thường, khi biết hoãn thì bản thân cũng biết động tác cần hoàn thiện và nâng lên. Để thi đấu cũng cần phải hoàn thiện nhiều và điều đó là phải mất thời gian. Việc hoãn và không phải thi đấu vào tháng 7 này giúp VĐV yên tâm hơn là rất nhiều, không quá lo lắng. Tuy nhiên, việc đi tập huấn vào tháng 5 tại Nhật Bản của đội sẽ bị ảnh hưởng, có thể rời 1 đến 2 tháng sau” - ông Sang nói.
Còn đối với cá nhân VĐV Lê Thanh Tùng, khi được hỏi về sự lo lắng khi phải hoãn Olympic anh khẳng định, đây là thông tin vui đối với mình.
“Thực tế chúng tôi đã bị cấm trại và phải luyện tập trung khép kín trong thời gian qua. Tuy nhiên, đội lại có sự giúp đỡ của chuyên gia Hàn Quốc nên không gặp trở ngại nào cả. Khi nghe tin hoàng tôi còn cảm thấy vui. Ở nội dung tôi đạt chuẩn, độ khó đã thay đổi rất nhiều và tôi cần thời gian để hoàn thiện, rèn luyện. Hiện tại có thêm thời gian để luyện tập và tôi sẽ cố gắng dồn hết tâm huyết để có được màn thể hiện tốt nhất vào năm sau” - Thanh Tùng chia sẻ.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần