Kỳ vọng quy hoạch nội đô
Bà Ngô Minh Ngọc, nhà C2 tập thể Kim Liên (phường Kim Liên, quận Đống Đa) chia sẻ, các khu nhà chung cư cũ Kim Liên được xây cách đây 50 - 60 năm hiện đã xuống cấp nặng, tình trạng thấm dột, nứt vỡ cùng với việc cõng thêm các chuồng cọp khiến những tòa nhà ngày càng xập xệ, nguy hiểm. "Qua báo đài được biết thông tin 4 quận lõi của Hà Nội sắp được duyệt quy hoạch, chúng tôi rất vui. Như vậy, việc cải tạo, xây dựng mới các khu chung cư cũ chắc cũng sẽ được đẩy nhanh hơn để người dân sớm được cải thiện điều kiện sống" - bà Ngô Minh Ngọc bày tỏ.Trong khi đó, bà Đoàn Thị Mỹ, tổ 15, phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng cho hay, nhiều năm nay, khu dân cư tiếp giáp Nhà máy Dệt kim Đông Xuân phải hứng khói, bụi bay ra từ xưởng dệt, nhuộm. Người dân mong muốn TP sớm quy hoạch đưa hết các cơ sở ô nhiễm ra khỏi nội đô, nhất là những khu vực dân cư đông đúc để môi trường bớt ô nhiễm, ngột ngạt.Nhằm cụ thể hóa Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng phê duyệt vào năm 2011, một lượng lớn đồ án quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch ngành… được TP Hà Nội phê duyệt tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư xây dựng, phát triển, tạo bộ mặt đô thị hiện đại, văn minh. Tuy nhiên, một điểm nghẽn trong công tác quy hoạch của TP trong suốt 10 năm qua là chưa thể phê duyệt được các quy hoạch phân khu tại 4 quận nội đô lịch sử. Điều này đồng nghĩa với những tồn tại, bất cập gây nhiều bức xúc xã hội chậm được giải quyết.Với quyết tâm tạo cơ sở phát huy tiềm năng, thế mạnh để phát triển kinh tế, đô thị, đem lại sinh kế, nâng cao chất lượng sống cho người dân. Đồng thời cũng nhằm hiện thực hóa một trong những mục tiêu của Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII của Đảng bộ TP Hà Nội, đến năm 2025 tỷ lệ diện tích phủ kín của các quy hoạch chung, quy hoạch phân khu là 100%, Thường trực Thành ủy Hà Nội đã thống nhất về chủ trương để UBND TP phê duyệt cả 6 đồ án quy hoạch phân khu nội đô lịch sử bao phủ 4 quận: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng trong thời gian sắp tới đây.Theo đánh giá của Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, TS Đào Ngọc Nghiêm, khi 6 quy hoạch phân khu nội đô lịch sử đi vào cuộc sống sẽ giúp Hà Nội giải quyết được những thách thức lớn đang phải đối mặt như giãn dân nội đô, ách tắc giao thông, thiếu không gian xanh, mất cân đối trong phát triển hạ tầng, đời sống của người dân sẽ được cải thiện đang kể… Đồng thời, đây cũng là các bản quy hoạch mang dấu ấn để đảm bảo sự hài hòa giữa bảo tồn những giá trị văn hiến và phát triển mới, hiện đại, theo đúng định hướng của quy hoạch chung. Đột phá quy hoạch sông HồngCùng với việc xem xét phê duyệt quy hoạch tại 4 quận lõi, bản quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng có ý nghĩa quan trọng trong việc định hướng phát triển TP ven sông cũng đang được người dân Thủ đô hết sức mong chờ. Với tổng chiều dài khoảng gần 120km chảy qua nhiều quận, huyện, của Thủ đô, từ bao đời nay, sông Hồng có vai trò quan trọng và gắn liền với sự phát triển kinh tế - xã hội của Hà Nội. Tuy nhiên, lâu nay khu vực ngoài bãi sông Hồng chưa có quy hoạch nên nguồn lực đất đai, cũng như việc khai thác, thúc đẩy các dự án phát triển hai bên bờ sông vẫn chưa được đánh thức. Bên cạnh đó còn rất nhiều hệ lụy, từ môi trường sinh thái, quản lý đất đai, cuộc sống người dân...Chủ tịch UBND phường Lĩnh Nam (quận Hoàng Mai) Nguyễn Đình Công cho biết, trên địa bàn phường có khoảng 350ha đất ngoài bãi sông Hồng, với trên 11.000 dân thuộc 8 tổ dân phố đang sinh sống (chiếm gần 2/3 diện tích và gần 1/3 dân số toàn phường). Nếu quy hoạch phân khu sông Hồng được phê duyệt sẽ là cơ hội lớn để địa phương đầu tư xây dựng, phát triển kinh tế, xã hội. Cùng với đó, đời sống người dân được ổn định khi nhu cầu về xây dựng nhà cửa được cấp phép.Hiện dự thảo đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng đang được Hà Nội lấy ý kiến các đơn vị liên quan để hoàn thiện, tiến tới dự kiến phê duyệt, ban hành vào giữa năm nay. Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cho biết, đồ án lần này được các chuyên gia hàng đầu về quy hoạch mà Thành ủy Hà Nội tham vấn nhận định là tốt nhất từ trước đến nay. Sau khi quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng được phê duyệt, vùng đất ven sông trải dài 40km, từ cầu Hồng Hà (huyện Đan Phượng) đến cầu Mễ Sở (Thường Tín, bao phủ diện tích 11.000ha thuộc địa giới 13 quận, huyện (55 phường, xã) sẽ là cơ sở để chính quyền địa phương triển khai các quy hoạch chi tiết, dự án cụ thể và là cơ sở để cấp phép xây dựng giúp cho người dân ổn định cuộc sống. Đặc biệt, đây sẽ là cơ hội đột phá để Hà Nội xây dựng, phát triển TP hướng mặt vào sông chứ không quay lưng ra sông như hiện tại.Theo Phó Giám đốc Sở QH - KT Hà Nội Nguyễn Trọng Kỳ Anh, để có được những kết quả rõ nét trên, công tác quy hoạch, xây dựng thời gian qua đã được lãnh đạo TP Hà Nội chỉ đạo quyết liệt. Khi 6 quy hoạch phân khu nội đô lịch sử và quy hoạch phân khu sông Hồng được phê duyệt, TP sẽ hoàn thành 34/35 đồ án quy hoạch phân khu, cụ thể hóa quy hoạch chung xây dựng Thủ đô. Lãnh đạo Sở QH – KT Hà Nội cũng cho rằng, trên cơ sở những quy hoạch được duyệt, xu hướng tái thiết và phát triển đô thị tại Hà Nội sẽ tiếp tục phát triển mạnh trong thời gian tới. Mục tiêu đến năm 2025, phát triển nhanh và bền vững Thủ đô theo hướng đô thị xanh, TP thông minh, hiện đại, có sức cạnh tranh cao trong nước và khu vực sẽ sớm thành hiện thực.
Thời gian tới, TP sẽ xây dựng Quy hoạch phát triển TP Hà Nội giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (theo Luật Quy hoạch năm 2017). Đồng thời rà soát, báo cáo Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội, Quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 để Hà Nội sớm trở thành đô thị hoạt động hiệu quả, bền vững, có tính cạnh tranh cao so với trong nước và khu vực.Phó Giám đốc Sở QH – KT Hà Nội Nguyễn Trọng Kỳ Anh |