Hoàn thiện chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Ngày 23/12, tại Ninh Bình, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội thảo góp ý kiến hoàn thiện chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia và kế hoạch hành động đến năm 2020, tầm nhìn 2030.

Lãnh đạo các vụ trực thuộc 4 Bộ Tài nguyên và Môi trường; Giao thông Vận tải, Thông tin Truyền thông, Giáo dục Đào tạo và đại diện của 20 tỉnh, thành phía Bắc tham dự.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Bùi Cách Tuyến cho biết, những năm qua, công tác bảo vệ môi trường ở Việt Nam đã đạt được một số thành quả quan trọng. Tuy nhiên tại một số khu vực, ô nhiễm môi trường sinh thái vẫn đang là vấn đề thời sự cần được quan tâm, giải quyết. Vì vậy, xây dựng chiến lược quốc gia về bảo vệ môi trường là hết sức cần thiết để thực hiện có hiệu quả các mục tiêu đề ra.

Theo Thứ trưởng, dự thảo chiến lược mới được xây dựng trên cơ sở phân tích, đánh giá và phát huy những kết quả đạt được trong việc triển khai 5 nội dung nhiệm vụ cơ bản, 8 giải pháp thực hiện và 36 chương trình, dự án ưu tiên cũng như khắc phục những tồn tại, hạn chế của bản chiến lược cũ, hướng đến kiềm chế xu hướng gia tăng ô nhiễm, suy thoái tài nguyên và đa dạng sinh học; cải thiện một bước chất lượng môi trường; xây dựng năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, vì mục tiêu phát triển bền vững đất nước.

Các đại biểu cơ bản thống nhất với nội dung của dự thảo, bổ sung làm rõ 6 quan điểm, những mục tiêu cụ thể và các giải pháp chủ yếu trong chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn 2030.

Nhiều ý kiến đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường cần cụ thể các mục tiêu sát với tình hình thực tế; đưa thêm một số nội dung mới như đào tạo nguồn nhân lực, vai trò quản lý Nhà nước trong lĩnh vực môi trường; quy định rõ trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân vào nội dung chiến lược.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Việt Anh, Phó Viện trưởng Viện Khoa học và Kỹ thuật môi trường cho rằng, mục tiêu đề ra là năm 2020 có 70% lượng nước thải, 90% chất thải rắn sinh hoạt, 100% rác thải y tế được thu gom, xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật về môi trường, dựa trên thực tế sẽ rất khó thực hiện. Trong khi đó, tỷ lệ độ che phủ rừng chỉ phấn đấu đạt 45% là thấp, vì hiện nay nhiều tỉnh đã đạt được 47%, cần tính toán hợp lý dựa trên cơ sở khoa học.

Thứ trưởng Bùi Cách Tuyến ghi nhận và tiếp thu những đóng góp của đại diện các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương, Bộ sẽ khẩn trương chỉnh sửa, hoàn thiện dự thảo trình Chính phủ xét duyệt trong thời gian tới./.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần