Hoàn thiện pháp luật về đăng ký tài sản

Phương Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đăng ký tài sản (ĐKTS) – một trong những điểm mới của Bộ luật Dân sự 2015 được người dân quan tâm. Tuy nhiên, cần rà soát các quy định pháp luật và hoàn thiện thêm khuôn khổ thể chế về ĐKTS.

 Rà soát, hoàn thiện quy định pháp luật, không xảy ra tình trạng “một thửa đất có nhiều loại tài sản đăng ký ở các cơ quan khác nhau”. Ảnh: Thái San
Theo Phó Cục trưởng Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm Nguyễn Chi Lan, qua rà soát, có 74 văn bản luật, nghị định, thông tư về ĐKTS trong các lĩnh vực đất đai, nhà ở kinh doanh bất động sản; lâm nghiệp; hàng không, hàng hải, phương tiện giao thông; sở hữu trí tuệ; chứng khoán. Trong đó, đề nghị sửa đổi, bổ sung 4 văn bản nhằm đảm bảo sự phù hợp với tiêu chí rà soát cũng như quy định của Hiến pháp 2013 và Bộ luật Dân sự 2015 về tài sản và quyền sở hữu.
“Công tác xây dựng pháp luật về ĐKTS bước đầu đạt được những kết quả trong việc công nhận và bảo hộ quyền sở hữu tài sản của tổ chức, cá nhân. Tuy nhiên, các quy định về ĐKTS còn phân tán trong nhiều luật và văn bản hướng dẫn thi hành” – bà Lan chia sẻ.
Cũng theo bà Nguyễn Chi Lan, trong lĩnh vực bất động sản, pháp luật hiện hành chưa thống nhất đối với hoạt động đăng ký của tài sản này. Thông tin về bất động sản không quy về một mối mà phân tán tại nhiều đơn vị. Cụ thể, cơ sở dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản quốc gia do Bộ Xây dựng chịu trách nhiệm xây dựng, lưu trữ và quản lý; cơ sở dữ liệu về đất đai thuộc sự quản lý của Bộ TN&MT; cơ sở dữ liệu về đất lâm nghiệp thuộc các khu rừng đặc dụng do Bộ NN&PTNT quản lý…

Theo quy định tại Điều 105 Bộ luật Dân sự, tài sản được hiểu bao gồm vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản. Tài sản bao gồm bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai. Như vậy, phạm vi tài sản được hiểu khá rộng, có tính khái quát cao và có nhiều loại tài sản hiện đang thuộc đối tượng điều chỉnh của các văn bản pháp luật chuyên ngành như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Chứng khoán, Luật Hàng không, Bộ luật Hàng hải, Luật Sở hữu trí tuệ…

Các chuyên gia pháp lý cho rằng, hiện nay, hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về ĐKTS đã ổn định, được xây dựng và quản lý bởi các bộ, ngành khác nhau nên giải pháp trước mắt là chưa xây dựng Luật ĐKTS mà tiến hành sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật về ĐKTS trong một số lĩnh vực dựa trên kết quả rà soát. Đồng thời, đề xuất trách nhiệm cụ thể của các bộ, ngành trong quá trình nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật liên quan đến ĐKTS thuộc lĩnh vực quản lý; làm rõ định hướng hoàn thiện hệ thống pháp luật về ĐKTS.

Trong khi đó, theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc, loại tài sản quan trọng cần quan tâm hoàn thiện là bất động sản phải gom lại một đầu mối, đảm bảo thuận tiện cho quản lý Nhà nước, cho người dân khi thực hiện giao dịch, không xảy ra tình trạng “một thửa đất lại có nhiều loại tài sản đăng ký ở các cơ quan khác nhau”. Do đó, phải tiếp tục rà soát, đề xuất giải pháp hoàn thiện pháp luật về ĐKTS và lấy ý kiến của các bộ, ngành.