Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hoàn thiện thể chế để thị trường bất động sản phát triển

Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiện nay, cả nước ước tính đã và đang thực hiện trên 5.000 dự án với tổng vốn đầu tư hơn 4,5 triệu tỷ đồng, tăng gấp 3 lần so với năm 2009.

Trong 5 năm trở lạ đây, vốn FDI đổ vào bất động sản (BĐS) chiếm khoảng 17,63 tỷ USD, luôn đứng thứ 2 trong tổng nguồn vốn FDI đăng ký đầu tư vào Việt Nam. Trong 10 năm qua, thị trường bất động sản đã phát triển nhanh cả về quy mô, số lượng, loại hình. Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục trong thời gian tới.
Đây là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh tại Hội thảo “Phát triển thị trường BĐS, nhà ở minh bạch, bền vững thúc đẩy quá trình đô thị hoá và phát triển đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” do Ban Kinh tế Trung ương chủ trì tổ chức tại TP Hồ Chí Minh, hôm nay (27/11).
Thị trường còn nhiều bất cập
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển cho biết, quá trình đô thị hóa và phát triển đô thị là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Những chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước ban hành thời gian qua đã góp phần quan trọng tạo nên những thành tựu đô thị hóa và phát triển đô thị, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Không gian đô thị được mở rộng, tốc độ tăng trưởng và số lượng đô thị tăng nhanh, tỷ lệ đô thị hoá tăng từ 30,5% năm 2010 lên 39,3% năm 2020 tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế. Đô thị hoá đã góp phần đa dạng hoá các loại hình kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đặc biệt, kinh tế đô thị là một trong ba “trụ cột” tăng trưởng kinh tế quốc dân, đóng góp gần 70% GDP của cả nước.
Toàn cảnh Hội thảo (Ảnh: Việt Dũng)
Từ việc đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa và phát triển đô thị, đã đặt ra những yêu cầu cao về phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, đặc biệt là thị trường BĐS, công nghiệp và nhà ở cho cư dân đô thị. Trong đó, thị trường BĐS có vai trò quan trọng trong việc thu hút các nguồn lực, tạo ra các tài sản cố định cho nền kinh tế, đáp ứng nhu cầu về chỗ ở của Nhân dân, thúc đẩy các ngành kinh tế phát triển.
“Tuy nhiên, trong quá trình phát triển thị trường BĐS cũng xuất hiện nhiều bất cập, như: phát triển vẫn chưa thực sự bền vững, còn tiểm ẩn nguy cơ mất ổn định; việc phát triển BĐS có lúc, có nơi chưa theo quy hoạch, không có kế hoạch, chưa căn cứ vào nhu cầu của thị trường và nguồn lực thực hiện. Năng lực các chủ thể của thị trường BĐS còn nhiều hạn chế, hoạt động thiếu chuyên nghiệp, đầu tư còn theo phong trào. Đặc biệt, còn tình trạng lệch pha cung - cầu, thị trường dư thừa nhà ở cao cấp, thiếu nhà ở bình dân và nhà ở xã hội” – ông Nguyễn Đức Hiển nhìn nhận.
Đẩy mạnh hoàn thiện cơ chế
Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh, ước tính cả nước đã và đang triển khai thực hiện khoảng trên 5.000 dự án, với tổng vốn đầu tư hơn 4,5 triệu tỷ đồng, tăng gần gấp 3 lần so với năm 2009. Dư nợ tín dụng trong hoạt động kinh doanh BĐS, số liệu thống kê của Ngân hàng nhà nước cho thấy, bình quân dư nợ tín dụng trong 5 năm gần đây khoảng trên 7%, trong ngưỡng an toàn theo thông lệ quốc tế.
Về đầu tư vốn FDI vào BĐS trong 5 năm gần đây đạt khoảng 17,63 tỷ USD, luôn đứng thứ 2 trong tổng nguồn vốn FDI đăng ký đầu tư vào Việt Nam. Tính đến đầu năm 2020, cả nước có khoảng 100.000 doanh nghiệp xây dựng và 15.000 doanh nghiệp kinh doanh BĐS, tăng 2,3 lần so với năm 2010. Ngoài ra, còn có hơn 1.000 sàn giao dịch BĐS đã được thành lập.
Thị trường BĐS xảy ra tình trạng mất cân đối, thiếu nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở giá thấp (Ảnh: Doãn Thành).
Tuy nhiên, qua quá trình phát triển thị trường đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế đặc biệt là hệ thống pháp luật liên quan đến lĩnh vực BĐS tồn tại những mâu thuẫn, chồng chéo, chưa đồng bộ; Cơ cấu sản phẩm tại một số địa phương, khu vực còn chưa phù hợp. Nguồn cung nhà ở trung, cao cấp dư thừa nhưng lại thiếu nguồn cung nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá thấp. Giá nhà ở tại khu vực đô thị còn cao so với mặt bằng thu nhập chung của người dân cũng như tốc độ phát triển của nền kinh tế. Chưa có quy định cụ thể đối với các loại hình đặc thù như bất động sản du lịch - nghỉ dưỡng - lưu trú (condotel, office, resort villa), bất động sản hạ tầng, bất động sản công nghiệp...
 “Cần nghiên cứu sửa đổi Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và các pháp luật khác để bảo đảm đồng bộ từ khâu quy hoạch, đất đai, thuế, cơ chế tài chính, đầu tư xây dựng đến kinh doanh, quản lý vận hành các loại BĐS. Đồng thời cần tập trung đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, nhà ở thương mại quy mô vừa và nhỏ, giá thấp để giải quyết chỗ ở cho người có thu nhập thấp và điều chỉnh cơ cấu BĐS nhà ở. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo hình thức liên thông, cắt giảm thủ tục để thị trường ổn định, lành mạnh, công khai, minh bạch” – Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh cho hay.