Hoàn thiện thể chế phát triển tập đoàn kinh tế

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các tập đoàn kinh tế đã cơ bản thực hiện được vai trò là lực lượng quan trọng của nền kinh tế, góp phần điều tiết, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, việc hoàn thiện thể chế sẽ phát huy hơn nữa vai trò nòng cốt của tập đoàn kinh tế Nhà nước.

 Toàn cảnh hội thảo khoa học.

Đó là các ý kiến được đưa ra tại Hội thảo “Xây dựng và hoàn thiện thể chế phát triển tập đoàn kinh tế Nhà nước (KTNN) trong bối cảnh hội nhập quốc tế” do Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) phối hợp với Hội đồng khoa học các cơ quan Đảng Trung ương tổ chức ngày 15/11, tại Hà Nội.
Vai trò nòng cốt

Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học đã đưa ra giải pháp để nâng cao hiệu quả hoạt động tập đoàn Nhà nước. Theo PGS, TS Vũ Văn Hà - Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, mặc dù quá trình cổ phần hóa được đẩy mạnh, cùng với sự phát triển của khu vực tư nhân, DNNN vẫn là thành phần chính trong các ngành lĩnh vực, then chốt như tài chính, hạ tầng, chế tạo, năng lượng, khai khoáng. Thậm chí, ngày càng nhiều DNNN xuất hiện trong danh mục các công ty có quy mô nhất, nhà đầu tư lớn nhất trên thị trường vốn...

Trong khu vực DNNN, các tập đoàn KTNN có vai trò quan trọng, đặc biệt là trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam hiện nay. Việc hình thành các tập đoàn KTNN giúp Nhà nước tập trung, kiểm soát các nguồn lực, cho phép phát huy lợi thế của kinh tế quy mô, khai thác ưu thế về thương hiệu, hoạt động đầu tư, thương mại, hệ thống dịch vụ đầu vào, đầu ra, nâng cao khả năng cạnh tranh và tối đa hóa lợi nhuận trong tập đoàn...

Thực tiễn triển khai thí điểm cũng như bước đầu điều hành các tập đoàn kinh tế cho thấy có những kết quả nổi bật. Các tập đoàn kinh tế trong thời gian qua đã cơ bản thực hiện được vai trò là lực lượng quan trọng của nền kinh tế, góp phần điều tiết, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, trong quá trình vận hành vẫn còn xảy ra tình trạng các tập đoàn kinh tế hoạt động kém hiệu quả, để xảy ra tiêu cực, tham nhũng lãng phí, làm thất thoát tài sản Nhà nước, hoạt động đầu tư bên ngoài lĩnh vực chính còn dàn trải, hiệu quả chưa cao. Bên cạnh đó, năng lực quản lý và khả năng tài chính còn hạn chế, thiếu kiểm soát chặt chẽ, làm phân tán nguồn lực, ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng vốn của doanh nghiệp; chưa thực sự phát huy được vai trò nòng cốt trong nền kinh tế cũng như chưa làm tốt vai trò dẫn dắt, thúc đẩy các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế khác phát triển, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của đất nước…
 Phó Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc PVN Nguyễn Vũ Trường Sơn chia sẻ tại hội thảo.
Thể chế hoá chủ trương

Từ thực tiễn hoạt động của PVN, Phó Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc PVN Nguyễn Vũ Trường Sơn cho biết, để nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN nói chung, nhất là của các tập đoàn KTNN thì một trong những vấn đề then chốt cần giải quyết đó là hoàn thiện thể chế phát triển các tập đoàn này. Trong đó, một vấn đề cần đặc biệt quan tâm là việc thể chế hóa các chủ trương, nghị quyết của Đảng trong quản lý, điều hành của Nhà nước đối với các tập đoàn kinh tế chủ lực của đất nước.

Đồng quan điểm này, PGS.TS Phạm Tiến Đạt - Viện phó Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính) kiến nghị, cần nhanh chóng hoàn thiện bộ máy triển khai mô hình Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp vừa được thành lập. Đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh vốn nhà nước cần đảm bảo theo thông lệ của thị trường và tuân thủ theo các quy định của pháp luật trong kinh doanh (nhận vốn của Nhà nước để kinh doanh tìm kiếm lợi nhuận, gia tăng giá trị vốn của Nhà nước và chịu trách nhiệm đối với phần nhiệm vụ được giao, đồng thời tăng tính chủ động trong các quyết định đầu tư).

Cần phải xem xét rõ nguyên tắc đầu tư và hoạt động kinh doanh đối với vốn Nhà nước là phải “bảo toàn và phát triển vốn” trong bối cảnh nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa hiểu như thế nào cho đúng, phù hợp. Cơ chế quản lý tài chính của Nhà nước cần được hoàn thiện lại để phù hợp với mô hình quản lý mới. Phải tiếp tục thống nhất quan điểm “quản lý vốn Nhà nước” thay cho quan điểm “quản lý tài sản Nhà nước” như trước đây...
Việc quản lý DNNN phải đảm bảo 2 mục tiêu: tạo lợi nhuận, phát triển vốn và làm đúng chính sách của nhà nước. Đồng thời tăng cường tính công khai, minh bạch, DNNN phải đăng ký trên thị trường chứng khoán mới đo được tính minh bạch và hiệu quả. Các nước như Trung Quốc yêu cầu DNNN đăng ký trên thị trường chứng khoán trong nước và thị trường chứng khoán thế giới.

Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển