Hoàn thiện thêm một bước tư duy lý luận của Đảng

GS. TS Phùng Hữu Phú - Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận T.Ư
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong quá trình chuẩn bị cho Đại hội, bài viết "Chuẩn bị và tiến hành thật tốt Đại hội XIII của Đảng, đưa đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới" của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng có ý nghĩa rất quan trọng.

Bài viết không chỉ thể hiện một cách khái quát và rất sâu sắc những định hướng lớn, mà đã đề cập đến nhiều vấn đề mới, có tính chất mấu chốt, những tư tưởng chỉ đạo về chiến lược phát triển của đất nước trong vòng 25 năm tới.

Đúc kết từ quá trình đổi mới đất nước

Chỉ rõ những bài học kinh nghiệm, xác định mục tiêu phát triển, dự báo những điều kiện và khả năng của đất nước trong xu hướng phát triển chung của thế giới. Đây là những nội dung đã được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đề cập và nhấn mạnh trong bài viết.

Đại hội XIII của Đảng không chỉ vạch ra phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ 5 năm sắp tới mà là sự khởi đầu cho một quá trình chuẩn bị hai sự kiện rất trọng đại - 100 năm thành lập Đảng (1930 - 2030) và 100 năm thành lập nước (1945 - 2045). Trong bài viết, đồng thời với mục tiêu tổng quát, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đưa ra mục tiêu cụ thể với ba mốc.
 Cán bộ học tập tại lớp cán bộ nguồn Thành phố tại trường đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong. Ảnh: Công  Hùng
Mốc đầu tiên đến năm 2025, Việt Nam sẽ có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Theo cách tính mới nhất của Ngân hàng Thế giới, ngày 1/7/2020, thu nhập trung bình thấp là dưới mức 4.045 USD/người/năm. Quy mô nền kinh tế Việt Nam năm 2020 ước đạt 300 tỷ USD, bình quân đầu người khoảng 3.000 USD.
Chúng ta tính toán đến năm 2025, thu nhập bình quân đầu người Việt Nam có thể đạt được 4.000 USD hoặc cao hơn. Như vậy mục tiêu vượt qua nước thu nhập trung bình thấp trong 5 năm tới là khả thi, trong tầm tay. Mốc tiếp theo đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, Việt Nam là nước đang phát triển, cơ bản có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Mốc thứ ba, tầm nhìn 2045, Việt Nam trở thành nước phát triển, có thu nhập cao.

Ba mục tiêu cụ thể nêu trên được xác định trên cơ sở tính toán khoa học, căn cứ vào điều kiện thực tiễn và dự báo tình hình trong nước, thế giới trong 5 năm, 10 năm, 25 năm sắp tới. Đây là định hướng rất quan trọng, vừa thể hiện sự phân tích, dự báo những điều kiện và khả năng của đất nước nhưng đồng thời cũng nắm bắt xu hướng phát triển chung của thế giới. Mục tiêu, định hướng này cần được quán triệt, thiết kế phù hợp với từng địa phương, từng ngành, từng giai đoạn, từng năm để đạt được hiệu quả cao nhất.

Trong bài viết của mình, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước yêu cầu trong quá trình thực hiện mục tiêu, phải nhận thức đúng và giải quyết có hiệu quả 10 mối quan hệ lớn. Bởi trong thực tiễn xây dựng, phát triển đất nước, bao giờ cũng xuất hiện khách quan các mối quan hệ lớn giữa nhiều lĩnh vực, nhiều mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Những mối quan hệ này chi phối toàn bộ quá trình đổi mới, phát triển đất nước.

10 mối quan hệ này là sự sáng tạo, độc đáo trong tư duy lý luận của Đảng ta mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước là một trong những người đã phát hiện, đề xuất. Trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), Đảng ta đã khái quát 8 mối quan hệ lớn; đến Đại hội XII trên cơ sở tổng kết thực tiễn và nghiên cứu lý luận, Đảng hoàn thiện và bổ sung thêm thành 9 mối quan hệ lớn. Lần này, trên cơ sở tổng kết 30 năm thực hiện Cương lĩnh, nhất là 10 năm thực hiện Cương lĩnh bổ sung, phát triển 2011 và tổng kết 10 năm thực hiện Chiến lược kinh tế xã hội 2011 - 2020, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước tiếp tục phát triển, hoàn thiện thêm một bước.

Phân tích cụ thể hơn vấn đề này có thể thấy, trước đây, chúng ta nhấn mạnh mối quan hệ giữa “tăng trưởng kinh tế, phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội”, lần này bổ sung một thành tố thứ tư là “bảo vệ môi trường”; quan hệ “Nhà nước - thị trường” được bổ sung thành quan hệ “Nhà nước - thị trường - xã hội”.
Trong bài viết, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đề xuất quan hệ mới thứ 10: “Giữa thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội”. Mối quan hệ này rất quan trọng, bởi dân chủ là một xu thế của thời đại và là tiêu chí đánh giá trình độ phát triển của một quốc gia. Càng đi vào xã hội hiện đại thì càng phải yêu cầu mở rộng hơn, thực hành tốt hơn dân chủ. Dân chủ bao giờ cũng phải đi liền với kỷ cương phép nước; dân chủ được thực hành trong một Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, phải đảm bảo kỷ cương trên cơ sở thực hành dân chủ, trên cơ sở tăng cường pháp chế.

Bài học hàng đầu về xây dựng, chỉnh đốn Đảng

Một điểm đặc biệt, trong bài viết, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh 5 bài học kinh nghiệm đã được Đảng ta tổng kết, trong đó bài học kinh nghiệm thứ nhất, đặt lên hàng đầu là: “Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng phải được triển khai toàn diện, đồng bộ, thường xuyên cả về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ. Kiên định, vững vàng trên nền tảng tư tưởng của Đảng đi đôi với xây dựng tổ chức bộ máy của Đảng và cả hệ thống chính trị thực sự tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”. Vấn đề xây dựng, chỉnh đốn Đảng lâu nay Đảng ta luôn xác định là "then chốt", có liên quan đến sự sống còn của Đảng, vận mệnh của chế độ, sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước. Yêu cầu chú trọng xây dựng và làm trong sạch đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín… là điểm “then chốt” nhất trong công tác xây dựng Đảng.
Dự thảo Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng nhiệm kỳ Đại hội XII của BCH T.Ư trình Đại hội XIII của Đảng cũng nêu rõ: Công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức được tiến hành toàn diện, đồng bộ, góp phần tăng cường sự thống nhất trong Đảng, đồng thuận trong xã hội. Nhiều vấn đề khó, phức tạp, nhạy cảm đã được triển khai thực hiện từ những năm trước, nhưng kết quả hạn chế thì nhiệm kỳ này đạt nhiều kết quả cụ thể, thiết thực, có tính đột phá. Việc Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đặt bài học về xây dựng, chỉnh đốn Đảng lên đầu tiên là bắt nguồn từ nguyên lý cơ bản này.

Trong khi công cuộc đổi mới, xây dựng CNXH là công cuộc hoàn toàn mới mẻ, đầy khó khăn, thách thức, nhất là trong bối cảnh quốc tế biến đổi rất nhanh chóng, nhiều đột biến, cho nên người cán bộ, đặc biệt là cán bộ đứng đầu phải có tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, phải quyết tâm đổi mới, có năng lực đổi mới. Do đó, khâu then chốt nhất là lựa chọn đội ngũ cán bộ lãnh đạo thật sự có tâm, có tầm, có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, năng động, sáng tạo, không thoái hóa, biến chất, hết lòng phấn đấu phụng sự Tổ quốc, phụng sự Nhân dân.
Đặc biệt trong nhiệm kỳ này, thực tiễn giúp chúng ta thấm thía hơn việc chú trọng bài học về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nhất là bài học về công tác cán bộ. Đồng thời, phải thấm nhuần và thực hiện tốt nguyên lý dân là gốc, dân là chủ. Thực tiễn đã chứng minh, trong những lúc khó khăn, nếu không có sự đồng lòng của dân, không có sự vào cuộc mạnh mẽ của dân thì làm sao chúng ta giành được thắng lợi. Cùng với đó, trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện phải rất quyết liệt, quyết tâm chính trị rất cao. Vừa chỉ đạo triển khai rộng về mọi mặt, nhưng tìm đúng trọng tâm, khâu then chốt để tập trung chỉ đạo giải quyết thực hiện.

Những bài học kinh nghiệm nêu trong bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước là sự đúc kết rất sâu sắc, không phải chỉ từ 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng mà là sự đúc kết cả một quá trình 35 năm đổi mới đất nước. Những bài học đó là cơ sở rất quan trọng để Đảng ta tiếp tục vận dụng, phát huy trong lãnh đạo, chỉ đạo sự nghiệp cách mạng trong thời gian tới, đưa đất nước vững vàng, tự tin vượt qua mọi thử thách, khó khăn để phát triển lên tầm cao mới.