Hoàn thuế khó lắm ai ơi!

Nha Trang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại Hội nghị đối thoại về chính sách và thủ tục hành chính thuế, hải quan năm 2019 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Bộ Tài chính tổ chức ngày 26/11, hàng loạt khó khăn, vướng mắc về thủ tục thuế và hải quan đã được DN nêu ra.

 Làm thủ tục hoàn thuế tại Cục Thuế Hà Nội. Ảnh: Thanh Hải

Doanh nghiệp sốt sắng, quy định vẫn… chờ
Mở đầu buổi đối thoại, đại diện Công ty CP Thiết bị y tế Vinahancook nêu ra một số vướng mắc trong hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT). Theo vị này, hơn 20 năm hoạt động, Công ty chưa bao giờ có vi phạm về thuế như chậm nộp hay gian lận thuế. Tuy nhiên, từ năm 2016, Thông tư 130 ra đời, Công ty ông lại gặp khó trong việc hoàn thuế. Theo quy định, loại hình DN như Vinahancook có thuế VAT đầu vào là 5% hoặc 10%, trong đó đa số được áp dụng mức thuế 10%. Mặt hàng Công ty sản xuất là thiết bị y tế nên đầu ra của hàng hóa này có VAT 5%. Do DN có thuế VAT đầu vào cao hơn đầu ra nên thuộc diện được hoàn thuế. Tuy nhiên, từ năm 2015 đến nay, DN không được hoàn thuế nữa và bị đọng khoảng 12,5 tỷ đồng, trong khi vốn điều lệ của DN chỉ ở 55 tỷ đồng. “Vinahancook không phải là trường hợp duy nhất phát sinh vướng mắc về việc hoàn thuế. Vì vậy, chúng tôi mong Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế sớm có ý kiến giải quyết cho DN” - ông này nhấn mạnh.
Về định hướng sửa đổi Nghị định 20/2017/NĐ-CP, Bộ Tài chính sẽ báo cáo Chính phủ có sửa đổi bổ sung, trong đó có cả quy định rõ hơn về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng cũng như quy định cụ thể về áp dụng tỷ lệ khống chế lãi vay thuần sau khi trừ đi doanh thu và tiền gửi, tiền vay. Đồng thời, Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu tỷ lệ khống chế lãi vay cho phù hợp, cân nhắc con số 25 - 30% để phù hợp hơn với thực tiễn Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà
Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế - Bộ Tài chính Nguyễn Quốc Hưng thừa nhận, đây không chỉ là vướng mắc của riêng Vinahancoook mà là vướng mắc của nhiều DN. Nguyên nhân là do những vướng mắc từ luật. Quá trình rà soát, Bộ Tài chính cũng đã nghiên cứu và đưa các đối tượng có thuế suất đầu vào cao hơn đầu ra, bổ sung vào đối tượng được hoàn thuế, tuy nhiên vẫn phải chờ các quy định.
Cũng liên quan đến các vướng mắc trong việc hướng dẫn khai thuế, đại diện Công ty Dịch vụ Vận tải Hòa Bình nêu khó khăn, DN này đầu tư một lô xe bus mua của một đơn vị trong nước. Trước khi mua, DN đã hỏi Cục Thuế Hòa Bình về kê khai thuế và nhận được hướng dẫn là sản phẩm không thuộc đối tượng phải chịu thuế GTGT. Quá trình hoạt động khó khăn nên Công ty phải bán lỗ xe. Về việc này, Công ty đã hỏi cơ quan thuế về hướng dẫn xuất hóa đơn, khai thuế nhưng nhận được 2 câu trả lời khác nhau với mức thuế khác nhau trong cùng một quy định, điều này khiến DN bối rối. Ngoài ra, sau đó DN còn nhận được quyết định cưỡng chế thuế hơn 2 tỷ đồng và bị phong tỏa tài sản.
Trả lời vấn đề này, đại diện Bộ Tài chính cho hay, kinh doanh vận tải công cộng không thuộc đối tượng chịu thuế. Sau đó, Công ty bán lại xe do sản xuất, kinh doanh không mong muốn. Quy định hiện hành nêu rõ, vận tải hành khách công cộng thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT, nghĩa là không khấu trừ đầu vào, tuy nhiên, khi mua tài sản, Công ty vẫn phải trả thuế cho người bán, nghĩa là thuế này được tính vào hạch toán giá trị tài sản và được khấu hao dần. Khi Công ty bán tài sản này đi thì đơn vị này phải nộp thuế GTGT để đơn vị mua được khấu trừ thuế GTGT. Về cưỡng chế thuế là do Công ty có nhiều khoản nợ khác nhau theo quy định cưỡng chế thuế.
Ngoài ra, tại hội nghị, nhiều ý kiến của DN cũng thắc mắc về việc sử dụng hóa đơn điện tử, thời gian áp dụng và cách thức lưu trữ hóa đơn điện tử; thủ tục xuất hóa đơn, chính sách ưu đãi thuế TNDN…
Nhiều phản ánh có hướng xử lý
Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng cho biết, đây là hội nghị đối thoại lần thứ 14 được VCCI và Bộ Tài chính tổ chức. Nhiều phản ánh đã được lắng nghe, trao đổi và có hướng xử lý, giải quyết mang lại sự an tâm cho DN.
Thời gian qua, Bộ Tài chính đã triển khai nhiều giải pháp nhằm cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh cho DN và các nhà đầu tư. Bộ đã trình Chính phủ để trình Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Quản lý thuế mới, trong đó có nhiều nội dung về cải cách thủ tục hành chính cả về thuế cũng như hải quan. Bộ cũng trình Chính phủ ban hành Nghị định 119 quy định về hóa đơn điện tử. Bộ Tài chính cũng ban hành Thông tư 68 (ngày 30/9/2019) hướng dẫn chi tiết về hóa đơn điện tử; đó là cơ sở quan trọng để cải cách trong việc sử dụng, quản lý hóa đơn, chứng từ.
Trong lĩnh vực hải quan, Bộ Tài chính đã ban hành mới và sửa đổi 7 Thông tư; tham mưu ban hành Nghị định quy định thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa quốc gia và kiểm tra chuyên ngành làm cơ sở pháp lý quan trọng trong đột phá về cải cách hiện đại hóa hải quan.
Cơ quan thuế, hải quan đã tiếp tục triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý thuế, quản lý hải quan. Theo đó, 99,87% DN kê khai thuế điện tử; 99,53% DN nộp thuế điện tử, 93,61% DN hoàn thuế điện tử; có 133/304 dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, 4. Hệ thống hải quan điện tử (VNACCS/VCIS) đã được triển khai ở 100% các đơn vị thuộc Tổng cục Hải quan.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho biết, thời gian tới, Bộ sẽ kịp thời ban hành, sửa đổi các Thông tư, văn bản hướng dẫn các quy định của Luật Quản lý thuế, Luật Hải quan; tiếp tục thực hiện cải cách thủ tục hành chính, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh chính đáng của DN. Bộ Tài chính cũng mong muốn DN Việt Nam chủ động tận dụng tốt các cơ hội để đổi mới, nâng cao sức cạnh tranh và phát triển.