Hoàng cung Việt Nam từ mộc bản triều Nguyễn

Linh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhiều tài liệu, hình ảnh về cấu trúc cung điện, lăng tẩm; nơi vua ngự và nơi ở của các phi tần… tại Hoàng thành Thăng Long được khám phá trong mộc bản triều Nguyễn đang phần nào làm sáng tỏ cuộc sống hoàng gia thời phong kiến Việt Nam. Đây được xem là tư liệu quý góp phần phục dựng không gian kiến trúc Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội.

 Điện Long Thiên, cuối thế kỷ XIX

Ghi chép tỉ mỉ về các vua chúa
Mộc bản triều Nguyễn được coi là bộ chính sử quan trọng của Việt Nam thời phong kiến, đã được UNESCO công nhận là di sản tư liệu thế giới. Rất nhiều vấn đề xã hội, lịch sử từ khởi thủy đến triều Nguyễn được ghi chép trong 34.618 bản khắc mộc của tác phẩm chính văn, chính sử này. Người ta đã tìm thấy rất nhiều tư liệu quý về di sản Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội từ thời đắp thành Đại La (năm 767) đến khi vua Gia Long đổi tên thành Thành Long (1805) và đặc biệt là vua Minh Mạng đặt tên cho Hà Nội (1831), đã được ghi chép, in khắc trong mộc bản. Theo Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội Trần Việt Anh, đây là tư liệu quý để phục dựng không gian kiến trúc và các quyết sách trong giai đoạn ngự triều của các vua, chúa thời phong kiến Việt.

Ở giai đoạn tiền Thăng Long là dấu ấn xây đắp La Thành. Với kết quả khảo cổ tại Hoàng thành Thăng Long những năm gần đây, PGS.TS Tống Trung Tín cũng khẳng định dấu tích của cừ nước và giếng nước Đại La ở các tầng phát lộ. Bước sang giai đoạn Lý - Trần, sự kiện nổi bật trong giai đoạn này là vào tháng 7, mùa Thu, vua Lý Công Uẩn cho dời kinh đô từ Hoa Lư đến thành Đại La và đổi tên thành thành Thăng Long năm 1010. Trong mộc bản ghi rõ dấu tích của việc xây dựng các cung điện như: Điện Kiền Nguyên, dùng làm chỗ coi chầu, hai bên tả, hữu làm điện Tập Hiền và điện Giảng Vũ, đều có thềm rồng. Đằng sau điện Kiền Nguyên có điện Long An và điện Long Thuỵ, làm chỗ nhà vua nghỉ ngơi. Cùng với tài liệu mộc bản là những hình ảnh về mặt bằng, di tích kiến trúc triều Lý được khai quật tại khu trung tâm hoàng thành Thăng Long; điểm nổi bật trong giai đoạn này là kiến trúc bát giác. Trong mộc bản triều Nguyễn cũng ghi chép rất rõ quá trình sửa chữa, thay đổi không gian cấu trúc của Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội giai đoạn thời Lê Mạc, và các triều đại thời Nguyễn.
 Bản dập mộc bản “Chiếu dời đô” của vua Lý Công Uẩn, năm 1010.

Tiến gần giấc mơ phục dựng điện Kính Thiên

Vấn đề lớn nhất của di sản Hoàng thành Thăng Long đó là khôi phục các kiến trúc cung điện thời phong kiến, đặc biệt là phục dựng điện Kính Thiên (tiền thân là điện Kiền Nguyên thời Lý; điện Kính Thiên, điện Cần Chánh thời Lê - Mạc; trở lại thành điện Kính Thiên thời Nguyễn). Sau khi thực dân Pháp xâm lược, kiến trúc cung điện gần như bị phá bỏ, nhường lại là các công trình xây mới. Bức tranh về kiến trúc và cuộc sống hoàng cung chưa thể phục dựng do thiếu tư liệu ghi chép và khảo cổ. Hà Nội đã xây dựng đề án nghiên cứu phục dựng điện Kính Thiên, nhưng đến đầu năm 2018, trong cuộc báo cáo tổng kết kết quả khai quật khảo cổ học tại Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội, GS Phan Huy Lê vẫn khẳng định chúng ta mới có cơ sở để phục dựng được không gian, chứ khó lòng phục dựng được điện Kính Thiên. Việc mở rộng nghiên cứu các tư liệu ghi chép kết hợp với khảo cổ học đang là hướng đi giúp di sản Hoàng thành thăng Long - Hà Nội tiến gần đến giấc mơ phục dựng điện Kính Thiên.

Sáng 23/11, Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội và Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước (Bộ Nội vụ) sẽ diễn ra. Sự hợp tác này nhằm làm dày thêm những tư liệu nghiên cứu về Hoàng thành Thăng Long. Cuộc hợp tác bắt đầu bằng triển lãm “Hoàng thành Thăng Long qua mộc bản triều Nguyễn - di sản tư liệu thế giới”. Triển lãm chọn lựa và giới thiệu bộ sưu tập mộc bản triều Nguyễn bao gồm các phiên bản mộc bản chứa đựng những tư liệu giá trị về kinh thành Thăng Long qua các thời kỳ. Nhằm một lần nữa khẳng định giá trị của di sản Hoàng thành Thăng Long trên các khía cạnh về nghệ thuật kiến trúc, kỹ thuật xây dựng, quy hoạch đô thị và là trung tâm quyền lực kế tiếp nhau của Việt Nam trong hơn 1.000 năm lịch sử. Sau triển lãm sẽ là các chương trình xuất bản các ấn phẩm để công bố, giới thiệu các di sản tư liệu thế giới của Việt Nam; các tài liệu lưu trữ, hiện vật tiêu biểu của Thủ đô Hà Nội nói chung, khu di sản văn hóa thế giới Hoàng thành Thăng Long và khu di tích Quốc gia đặc biệt Cổ Loa nói riêng.