Hoàng Mai: Kiến nghị có quy định sỹ số học sinh trên lớp phù hợp từng khu vực

Linh Chi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Từ thực tế khó khăn trên địa bàn trong công tác đầu tư xây dựng trường học đạt chuẩn Quốc gia, UBND quận Hoàng Mai kiến nghị Thành phố có hướng dẫn tháo gỡ về quy định trường chuẩn đối với những trường thành lập mới, có quy định về số lớp/trường và số hoc sinh/lớp phù hợp riêng cho từng khu vực vùng miền, tiếp tục tổ chức tuyển dụng giáo viên, giao chỉ tiêu biên chế giáo viên theo năm học...

Tiếp tục chương trình giám sát việc xây dựng, công nhận trường đạt chuẩn Quốc gia (QG) và cải tạo, xây mới trường mầm non, trường phổ thông công lập trên địa bàn TP Hà Nội, chiều nay (11/6), đoàn giám sát của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP đã tiến hành giám sát tại quận Hoàng Mai. Cùng tham gia đoàn có Ủy viên Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến - thành viên Ban Văn hóa-Xã hội HĐND TP.

Trong đó, đoàn đã đến khảo sát thực tế tại Trường Tiểu học Thịnh Liệt và làm việc tại UBND quận.

 Đoàn công tác tiến hành khảo sát khu vực bếp ăn bán trú tại Trường Tiểu học Thịnh Liệt

Theo lãnh đạo UBND quận Hoàng Mai, toàn quận hiện có 35/54 trường công lập đạt chuẩn QG mức độ 1 (64,8%), trong đó cấp mầm non (MN) đạt 71,4%, tiểu học (TH) 50% và trung học cơ sở (THCS) 73,3%. Đến nay có 17 trường đạt chuẩn QG đến thời hạn cần công nhận lại, trong đó 8 trường MN, 6 trường TH, 3 trường THCS. Năm nay, quận xây dựng kế hoạch công nhận mới tăng thêm 3 trường chuẩn QG là MN Đại Kim, MN Tân Mai, TH Mai Động; nếu được TP công nhận thì đến cuối năm nay quận sẽ đạt 70,4% trường công lập đạt chuẩn QG, vượt 0,4% so với chỉ tiêu Nghị quyết 05 ngày 5/4/2012 của HĐND TP và đảm bảo chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ quận nhiệm kỳ 2015-2020. Tuy vậy, khó khăn của quận trong công tác này là sĩ số học sinh (HS) tại một số trường công lập vượt quá nhiều so với quy định, trong đó sĩ số trung bình tại cấp MN là 40 HS/lớp, TH 51 HS/lớp, dẫn đến không đảm bảo số m2/HS. Đồng thời, nhân sự giáo viên của các trường còn thiếu so với tiêu chuẩn, công tác xây dựng bổ sung trường mới không kịp với tốc độ tăng dân số và nhu cầu học tập của Nhân dân trên địa bàn, một số trường có diện tích không đủ đáp ứng điều kiện công nhận trường chuẩn QG do không thể mở rộng, một số trường có nhiều điểm lẻ nên việc xây dựng cải tạo mất nhiều thời gian…

Bên cạnh đó, về việc cải tạo, xây mới trường học công lập trên địa bàn, từ năm 2012 đến nay tại quận triển khai 59 dự án cải tạo và 21 dự án xây mới trường học, với kinh phí thực hiện 4.400 tỷ đồng. Giai đoạn 2020-2025, quận có nhu cầu cải tạo 14 trường và xây mới 29 trường, với kinh phí cần bố trí trên 2.800 tỷ đồng. Song, quận gặp vướng mắc do trên địa bàn có nhiều ô quy hoạch nhưng tại những phường có mật độ dân số cao, phát triển nhanh (Đại Kim, Định Công, Tân Mai, Hoàng Liệt…) thì có ít hoặc không còn đất quy hoạch xây trường; quy mô tại một số trường ngoài công lập thì nhỏ nên hạn chế về khả năng đáp ứng nhu cầu học tập để giảm tải cho các trường công lập. Ngoài ra, với những dự án trường học do UBND quận làm chủ đầu tư trên ô đất mới, UBND quận đã đề nghị Sở QH-KT tăng mật độ và tầng cao nhưng quá trình chấp thuận còn chậm.

 Một tiết học ngoại khóa trong Phòng Thư viện của các em học sinh Trường Tiểu học Thịnh Liệt

Do đó, cùng với những giải pháp chủ động của địa phương, UBND quận cũng kiến nghị TP có hướng dẫn tháo gỡ về quy định trường chuẩn QG đối với những trường thành lập mới, có quy định về số lớp/trường và số HS/lớp phù hợp riêng cho từng khu vực vùng miền, tiếp tục tổ chức tuyển dụng giáo viên và giao chỉ tiêu biên chế giáo viên theo năm học. Cùng đó, quận đề nghị TP chấp thuận điều chỉnh quy hoạch về mật độ và tầng cao đối với những ô xây dựng trường học mới tại các khu đô thị có mật độ dân số lớn, với những ô quy hoạch trường học ở các khu đô thị đã giao chủ đầu tư thì TP cần có biện pháp chỉ đạo chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ xây dựng trường học cũng như kiên quyết thu hồi các dự án chậm triển khai theo Luật Đất đai năm 2013.

Qua khảo sát thực tế và lắng nghe các ý kiến tại buổi làm việc, Ủy viên Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến đánh giá, gần đây quận Hoàng Mai đã đầu tư thỏa đáng cho hạ tầng giáo dục. Tuy nhiên, quận còn gặp nhiều khó khăn trong xây dựng công nhận các trường để đạt chuẩn QG, nên quận cần chủ động đề xuất danh mục thu hồi các dự án, địa điểm đất chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai một cách cụ thể. Đồng thời, cần yêu cầu chủ đầu tư các trường ngoài công lập thực hiện đúng cam kết từ khi đầu tư.

Trưởng Ban Văn hóa-Xã hội HĐND TP Nguyễn Thanh Bình - Trưởng đoàn giám sát ghi nhận, quận Hoàng Mai đã rất quan tâm công tác đầu tư xây dựng trường học, triển khai các chủ trương kế hoạch một cách bài bản, đạt kết quả rõ nét. Trong đó chất lượng dạy và học của quận luôn đứng đầu TP, công tác quản lý giáo dục đạt chất lượng tốt, chủ động rà soát kiến nghị để khai thác các quỹ đất dành cho xây dựng trường công lập, chú trọng xã hội hóa xây dựng trường…

 Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thanh Bình phát biểu kết luận tại UBND quận Hoàng Mai

Đồng cảm với những khó khăn, áp lực của địa phương trong công tác đầu tư xây dựng trường học do dân số tăng nhanh, Trưởng đoàn giám sát cũng cho rằng Hoàng Mai mới đứng thứ 24/30 quận, huyện, thị xã về tỷ lệ trường đạt chuẩn QG, nên cần lưu tâm để có những giải pháp thỏa đáng. Với 17 trường đã quá hạn công nhận lại trường chuẩn QG, quận cần tích cực rà soát để giải quyết dứt điểm, cố gắng không nợ tiêu chí. Đặc biệt, để hoàn thành các chỉ tiêu về xây dựng trường chuẩn QG nhiệm kỳ 2020-2025, quận nên có kế hoạch cụ thể chi tiết hóa đến từng trường để tập trung đầu tư, cập nhật những văn bản quy định mới của T.Ư và TP để thực hiện. Trưởng đoàn cũng lưu ý, quận cần chú trọng rà soát những địa điểm cần di dời theo quy hoạch, những dự án chậm triển khai vi phạm Luật Đất đai và tiếp tục kiên trì đề xuất TP thu hồi các dự án, địa điểm cụ thể trên địa bàn, để lấy đất xây trường học. Với các sở ngành liên quan, cần tổng hợp vướng mắc của các quận huyện để kiến nghị các cơ quan T.Ư theo hướng tạo cơ chế chung trong xây dựng đầu tư trường chuẩn QG cho các địa phương.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần