SLNA- TP.HCM: Khi “bản chính” gặp “bản sao”

Đông Hùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Trong trận đấu trên sân Vinh, Ngô Hoàng Thịnh một cựu cầu thủ của SLNA sẽ có dịp gặp lại tiền vệ trung tâm Bùi Đình Châu, một “bản sao” của mình. Khán giả thành Vinh sẽ được chứng kiến màn so tài của 2 cầu thủ có lối chơi giàu năng lượng bậc nhất V.League hiện nay.

Nếu như mùa giải năm ngoái, SLNA có đủ tiền để “trói chân” Hoàng Thịnh thì có lẽ Bùi Đình Châu sẽ không có nhiều cơ hội ra sân trong màu áo SLNA mùa giải này. Sinh năm 1996, cùng cùng lứa với Phan Văn Đức, Phạm Xuân Mạnh nhưng sự nghiệp "quần đùi, áo số" của Bùi Đình Châu khá lận đận.

Lận đận

14 tuổi, Bùi Đình Châu được chọn vào đội hình chính U15 SLNA tham dự VCK U15 QG mùa 2011. Ba năm sau tại VCK U17 QG 2012, BTC đã trao giải thưởng Cầu thủ xuất sắc nhất giải cho Bùi Đình Châu (SLNA) - cầu thủ lúc đó vừa tròn 16 tuổi trong sự ngỡ ngàng của nhiều người. 

Nhưng thi đấu ở vị trí tiền vệ trung tâm, đòi hỏi nhiều kinh nghiệm nên cầu thủ chỉ cao 1,68m, nặng 66kg đã phải bôn ba khắp các đội Phú Yên, Phù Đổng để chờ cơ hội có thể về Vinh khoác áo SLNA. Mãi đến 24 tuổi mới được khoác áo đội 1 SLNA được coi là sự khởi đầu khá muộn, đòi hỏi Đình Châu phải nhanh chóng nắm lấy cơ hội kẻo “sóng sau sẽ đè sóng trước”.

 Hoàng Thịnh luôn thi đấu như một chiến binh. Ảnh VPF

Trong khi đó, dù chỉ hơn nhau 4 tuổi nhưng sự nghiệp của Hoàng Thịnh thuận lợi hơn nhiều. Nếu như đàn em Đình Châu mới năm đầu đá V.League thì tiền vệ của TP.HCM đã có 10 năm chính chiến với 164 trận ra sân trong màu áo của 3 đội bóng khác nhau, cách biệt khá xa với “gia tài” 4 trận của Châu.

Tại TP.HCM có khá nhiều cầu thủ có thể chơi vị trí tiền vệ trung tâm như Văn Thuận, Anh Tuấn, Seo Yong- Duk, Thanh Bình nhưng tiền vệ xứ Nghệ này vẫn được ông  Chung Hae- Seong sử dụng nhiều nhất. Năm ngoái Hoàng Thịnh đá 21/26 trận và mùa giải năm nay anh đã ra sân 5 vòng đấu, đang là trụ cột của hàng tiền vệ cùng với cầu thủ người Hàn quốc.

Điểm chung của cả Hoàng Thịnh và Đình Châu là có lối đá giàu năng lượng, sẵn sàng va chạm để chiếm lợi thế trong các pha va chạm. Cả hai đều tính toán thời điểm va chạm để tạo lợi thế không cho đối phương có cơ hội vượt qua mình. Lối đá này khiến không ít cầu thủ tấn công của đối phương e ngại khi đối đầu.

 Ai sẽ thắng? Ảnh An Thanh

Nhưng nó đòi hỏi nền tảng thể lực thật tốt, tâm lý thi đấu vững vàng trước mọi đối thủ kể cả ngoại binh. Điều dễ thấy là nó khác hẳn lối đá hào hoa, nặng về kỹ thuật như Tuấn Anh (HAGL). Chính lối đá này nên cả Hoàng Thịnh và Đình Châu đều rất dễ chấn thương và thẻ phạt. Vì lẽ đó, Hoàng Thịnh cũng đã bỏ lỡ khá nhiều lần lên đội tuyển quốc gia.

Cơ hội trưởng thành

So với đàn em Đình Châu thì Hoàng Thịnh ngoài kinh nghiệm thì khả năng tranh chấp bóng bổng và sút xa tốt hơn. Bù lại, sau các cú xoạc, Đình Châu sớm vùng dậy tiếp tục tranh cướp bóng hơn đàn anh Hoàng Thịnh. Trong đội hình SLNA thì Đình Châu có thiên hướng thu hồi phóng, tham gia phòng ngự hơn Văn Lắm.

Cuộc đụng độ Hoàng Thịnh- Đình Châu là thuốc thử cho khả năng “chịu nhiệt” của tiền vệ này. Bước vào đời cuộc đời cầu thủ chuyên nghiệp khá muộn, không có cách nào khác Đình Châu phải nhanh chóng rút ra kinh nghiệm khi đối diện với các đàn anh. Chắc chắn, ngoài đời họ là anh em nhưng khi vào sân thì một cuộc đấu trí không khoan nhượng sẽ xẩy ra.

SLNA có truyền thống “trẻ chưa già nhưng măng đã mọc”. Đây là cuộc đụng độ giữa những người anh em nhưng sẽ có ảnh hưởng lớn đến thứ hạng SLNA và TP.HCM. Đã nhiều cầu thủ gốc SLNA đều không có tâm lý tốt khi trở lại sân Vinh, đối đầu với chủ nhà, theo bạn “bản chính” hay “bản sao” sẽ thi đấu tốt hơn?