Hoạt động chỉ đạo, điều hành nổi bật của UBND TP Hà Nội từ 11 đến 15/11/2019

Công Thọ - Thủy Tiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – UBND TP Hà Nội thông tin về một số hoạt động chỉ đạo - điều hành nổi bật từ ngày 11-15/11/2019.

Tổ chức thi tuyển và xét tuyển kỳ tuyển dụng viên chức các cơ sở giáo dục công lập ngày 17/11/2019 theo đúng kế hoạch
Xét báo cáo của Sở Nội vụ về việc kỳ tuyển dụng viên chức giáo dục thuộc UBND các quận, huyện, thị xã đã được triển khai xong vòng 1 và theo kế hoạch vòng 2 sẽ được tổ chức ngày 17/11/2019, được Bộ Nội vụ chỉ đạo cho tiếp tục thực hiện vòng 2 của kỳ tuyển dụng, đồng thời sẽ bổ sung chỉ tiêu biên chế để triển khai thực hiện tuyển dụng đặc cách theo chỉ đạo của Bộ Nội vụ, Chủ tịch UBND Thành phố đã ký ban hành văn bản số 5130/UBND-NC ngày 15/11/2019 chỉ đạo Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND các quận, huyện, thị xã và đơn vị liên quan tiếp tục tổ chức thi tuyển và xét tuyển kỳ tuyển dụng viên chức các cơ sở giáo dục công lập trực thuộc UBND các quận, huyện, thị xã vào ngày 17/11/2019 theo đúng kế hoạch. Sau đó sẽ tiếp tục thực hiện tuyển dụng đặc cách theo đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Nội, báo cáo UBND Thành phố theo quy định.
 UBND TP Hà Nội giao ban công tác tháng 10/2019. 
Tăng cường ngăn chặn, xử lý các hoạt động lừa đảo trong xã hội trên địa bàn Thành phố
Trước những diễn biến phức tạp về các hình thức lừa đảo kinh doanh đa cấp, chuyển nhượng đất đai, đặc biệt là lừa đảo qua mạng internet, mạng viễn thông gia tăng, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, UBND Thành phố đã có văn bản số 5077/UBND-NC ngày 12/11/2019 chỉ đạo Công an Thành phố chủ trì, phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã và các đơn vị liên quan chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường công tác nắm tình hình, có biện pháp phòng ngừa, kịp thời phát hiện, đấy tranh, chủ động có các giải pháp ngăn chặn triệt để và xử lý nghiêm các hành vi lừa đảo trong xã hội trên địa bàn Thành phố. Phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã nghiên cứu, thiết lập đường dây nóng tại các địa phương để tiếp nhận, xử lý kịp thời các thông tin phản ánh của người dân khi bị các đối tượng lừa đảo. Giao Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Công an Thành phố và Ban Tuyên giáo Thành ủy tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân nâng cao cảnh giác trước các phương thức, thủ đoạn các đối tượng thường sử dụng để lừa đảo.
Tập trung điều hành chi ngân sách chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả
Căn cứ đánh giá sơ bộ của cơ quan Thuế, trên địa bàn Thành phố dự kiến có 11 quận, huyện: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm, Sóc Sơn, Phúc Thọ, Thanh Trì, Quốc Oai, Phú Xuyên gặp khó khăn, có khả năng không hoàn thành dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2019 được giao, ảnh hưởng đến cân đối ngân sách của các quận, huyện và Thành phố. Để đảm bảo hoàn thành các nhiệm vụ tài chính - ngân sách, hoàn thành dự toán thu ngân sách nhà nước được giao, đảm bảo cân đối ngân sách, trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Tài chính, UBND Thành phố ban hành văn bản số 5088/UBND-KT ngày 13/11/2019 yêu cầu Chủ tịch UBND các quận, huyện trên tập trung chỉ đạo một số nội dung sau:
Tăng cường công tác quản lý thu, chống thất thu, công tác thanh tra, kiểm tra thuế, đảm bảo đúng đối tượng, chính sách và pháp luật của nhà nước; tập trung xử lý, thu hồi nợ đọng thuế và nợ tiền sử dụng đất; phấn đấu hoàn thành dự toán thu ngân sách được giao ở mức cao nhất.
Chỉ đạo thực hiện quản lý chi NSNN theo đúng chế độ quy định, trong phạm vi dự toán được giao và trong khả năng thu ngân sách; điều hành chi đầu tư phát triển gắn với tiến độ thu tiền sử dụng đất; xây dựng phương án điều hành chi ngân sách chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả, đảm bảo cân đối ngân sách. Trường hợp thu ngân sách địa phương dự kiến giảm so với dự toán đã được giao, UBND quận, huyện xây dựng phương án điều hành để đảm bảo cân đối ngân sách địa phương, ưu tiên thực hiện các chính sách, chế độ liên quan con người, an sinh xã hội; cụ thể: huy động dự phòng ngân sách địa phương còn lại (nếu có) sau khi đã sử dụng để phòng chống dịch tả lợn Châu Phi (tối đa nguồn lực để xử lý dịch tả lợn Châu Phi và bù hụt thu là 50% dự phòng ngân sách địa phương).
Trường hợp sau khi sử dụng các nguồn tài chính hợp pháp (dự phòng, kết dư ngân sách,...) không đảm bảo bù đắp số giảm thu ngân sách địa phương, phải thực hiện sắp xếp, cắt, giảm, giãn các nhiệm vụ chi đã bố trí dự toán năm 2019 sang năm 2020 và các năm sau; điều chỉnh giảm dự toán chi đầu tư phát triển và chi thường xuyên tương ứng với số dự kiến giảm thu ngân sách địa phương. Trong quá trình điều hành ngân sách, trường hợp xảy ra thiếu hụt tạm thời quỹ ngân sách các cấp, UBND các quận, huyện, thị xã phải kịp thời báo cáo UBND Thành phố để xem xét, xử lý theo quy định.
Từ ngày 28/11-01/12/2019, tổ chức “Những ngày Mátxcơva tại Hà Nội”
Nhằm tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị và hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước Việt Nam, Liên bang Nga nói chung và giữa Thủ đô Hà Nội với Thủ đô Mátxcơva nói riêng; tăng cường hợp tác và trao đổi kinh nghiệm giữa hai thành phố về thúc đẩy hợp tác đầu tư, thương mại, du lịch và một số lĩnh vực chuyên môn về y tế, du lịch, môi trường đô thị, phúc lợi xã hội, bảo tồn di sản... đặc biệt, góp phần làm phong phú các hoạt động kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Liên bang Ngà cũng như năm chéo Việt - Nga 2019, UBND Thành phố đã ban hành Kế hoạch số 237/KH-UBND ngày 13/11/2019 chỉ đạo tổ chức chương trình “Những ngày Mátxcơva tại Hà Nội” từ ngày 28/11-01/12/2019, bao gồm các hoạt động chính sau: tiếp chính thức Đoàn công tác thành phố Mátxcơva và tổ chức Lễ ký kết Chương trình hợp tác giữa 2 thành phố giai đoạn 2020 - 2023; tổ chức các buổi tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm giữa các cơ quan chuyên môn 2 thành phố và tổ chức, doanh nghiệp tại Hà Nội trong các lĩnh vực lao động, việc làm và an sinh xã hội; y tế; môi trường đô thị; xúc tiến, đầu tư, thương mại và du lịch; tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa và thể thao gồm Triển lãm về Nhà thơ vĩ đại Nga Alexander Puskin, Lễ hội văn hóa đường phố, chương trình biểu diễn múa ballet Nga, thi đấu giao hữu bóng đá trẻ, lễ khai mạc “Góc Mátxccơva.
Thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2020
Để chủ động triển khai hiệu quả công tác phòng chống dịch bệnh gia súc gia cầm, UBND Thành phố ban hành Kế hoạch phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2020 như sau: Tổ chức tuyên truyền chuyên sâu, trọng điểm về công tác tiêm phòng vắc xin, tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi, các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm dịch bệnh; Phòng bệnh bắt buộc bằng vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm, tổ chức 2 đợt tiêm phòng đại trà cho đàn vật nuôi, đảm bảo tỷ lệ tiêm phòng đối với các bệnh bắt buộc tiêm phòng phải đạt trên 80% tổng đàn thuộc diện tiêm và đối với đàn chó, mèo phải tiêm phòng đạt trên 90% diện tiêm;
Duy trì đường dây tiếp nhận thông tin (số điện thoại 024.33800115) về tình hình dịch bệnh gia súc gia cầm trên địa bàn Thành phố; củng cố hệ thống giám sát, khai báo và thông tin dịch bệnh gia súc, gia cầm ở mỗi cấp; chủ động lấy mẫu giám sát để dự tính, dự báo sớm dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm; Thực hiện đồng bộ các biện pháp xử lý ổ dịch khi mới phát sinh, không để lây lan ra diện rộng; điều tra nguồn gốc phát sinh đối với các ổ dịch; Tổng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng tại các ổ dịch cũ, các cơ sở chăn nuôi, giết mổ, sơ chế, chế biến, vận chuyển, kinh doanh động vật và sản phẩm động vật trên địa bàn;
Xây dựng lộ trình đóng cửa hoạt động các hộ, điểm giết mổ nhỏ lẻ, không đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường; Tăng cường kiểm tra vệ sinh thú y đối với động vật, sản phẩm động vật. Xây dựng kế hoạch và từng bước triển khai thí điểm xây dựng một số xã chăn nuôi trọng điểm thành cơ sở an toàn dịch bệnh; Thành lập các đoàn thanh, kiểm tra tiến hành thanh tra, kiểm tra công tác đôn đốc phòng, chống dịch bệnh, kiểm dịch, kiểm soát giết mổ; kiểm soát vận chuyển kinh doanh gia súc, gia cầm lưu thông trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Tuyệt đối không để tái phát dịch bệnh Dịch tả lợn Châu Phi
Theo báo cáo của Sở NN&PTNT đến 17h00 ngày 10/11/2019, từ tháng 10/2019 đến nay, tình hình bệnh Dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn Thành phố có chiều hướng giảm dần với số lượng lợn phải tiêu hủy bình quân/ngày trong tháng 10 là 356 con và từ ngày 01-10/11 là 180 con/ngày. Tuy nhiên toàn Thành phố còn 174 xã, phường, thị trấn chiếm 39% tổng số xã, phường, thị trấn có dịch chưa qua 30 ngày, trong đó có 99 xã, phường, thị trấn dịch đã qua 30 ngày tiếp tục phát sinh.
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả phòng chống dịch, tại văn bản số 10925/VP-KT ngày 14/11/2019, UBND Thành phố chỉ đạo UBND các quận, huyện, thị xã, Sở NN&PTNT và các đơn vị tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi đảm bảo hiệu quả, bền vững, tuyệt đối không để tái phát dịch, đặc biệt tại các hộ, thôn, xã, phường, thị trấn dịch đã qua 30 ngày; nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Trung ương và Thành phố về công tác tái đàn sau dịch. Sở NN&PTNT phối hợp với Sở Tài chính và các đơn vị tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, hướng dẫn công cụ hỗ trợ lợn bị tiêu hủy do bệnh Dịch đảm bảo đúng quy định pháp luật.
Cùng hành động để kết thúc dịch AIDS
Là chủ đề Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2019 của Việt Nam. UBND Thành phố ban hành Kế hoạch số 239/KH-UBND ngày 13/11/2019 chỉ đạo tổ chức Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2019 thành phố Hà Nội với các hoạt động chính như sau: tổ chức các chương trình, hội thảo, hoạt động truyền thông, vận động chú trọng hướng tới các biện pháp dự phòng lây nhiễm HIV; lợi ích của tư vấn xét nghiệm sớm HIV và xét nghiệm định kỳ với nhóm có hành vi nguy cơ cao; điều trị bằng thuốc ARV; dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con; bảo hiểm y tế cho người nhiễm HIV/AIDS; đảm bảo tài chính cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS; truyền thông trực tiếp, truyền thông đại chúng; phát triển và phổ biến các phương tiện và tài liệu truyền thông.
 Về việc triển khai các hoạt động phòng chống HIV/AIDS, tổ chức giới thiệu, quảng bá rộng rãi về lợi ích của việc tiếp cận sớm các dịch vụ xét nghiệm HIV nhất là xét nghiệm HIV tại cộng đồng; dự phòng, dịch vụ dự phòng trước phơi nhiễm PrEP; chăm sóc, điều trị HIV/AIDS và giới thiệu chi tiết các cơ sở cung cấp các dịch vụ dự phòng, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS sẵn có tại địa phương, đơn vị; tổ chức mở rộng việc cung cấp các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS; các hoạt động truyền thông vận động chống kỳ thị phân biệt đối xử đối với người nhiễm HIV nhất là với trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV; tổ chức vận động các doanh nghiệp tham gia các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS cho người lao động, nhận người lao động là người nhiễm HIV, người sau cai, người đang được điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế; kiện toàn, củng cố hệ thống chuyển tiếp, chuyển tuyến, đặc biệt là các dịch vụ cung cấp phương tiện dự phòng lây nhiễm HIV như bao cao su, bơm kim tiêm sạch cho mọi người dân có nhu cầu tại cộng đồng....

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần