Hoạt động của HĐND các cấp: Những quyết sách góp phần thay đổi diện mạo Thủ đô

Hà Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết 15/2008/QH12 của Quốc hội về điều chỉnh địa giới hành chính TP Hà Nội và một số tỉnh liên quan, đã khẳng định tính đúng đắn, giá trị lịch sử, ý nghĩa thực tiễn lâu dài của chủ trương này. Thành công chung đó có sự vào cuộc quyết liệt, chủ động của HĐND các cấp với vai trò sắp xếp, hoàn thiện bộ máy tổ chức xuyên suốt, hợp nhất chính sách và ban hành cơ chế từng thời điểm.

 Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn tại buổi giám sát tại huyện Hoài Đức ngày 10/5. Ảnh: Thùy Linh

Hoàn thiện nhiều nghị quyết quan trọng

Theo lãnh đạo HĐND TP Hà Nội, ngay sau khi Nghị quyết 15 có hiệu lực, TP đã sắp xếp tổ chức lại bộ máy, hệ thống chính quyền các cấp ổn định, đảm bảo đi vào hoạt động sau hợp nhất. Ngay sau khi mở rộng địa giới, TP đã rà soát 1.482 văn bản của các tỉnh, TP, ban hành 203 văn bản trên tất cả các lĩnh vực để phục vụ công tác quản lý, điều hành của Hà Nội trong tình hình mới, địa bàn mới.

Với trách nhiệm rà soát, ban hành các nghị quyết nhằm hợp nhất các cơ chế, chính sách, HĐND TP cũng đã ban hành nhiều nghị quyết thường kỳ và chuyên đề theo đúng quy định của pháp luật để hợp nhất các cơ chế, chính sách thuộc tất cả các lĩnh vực và giám sát việc thực hiện để vừa đảm bảo sự ổn định song cũng phải đảm bảo thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô. Chỉ riêng trong lĩnh vực kinh tế ngân sách, HĐND TP đã ban hành 107 nghị quyết, trong đó có 12 nghị quyết về quy hoạch, 35 nghị quyết về cơ chế… tạo ra sự đột phá trong xây dựng và phát triển TP. Lĩnh vực văn hóa - xã hội ban hành 40 nghị quyết; lĩnh vực quy hoạch, quản lý đô thị, quản lý đất đai ban hành 22 nghị quyết. Đồng thời thực hiện giám sát việc thực hiện để đảm bảo sự ổn định và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Qua giám sát, khảo sát, UBND TP đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành khẩn trương, nghiêm túc triển khai thực hiện nghị quyết và đã đạt kết quả khá tích cực. Chỉ tính riêng lĩnh vực quản lý đô thị, đất đai, toàn TP đã tổ chức huy động được gần 400 tỷ đồng xã hội hóa trong việc xây dựng các công viên, vườn hoa, khu vui chơi giải trí, bảo tồn, tôn tạo di tích lịch sử văn hóa. Đồng thời khởi công xây dựng 2 công trình công viên, hồ điều hòa mới và 1 dự án công viên văn hóa du lịch vui chơi giải trí quy mô lớn trên địa bàn TP.

Trong phát triển kinh tế - xã hội, Hà Nội vẫn giữa được vị trí đầu tàu. Nhiều công trình, dự án kinh tế, xã hội quy mô lớn, hiện đại được hoàn thành. Hệ thống quy hoạch của Thủ đô đã cơ bản được hoàn thiện. Hà Nội dẫn đầu cả nước về số xã đạt chuẩn nông thôn mới, đến hết năm 2017 đã có 4 huyện được công nhận nông thôn mới, 194/386 xã (76,2%) đạt chuẩn xã nông thôn mới...

Thúc đẩy thực thi chính sách

Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Gia Lâm Nguyễn Huy Việt nêu ý kiến, qua 10 năm thực hiện Nghị quyết 15 có thể thấy rõ, HĐND đã thể hiện vai trò quan trọng trong phân bổ ngân sách, bố trí nguồn lực cho các huyện khó khăn. Riêng việc HĐND quyết định đầu tư 10.000 tỷ đồng cho các huyện trong 5 năm là chủ trương quan trọng trong xây dựng nông thôn mới. Vai trò của HĐND đã có sự thay đổi cả trong tổ chức các kỳ họp, giám sát và HĐND thực sự khẳng định vai trò là cơ quan quyền lực ở địa phương.

Thực tế, trong giai đoạn 10 năm qua, hoạt động của HĐND TP Hà Nội cũng thực sự nổi bật. Theo đó, số đại biểu hoạt động chuyên trách của HĐND các cấp TP được tăng lên, bước sang nhiệm kỳ 2016 - 2021, đã tăng lên 17,5%. Các kỳ họp của HĐND TP đã có nhiều cải tiến, đổi mới, theo hướng đi vào thực chất, phát huy dân chủ, trí tuệ của đại biểu để quyết định những vấn đề quan trọng của Thủ đô. Đáng lưu ý, hoạt động giám sát của HĐND TP có sự chuyển biến tích cực. Bên cạnh giám sát của Thường trực, các ban HĐND TP, còn có cả sự giám sát của các tổ đại biểu HĐND TP, kết hợp giám sát chung với giám sát chuyên đề. Việc thực hiện tốt nhiệm vụ giám sát, theo đến cùng các vấn đề đã thúc đẩy việc thực thi các chính sách trong 10 năm qua.

Theo Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc, thời gian tới, HĐND TP Hà Nội sẽ tiếp tục tham mưu cho Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy để quyết định những cơ chế, chính sách phát triển Thủ đô thuộc thẩm quyền. Bên cạnh đó, HĐND TP cũng sẽ tăng cường giám sát và việc thực hiện kết luận giám sát đối với các công tác quy hoạch, quản lý đô thị, trật tự xây dựng, đất đai, trật tự văn minh đô thị, trật tự an toàn xã hội, công tác phòng cháy chữa cháy, công tác giải quyết đơn thư, khiếu nại tố cáo của công dân… Đây là nhiệm vụ quan trọng để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND TP Hà Nội, góp sức vào những thành công chung trong phát triển kinh tế xã hội.