Hoạt động tín dụng đen: Thiếu chế tài xử lý đủ mạnh

Hồng Thái
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Như báo Kinh tế & Đô thị đã thông tin, Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) phối hợp với Công an tỉnh Thanh Hóa vừa triệt phá một "tập đoàn tín dụng đen" hoạt động khắp 63 tỉnh, TP trên cả nước, quản lý tổ chức bằng "luật rừng".

Luật sư Nguyễn Đào Tơ -Trưởng Văn phòng Luật sư Hoàng Huy 
Nên chăng cần thiết phải có chế tài mạnh, xử lý hình sự để có sự răn đe, hạn chế được hoạt động tín dụng đen? Báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với luật sư Nguyễn Đào Tơ -Trưởng Văn phòng Luật sư Hoàng Huy để làm rõ vấn đề này.

Còn kẽ hở pháp luật

Theo bà, đâu là nguyên nhân khiến hoạt động tín dụng đen hoành hành trong thời gian qua mà chưa bị xử lý triệt để?

- Tín dụng đen được hiểu là các dạng huy động và cho vay tín dụng không qua hệ thống ngân hàng, không đăng ký kinh doanh, chưa được cấp phép và không chịu sự quản lý chính thức bởi bất cứ cơ quan Nhà nước hữu quan nào. Thời gian qua, những vụ việc liên quan đến tín dụng đen xảy ra khá phổ biến. Có nhiều nguyên nhân đẩy người ta trở thành thủ phạm và nạn nhân của bẫy tín dụng đen nhưng điều quan trọng là do pháp luật vẫn còn những kẽ hở để các đối tượng lợi dụng, lách luật. Trong khi, một số tổ chức, người dân không biết được hình thức cho vay này hợp pháp hay không. Ngoài ra, có thể một số tổ chức, người dân thiếu hiểu biết, hoặc cũng có thể họ biết nhưng nhắm mắt làm liều vì cần khoản vay trước mắt.

Để ngăn chặn và loại bỏ hoàn toàn tín dụng đen là một việc làm rất khó khăn. Bởi lẽ, có cầu thì ắt sẽ có cung. Hơn nữa, hoạt động tín dụng đen không chỉ hoạt động tại Việt Nam mà còn hoành hành, len lỏi ở hầu hết các nước trên thế giới, đặc biệt là tại các nước đang phát triển.

Hiện nay, phần lớn các cửa hàng cầm đồ tiến hành cho vay, hỗ trợ tài chính, một hình thức của hoạt động tín dụng đen. Liệu các cửa hàng này có vi phạm pháp luật không, thưa bà?

- Việc cho vay vốn (tín dụng) là một bên cung cấp nguồn tài chính (bên cho vay) cho đối tượng khác (bên đi vay), trong đó bên đi vay sẽ hoàn trả tài chính cho bên cho vay trong một thời hạn thỏa thuận và thường có kèm theo lãi suất. Trong khi đó, Luật Các tổ chức tín dụng quy định: Tổ chức tín dụng bao gồm ngân hàng, tổ chức tín dụng phi ngân hàng, tổ chức tài chính vi mô và quỹ tín dụng Nhân dân. Như vậy, cửa hiệu cầm đồ không phải là tổ chức tín dụng nên không có chức năng cho vay, hỗ trợ tài chính. Hành vi cho vay tiền của cửa hàng cầm đồ đã vi phạm pháp luật, có thể bị xử lý hành chính theo Điều 25 Nghị định 155/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch đầu tư. Cụ thể, vi phạm về việc kinh doanh ngành, nghề không có trong Giấy chứng nhận đăng ký DN sẽ bị phạt tiền từ 15 - 20 triệu đồng đối với hành vi kinh doanh ngành, nghề không có trong Giấy chứng nhận đăng ký DN.
 Nhiều hoạt động cho vay siết nợ ngầm được phanh phui trong thời gian qua
Cần giải pháp căn cơ

Thưa bà, vậy giải pháp nào để ngăn chặn, hạn chế hoạt động và phát triển của tín dụng đen?

- Để ngăn ngừa hoạt động tín dụng đen, việc nỗ lực thúc đẩy sự phát triển của thị trường cho vay cũng là một biện pháp hết sức căn cơ cần tính đến. Theo đó, cần tăng cường, đẩy mạnh sự phát triển của tín dụng ngân hàng, tín dụng tài chính, giúp chiếm lại thị phần của tín dụng đen, hạn chế tình trạng cho vay lãi nặng.

Thứ nhất, các cơ quan quản lý, nhất là Ngân hàng Nhà nước cần xây dựng các chính sách vĩ mô hỗ trợ DN, tư nhân có nhu cầu đầu tư tiếp cận được với nguồn vốn tín dụng. Muốn vậy, các nhà hoạch định chính sách cần có lộ trình, giải pháp khuyến khích đa dạng hóa các kênh huy động vốn, hạn chế tình trạng tín dụng đen. Điều hành chính sách lãi suất linh hoạt, kịp thời và ổn định, phù hợp với cơ chế thị trường; hạn chế sử dụng các biện pháp hành chính trong điều hành lãi suất, để đảm bảo lãi suất trong nền kinh tế vận động theo cơ chế thị trường. Cần thực hiện triệt để và kiên trì các giải pháp hỗ trợ lãi suất, tạo điều kiện thuận lợi cho DN, tư nhân có thể tiếp cận được sự hỗ trợ của Chính phủ. Qua đó, phát huy tốt nhất hiệu ứng của gói kích thích này đối với nền kinh tế.

Thứ hai, đối với các tổ chức tín dụng, cần sớm xây dựng chính sách tín dụng riêng phù hợp đối với các DN, nhà đầu tư tư nhân thành lập các bộ phận tín dụng riêng dành cho các DN nhỏ và vừa. Đồng thời, nâng cao hiệu quả kiểm tra, giám sát sử dụng vốn vay của DN sau khi giải ngân; tăng cường quản lý rủi ro, quản lý nợ xấu. Cần hướng dẫn cải cách thủ tục lập hồ sơ tín dụng theo hướng đơn giản hơn, tạo điều kiện cho khách hàng nhanh chóng tiếp cận vốn. Đối với chính sách lãi suất, các tổ chức tín dụng nên phân tích và đánh giá chính xác mức sinh lời để từ đó xác định mức lãi suất cho vay hợp lý, đảm bảo đôi bên cùng phát triển.

Đối với giao dịch cho vay lãi suất cao hơn mức lãi suất quy định của pháp luật thì xử lý như thế nào, thưa bà?

- Để ngăn chặn hoạt động của tín dụng đen cũng cần phải thường xuyên và kịp thời thực hiện các chính sách ưu đãi, chia sẻ khó khăn về lãi suất với các khách hàng gặp khó khăn. Qua đó, hỗ trợ khách hàng phát triển bền vững và gắn bó với ngân hàng; phát huy vai trò của hiệp hội ngân hàng trong việc thực hiện chính sách lãi suất ổn định, đồng nhất, để vừa đảm bảo lợi ích kinh doanh của ngân hàng, vừa tránh những xáo trộn về mặt bằng lãi suất gây ảnh hưởng đến nền kinh tế. Cùng đó, chú trọng xây dựng hệ thống ngân hàng và quỹ tín dụng đến tận nông thôn. Mở rộng đối tượng được hưởng chính sách cho vay không cần bảo đảm tài sản (tín chấp) nhằm thực hiện một số mục tiêu chính sách, xã hội. Tiếp tục duy trì cơ chế lãi suất trong giao dịch dân sự ngoài lĩnh vực ngân hàng.

Ngoài ra, về xử lý hành chính cần bổ sung quy định đối với giao dịch cho vay lãi suất cao hơn mức lãi suất quy định của pháp luật từ 3 lần thì bị phạt tiền và phạt bổ sung, tịch thu sung công toàn bộ tiền lãi thu lợi bất chính. Quy định trên giao thẩm quyền xử lý cho các cơ quan tư pháp áp dụng trong quá trình giải quyết tranh chấp tại các cơ quan công an, tư pháp xã phường hoặc tại Tòa án khi có đơn thư tố cáo, điều tra, hòa giải hoặc giải quyết tranh chấp phát hiện.

Xung quanh “luật rừng” của những kẻ kinh doanh tín dụng đen đã nêu ở trên, cần phải có chế tài mạnh, xử lý hình sự?

- Tín dụng đen đã và đang tồn tại ẩn nấp dưới rất nhiều hình thức. Hiện nay, tình trạng các băng nhóm kinh doanh tín dụng đen, đòi nợ thuê cho các tổ chức tín dụng đen, núp dưới danh nghĩa các công ty, cửa hàng cầm đồ, bảo vệ. Nó làm gia tăng tỷ lệ về các vụ án như cưỡng đoạt tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, bắt cóc, giết người… gây hoang mang dư luận, mất trật tự, an toàn xã hội. Để đòi được nợ, các đối tượng tìm cách siết nợ, sử dụng công nghệ, tìm điểm yếu để ép buộc con nợ thanh toán tiền gốc và lãi. Tuy nhiên, xét về các hệ lụy, đây là tội phạm hết sức nghiêm trọng, gây nguy hại lớn cho xã hội.

Điều 201 Bộ luật Hình sự hiện hành quy định về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự, tuy nhiên vẫn chưa đủ sức răn đe. Vì vậy, trước hết cần sớm phát hiện xử lý, ngăn chặn từ đầu những băng nhóm tín dụng đen, đồng thời, áp dụng biện pháp xử lý hành chính. Chế tài hình sự cần chỉ rõ đối với các trường hợp sau khi đã bị xử phạt vi phạm hành chính sẽ ra sao, việc áp dụng Bộ luật Hình sự như thế nào. Đặc biệt, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao cần có văn bản giải thích cụ thể về vấn đề này.

Xin cảm ơn bà!

Khung hình phạt tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự theo Điều 201 - Bộ luật Hình sự 2015

1. Phạt tiền từ 50.000.000 - 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.

2. Phạm tội thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 - 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 - 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 - 5 năm.