Học Bác để gần dân hơn

Hà Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, đó là chuyên đề năm 2020 được đánh giá rất có ý nghĩa trong thời điểm cả nước đang chuẩn bị tiến hành Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng. Trong đó việc phát huy khối đại đoàn kết toàn dân đang được các cấp, các ngành thực thi bằng nhiều giải theo đúng tinh thần tư tưởng của Bác.

 Hướng dẫn người dân làm hồ sơ tại quận Thanh Xuân. Ảnh: Hải Linh

Muốn hiểu dân phải gần dân

Khi nói về tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết toàn dân, GS.TS Hoàng Chí Bảo (giảng viên cao cấp Học viên Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) đã chỉ rõ, đoàn kết là lẽ sống, đạo lý của Đảng, dân tộc ta trong dựng nước và giữ nước. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, mỗi cán bộ, đảng viên phải coi đoàn kết là một đức tính cơ bản của người cách mạng. Ai không có khả năng tập hợp, đoàn kết quần chúng và các đồng chí của mình thì không thể làm cách mạng, không thể làm cán bộ. Ngoài ra, đoàn kết không chỉ là vấn đề đạo đức, nhận thức khoa học mà còn là giá trị văn hóa vì nó bao hàm cả sự bao dung, độ lượng.
Đoàn kết cần phải chân thành, khiêm tốn, tự tin. Không có gì tốt hơn là sự thành thật. Lời nói từ trái tim đến trái tim là con đường ngắn nhất để người ta xích lại gần nhau. Đó là điểm thiết thực khi nói về đoàn kết trong Đảng, đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế.

GS.TS Hoàng Chí Bảo

Nhiều nghiên cứu cũng đã chỉ rõ, chữ “dân” có số lượng nhiều nhất trong bản từ vựng của Hồ Chí Minh. Người cũng đã chỉ rõ các nguyên tắc đại đoàn kết toàn dân tộc. Đó là phải tin vào dân, dựa vào dân, vì lợi ích của dân để đoàn kết toàn dân, phát động các phong trào thi đua yêu nước; đoàn kết lâu dài, rộng rãi, chặt chẽ, tự giác, có tổ chức, có lãnh đạo; đoàn kết trên cơ sở hiệp thương dân chủ, chân thành, thẳng thắn, thân ái, đoàn kết gắn với đấu tranh, tự phê bình, phê bình và đoàn kết trên cơ sở kế thừa truyền thống yêu nước - nhân nghĩa - đoàn kết của dân tộc. Sinh thời, Bác cũng từng nhắc nhở cán bộ và các cơ quan Đảng và Nhà nước: “Có lực lượng dân chúng, việc to tát mấy, khó khăn mấy cũng làm được. Không có, thì việc gì làm cũng không xong. Dân chúng biết giải quyết nhiều vấn đề một cách đơn giản, mau chóng, đầy đủ, mà những người tài giỏi, những đoàn thể to lớn, nghĩ mãi không ra”.

Thực tiễn trong những năm qua cũng đã chỉ rõ, bài học đại đoàn kết toàn dân tộc chính là sức mạnh to lớn đưa đất nước ta vượt qua nhiều thời điểm khó khăn, gian khổ đến thành công. Ngày nay, bài học đại đoàn kết toàn dân tộc càng mang tính thời sự khi nhiều vấn đề rất cần đến tiếng nói, vai trò giám sát của người dân. Thực hiện lời chỉ dẫn của Bác, Đảng đã có những nghị quyết, quy chế, quy định về việc nâng cao vai trò giám sát, phản biện của Nhân dân đối với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Như PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc (nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng) đã nói, để vận dụng tư tưởng về đại đoàn kết toàn dân, trước hết, cần thực hiện đúng và tốt các quy định của “tin dân, hiểu dân, gần dân”, đồng thời cần nhất quán phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân được thụ hưởng”. Phải tìm hiểu xem người dân đang mong muốn điều gì; cuộc sống của người dân ra sao. Muốn hiểu dân thì phải gần dân, không quan liêu, ngồi bàn giấy dự thảo các chỉ thị, nghị quyết. Cần phải xuống cơ sở, hòa mình với người dân, lắng nghe ý kiến của dân, chống xa dân. Gần dân rồi phải bàn bạc, thảo luận với dân. Bác Hồ đã căn dặn điều này trong tác phẩm "Sửa đổi lối làm việc": Nghị quyết gì mà người dân cho là không đúng, thì phải để họ đề nghị sửa chữa. Phải căn cứ vào đề nghị của người dân rồi mới tính toán các yếu tố khác để có những quyết sách hợp lòng dân, để nghị quyết thực sự đi vào cuộc sống. Đặc biệt, phải gắn với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và những văn bản mới của Đảng, tạo ra một sức mạnh tổng hợp đồng bộ trong thực tế.
 Trao trả hồ sơ tại bộ phận một cửa quận Nam Từ Liêm. Ảnh: Thanh Hải

Vận dụng vào thực tiễn
Trong nhiều năm qua, việc học tập và làm theo gương Bác, hệ thống chính trị các cấp dường như gần dân hơn. Việc xây dựng phong cách làm việc trọng dân, gần dân, vì dân được chú trọng. Các cấp chính quyền với người đứng đầu đã thực hiện quy định tiếp dân một cách thường xuyên, nền nếp. Các cơ quan công quyền đều đã và đang thực hiện cải cách thủ tục hành chính một cửa, thông thoáng, nhanh chóng, thuận lợi hơn cho người dân và được đồng tình. Nhiều lãnh đạo các cấp của Đảng và Nhà nước đã công bố công khai số điện thoại, địa chỉ thư điện tử (email) để Nhân dân trao đổi thông tin khi cần. Cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước đã nở những nụ cười tươi khi Nhân dân đến công sở giải quyết công việc và đã biết xin chào, xin phép, xin cảm ơn và xin lỗi dân…
Tại cuộc đánh giá về công tác dân vận chính quyền vừa qua, một trong những kết quả được chỉ rõ, chúng ta đã cụ thể hóa phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” trên nhiều lĩnh vực để phát huy vai trò, sức sáng tạo của Nhân dân tham gia bàn bạc những công việc của địa phương, của đất nước. Việc tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của người dân được chú trọng, số cuộc khiếu kiện đông người của người dân đã giảm xuống đáng kể, từ đó tạo ra sức mạnh đoàn kết giữa chính quyền và người dân.
Tuy nhiên, thực tiễn, hiện tượng quan liêu, cửa quyền, gây phiền hà, sách nhiễu, vô cảm trước các vấn đề của người dân vẫn còn xảy ra ở nhiều nơi và gây bức xúc trong dư luận xã hội. Thực tế vẫn còn không ít cán bộ, đảng viên ngại gặp gỡ, tiếp xúc, đối thoại với dân; nếu có gặp thì cũng qua loa, đại khái, làm cho chủ trương, chính sách của Ðảng và Nhà nước khó đến được với Nhân dân. Đồng thời những thông tin cũng như tâm tư, nguyện vọng của người dân cũng không đến được với Ðảng và chính quyền. Như nhiều ý kiến đã chỉ rõ, đó là hành vi của những cán bộ, đảng viên xa dân, quan liêu, thiếu trách nhiệm, chưa làm tròn bổn phận là công bộc của dân.
Khi nói về công tác dân vận chính quyền, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ rõ, sự lăn lộn, lắng nghe, chia sẻ, giải quyết thấu tình đạt lý của mình đối với người dân rất quan trọng, là bài học kinh nghiệm của các cấp chính quyền, chứ không phải dùng quyền lực áp đặt. “Người ta bảo nói phải củ cải cũng nghe, có điều chúng ta có nói phải không, giải quyết có đúng mức không”, không được xa dân, không được quan liêu, áp đặt. “Chính quyền các cấp phải hướng về người dân, lo cho dân, phải bám dân, xử lý đúng đắn mối quan hệ máu thịt giữa người dân và cơ quan Nhà nước” - Thủ tướng đã nhấn mạnh. Đồng thời chỉ rõ, “anh phải dám xuống tận khu dân cư để nói chuyện với người dân, xem người dân có vấn đề gì mà cần phải thảo luận, trao đổi để giải quyết thấu tình đạt lý”.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, để tạo ra khối đoàn kết toàn dân, cần hiểu sâu, hiểu đúng về công tác dân vận chính quyền, đó là sự đồng thuận, làm sao để mọi người cùng dốc sức, đồng lòng để thực hiện mục tiêu chung, trước hết là ở mỗi cơ quan đơn vị, mỗi cấp chính quyền. Muốn vậy, người lãnh đạo cũng phải tự mình điều chỉnh phương pháp lãnh đạo cho phù hợp, trước hết lãnh đạo bằng thuyết phục và nêu gương.
Trở lại tư tưởng của Bác, sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng "trong bầu trời không có gì quý bằng Nhân dân". Do vậy sống đấu tranh vì hạnh phúc của Nhân dân là nguyên tắc tối cao của người làm cách mạng. Từ thực tiễn hiện nay, việc học và làm theo Bác hiệu quả đang được triển khai, bắt đầu từ những việc vì lợi ích của Nhân dân rất cụ thể và thiết thực hàng ngày, từ đó sẽ tạo nên một sức mạnh đoàn kết lớn lao.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần