Học giỏi chưa đủ để có việc làm ngay

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ở một số trường đại học (ĐH) top trên, sinh viên (SV) vừa tốt nghiệp đã được DN tuyển dụng với mức thu nhập khá.

Trên 90% sinh viên có việc làm sau 6 tháng tốt nghiệp
Mặc dù chưa đến thời hạn phải báo cáo với Bộ GD&ĐT về tỷ lệ SV tốt nghiệp có việc làm, nhưng nhiều trường ĐH đã chủ động thực hiện. Theo kết quả khảo sát, các cơ sở đào tạo có thương hiệu, SV tìm được việc làm chiếm tỷ lệ cao. Đơn cử, trên 91% SV ĐH Bách khoa Hà Nội có việc làm sau 6 tháng tốt nghiệp với mức lương trung bình 8,2 triệu đồng/tháng. Trong đó, số SV có mức lương từ 10 - 20 triệu đồng/tháng chiếm nhiều nhất. Đặc biệt, khoảng 40 em có lương 60 triệu đồng/tháng. Có mức lương ngàn USD cũng không quá khó đối với nhiều SV tốt nghiệp ĐH Ngoại thương. TS Phạm Thu Hương – Trưởng phòng Quản lý đào tạo của trường cho biết: “Theo kết quả khảo sát của trường mới đây, 96,8% SV tốt nghiệp có việc làm ngay khi ra trường. Mức lương của các em nhận được tương đối cao và đồng đều giữa các ngành. 3,2% còn lại là đi du học ở nước ngoài hoặc học lên cao”.

Sinh viên ngành Kinh tế Quốc tế, Đại học Kinh tế quốc dân trên giảng đường. Ảnh: Phạm Hùng

Từ nhiều năm nay, Học viện Ngân hàng luôn khảo sát việc làm đối với SV tốt nghiệp 6 tháng và 1 năm để điều chỉnh đào tạo gắn với nhu cầu thị trường.  PGS.TS Đỗ Thị Kim Hảo – Phó Giám đốc Học viện Ngân hàng cho hay: "Chúng tôi tự hào khi trên 90% SV tốt nghiệp có việc trong vòng một năm, trong đó 80% làm đúng ngành đào tạo cũng như nguyện vọng của các em. Trường khảo sát năm 2016, tỷ lệ SV ra trường trong 6 tháng có việc làm lên tới 70%. Các em làm ngân hàng lương bình quân 8 – 10 triệu đồng/tháng, đủ để sắp xếp và ổn định cuộc sống. Những em làm cho đơn vị liên doanh nước ngoài, thu nhập tháng lên tới ngàn USD. ĐH Thương mại cũng đều đặn khảo sát SV có việc làm thông qua mạng lưới cựu SV và các khoa. Trong 6 tháng tốt nghiệp, tỷ lệ SV có việc đạt hơn 60% và sau thời gian này là trên 90% với mức lương dao động từ 7 – 8 triệu đồng/tháng...
Lý thuyết luôn gắn thực tiễn
Ngoài mục đích khảo sát tỷ lệ SV có việc làm, thông qua ý kiến của SV, các trường xem xét và điều chỉnh hoạt động đào tạo gắn với thực tiễn, tùy theo từng ngành. Theo PGS.TS Đinh Văn Hải – Trưởng phòng Công tác chính trị và SV, ĐH Bách khoa Hà Nội: Cơ bản SV đánh giá chương trình đào tạo của trường khá tốt. Mặc dù nhà trường yêu cầu đầu ra ngoại ngữ SV phải đạt là 450 điểm TOEIC đối với chương trình ĐH đại trà và 600 – 650 điểm TOEIC áp dụng cho các chương trình tiên tiến, nhưng nhiều bạn muốn chương trình tiếng Anh cải thiện hơn nữa. SV cũng cần được rèn luyện các kỹ năng thuyết trình, trình bày ý tưởng... ngay từ trong quá trình học.
Và để có việc làm ngay khi ra trường, trong thời gian đi học, SV phải được tiếp cận môi trường DN. SV nên tận dụng ưu thế này trong quá trình đi thực tập, bởi đây cũng là khoảng thời gian để DN theo dõi, tìm hiểu và ngầm lựa chọn nhân lực cho mình. SV tham gia làm đề tài nghiên cứu khoa học, đề án nghiên cứu cùng với thầy cô cũng là ưu điểm rất lớn để tiếp cận thêm chuyên môn sâu.
Hiểu biết xã hội, kỹ năng là yếu tố không kém phần quan trọng để giúp SV có việc làm ngay. Vì thế, bên cạnh việc trang bị kiến thức chuyên môn, nhiều trường ĐH chú trọng đào tạo kỹ năng giao tiếp, ứng xử, khả năng thích nghi điều chỉnh phù hợp với môi trường sống. “5 năm trở lại đây, chúng tôi điều chỉnh chương trình đào tạo có đưa thêm các kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm, viết dự án... Sau đó từng chuyên ngành lại trang bị thêm cho SV những kỹ năng giải quyết công việc…” – bà Hảo cho biết. Hơn thế, học qua trải nghiệm sẽ giúp SV hình thành kỹ năng. Cho nên, ĐH Bách khoa Hà Nội, Học viện Ngân hàng, ĐH Ngoại thương khuyến khích thành lập các câu lạc bộ SV, để các bạn biết cách làm việc nhóm, tổ chức và triển khai kế hoạch hoạt động.
Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông có tới 92,% SV tìm được việc làm sau 6 tháng ra trường. Trong đó, 19,5% có mức lương trên 10 triệu đồng/tháng và 68% có thu nhập từ 5 – 10 triệu đồng/tháng. Đặc biệt, 85,4% SV có việc làm đúng ngành đào tạo.