Hóc Môn ngày nay

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Về thăm huyện Hóc Môn vào những ngày cuối tháng Tư lịch sử này, một không khí trang nghiêm hòa cùng những niềm vui phấn khởi trước những thành tựu đổi thay ở quê hương của “Nam Kỳ khởi nghĩa” sau 40 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Đường Xuyên Á rộng 6 làn xe chạy nối trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh qua Hóc Môn để tới Thủ đô Phnôm Pênh của vương quốc Campuchia. Đường liên ấp, liên xã trải nhựa, bê tông phẳng lỳ. Hai bên đường xưa kia là đồng hoang mông quạnh, nhà tôn vách lá, nay là những xóm làng trù phú, cây cối xanh tươi với những ngôi nhà kiên cố, khang trang... và điểm trang trong đó là những nhà vườn bạc tỷ của nông dân đủ màu hoa khoe sắc…

Xứng danh “Nam kỳ khởi nghĩa”

Hóc Môn là một huyện ngoại thành TP HCM với tên gọi “Mười tám Thôn vườn trầu” và là cái nôi của “Nam Kỳ khởi nghĩa” xưa kia đã khiến Thực dân Pháp khiếp đảm khi xâm lược Việt Nam đã vinh dự được phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang” vào năm 1995.

Trong cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ (23/11/1940), dưới sự lãng đạo của Đảng nghĩa quân làng Tân Thới Nhứt (Bà Điểm) đã anh dũng tấn công vào các đồn bót địch ở Lăng Cha Cả, bót Vườn Tiêu, bót Ngã năm Vĩnh Lộc, bót Phú Lâm…Thời kỳ này, làng Tân Thới Nhứt được vinh dự là nơi sinh ra và lớn lên của 4 Xứ ủy viên – Xứ ủy Nam Kỳ và đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, đó là các đồng chí: Bùi Văn Thủ, Bùi Văn Ngữ, Mai Công Tự, Lê Văn Khương.

Thời cơ đến trong cách mạng Tháng 8 năm 1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Mười tám Thôn vườn trầu đã tích cực tham gia giành chính quyền tại địa phương (24/8/1945) và biểu tình tiến vào Sài Gòn chào mừng cách mạng Tháng 8 giành thắng lợi (25/8/1945).

Trong kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp(1945 – 1954), quân dân Hóc Môn – Bà Điểm đã chủ động mở mặt trận cầu Tham Lương, Cầu Bến Phân để ngăn chặn thực dân Pháp đánh lấn ra ngoại vi thành phố, Đảng bộ Hóc Môn vừa củng cố chính quyền cách mạng, vừa xây dựng lực lượng vũ trang, tổ chức chống trả lại các trận càn quét đánh phá của thực dân Pháp và tay sai, góp phần đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đến thắng lợi hoàn toàn.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ (1954 – 1975), Hóc Môn – Bà Điểm là vùng tranh chấp quyết liệt giữa địch và ta. Tuy nhiên các cơ sở cách mạng của Đảng vẫn tồn tại và phát triển dưới sự đùm bọc và che chở của nhân dân Hóc Môn. Qua phong trào Đồng Khởi (1961), cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân (1968), chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (1975) các cơ sở cách mạng ở Hóc Môn đã làm tốt công tác trinh sát dẫn đường và cùng các đơn vị chủ lực tiến công đánh địch, góp phần cùng cả nước giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Ấn tượng những con số…

Hóc Môn xưa đánh giặc anh hùng là vậy, đến ngày đất nước hoàn toàn giải phóng lại đi đầu trong xây dựng, sản xuất. Ông Lê Tuấn Tài, Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn vui mừng nói với chúng tôi: “Trong quá trình nỗ lực phấn đấu của Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân Hóc Môn trong 40 năm qua, đến nay về kinh tế đã phát triển khá mạnh, tiến trình đô thị hóa được đẩy nhanh. Năm 2014: doanh thu nội thương đạt 50.000 tỷ đồng, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt trên 12 triệu USD; công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đạt trên 6.000 tỷ đồng; diện tích gieo trồng là 1.519,08ha; chăn nuôi duy trì ổn định, tổng đàn bò  là 28.318 con, nuôi heo là 29.000 con, đàn trâu là 505 con. Về giáo dục, 100% trẻ trong độ tuổi đi học đều được đến trường, chất lượng giáo dục đạt kết quả cáo. Công tác khám chữa bệnh từng bước nâng cao, 75% người dân tham gia bảo hiểm y tế…Về công tác xây dựng nông thôn mới, toàn huyện hiện có 10 xã thì 1 xã đạt 19/19 tiêu chí, còn lại các xã đã đạt từ 12 đến 17/19 tiêu chí”

Kết quả thực hiện chương trình nông thôn mới, theo ông Lý Sâm, Trưởng Phòng Kinh tế huyện: “Trong năm 2014, đã khởi công 31 tuyến đường, nâng tổng số lên 57 tuyến đường liên xã, liên ấp, trong đó 22 tuyến đường đã hoàn thành, bê tông hóa 91 tuyến hẻm, dài trên 8.700 m. Tiêu chí thủy lợi có 7 công trình hoàn thành. Tiêu chí trường học và cơ sở vật chất văn hóa đã hoàn thành trường tiểu học Trần Văn Danh, tiểu học Tam Đông, tiểu học Nguyễn Thị Nuôi, THPT Phạm Văn Sáng, Mầm non 19/8. Có 41/68 trụ sở Ban nhân dân ấp được xây dựng kết hợp Tụ điểm sinh hoạt văn hóa được hoàn thành. Tiêu chí đào tạo nghề và giải quyết việc làm được 8.300 người, đạt trên 100% so kế hoạch năm. Kéo giảm hộ nghèo từ 5.476 hộ còn 1.015 hộ, tỷ lệ 1,22% hộ toàn huyện, hộ cận nghèo còn 2.064 hộ, tỷ lệ 2,45%. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 75%. Tiêu chí môi trường có 6/10 xã đạt, toàn huyện có 90,64 % hộ gia đình đăng ký tham gia đổ rác dân lập. Tiêu chí an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội giữ vững. Đến nay, các xã sử dụng nguồn vốn xây dựng nông thôn mới của Thành phố giao đợt 1 là 200,48/362,70 tỷ đồng, đạt trên 50%...”.

 “Công tác quy hoạch sử dụng đất đã góp phần làm lên những con số như trên ”, ông Lê Tuân Tài cho biết. Theo ông Tài: Từ nhiều năm qua, huyện Hóc Môn đã hoàn thành và thực hiệt tốt bản quy hoạch 1/2000; có chính sách giúp dân chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp với quá trình đô thị hóa và tạo ra giống cây - con chất lượng cao; có kế hoạch sử dụng đúng quy hoạch, đúng mục đích và hiệu quả diện tích đất nông nghiệp.

Theo quy hoạch, đến năm 2020 tổng diện tích đất tự nhiên của huyện Hóc Môn là 10.943,38 ha, trong đó: Đất nông nghiệp có diện tích 1.200 ha, Đất phi nông nghiệp chiếm phần diện tích còn lại với 9.743,38 ha.

Trong đất phi nông nghiệp, cơ cấu đất được phân bổ như sau: Đất phát triển hạ tầng có diện tích 2.165 ha, Đất ở đô thị có diện tích 4.782,7 ha, Đất sông suối và mặt nước chuyên dùng có diện tích 231 ha, Đất khu công nghiệp có diện tích 454 ha, Đất cơ sở sản xuất kinh doanh có diện tích 701,83 ha…

Trong giai đoạn từ năm 2011 - 2020, chuyển mục đích sử dụng 5.608,06 ha đất nông nghiệp chuyển sang phi nông nghiệp.

Hiện nay, huyện đã tập trung thực hiện tốt công tác quàn lý quy hoạch, hạ tầng kỹ thuật, lộ giới… Tăng cường quản lý nhà nước sau quy hoạch đã được phê duyệt trước đây, điều chỉnh hoặc bãi bỏ quy hoạch không còn phù hợp.

Hiệu quả của chính sách đúng

Nhắc đến Hóc Môn là nhắc đến những huyền thoại do những con người nơi đây dệt nên trong các cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc. Đó là huyền thoại về những con người chân đất đầu trần, tay cầm tầm vông đi đánh giặc, những nông dân với tấm lòng yêu quê hương đất nước, sẵn sàng chắc tay súng bảo vệ, gìn giữ từng tấc đất quê hương. Và hôm nay, khi nước hòa bình, thống nhất, những người con của “Mười tám thôn vườn trầu” lại trở về gắn bó với thửa ruộng, mảnh vườn của cha ông để làm giàu cho mình và tham gia xây dựng nông thôn mới.

Anh nông dân Đào Văn Hôn (sinh năm 1962), ở ấp 2, xã Xuân Thới Thượng, đã thành công trong nghề nuôi bò sữa. Từ một người làm thuê, nhận làm công cho người khác, lúc đầu, gia đình anh Hôn chỉ nuôi được vài con trâu, bò vàng làm vốn. Đến nay, đàn bò sữa trong trại của anh Hôn đã lên đến 200 con, trong đó hơn 80 con đang cho thu hoạch sữa, còn lại bò hậu bị, bò đang mang bầu có con sắp đẻ. Hiện tại trại bò anh Hôn mỗi ngày lấy được 1 tấn sữa, thu nhập khoảng chục triệu đồng.

Chị Nguyễn Thị Hường (ấp Thới Tây 2, xã Tân Hiệp) được coi là một trong những nông dân “đại gia” với đàn bò sữa 45 con, một trạm thu mua sữa quy mô 7 tấn/ngày, một đại lý thức ăn cho bò sữa và nhiều tài sản có giá trị hàng tỷ đồng.

Còn ông Trần Văn Xê, nông dân ở ấp 3 (xã Xuân Thới Sơn) đã đi đầu trong việc trồng hoa lan ở huyện. Hiện nay, ngoài việc trồng hoa ông Xê còn  xây dựng được phòng cấy mô để nhân giống cây lan cung cấp cho các nhà vườn khác. Tiền thu hoạch từ việc bán hoa và giống lan, mỗi năm gia đình ông Xê thu về hàng tỷ đồng.

Nói về thành tựu kinh tế của xã sau khi xây dựng theo mô hình nông thôn mới, ông Bùi Ngọc Quý - Chủ tịch UBND xã Xuân Thới Thượng cho biết: “Sau khi được đầu tư theo mô hình nông thôn mới, bức tranh nông thôn của xã đã khởi sắc. Với việc hình thành vùng chuyên canh rau sạch cung cấp cho thị trường thành phố, xã Xuân Thới Thượng đã đi đúng hướng trong việc phát huy thế mạnh trồng rau của mình. Không những chú trọng sản xuất, xã Xuân Thới Thượng hiện đã xây dựng Trung tâm văn hóa, sân bóng đá nhằm phục vụ nhu cầu học tập, giải trí văn hóa và rèn luyện thể thao cho bà con”.

“Bức tranh của xã Xuân Thới Thượng cũng là bức tranh chung của toàn huyện Hóc Môn trong quá trình đổi mới. Nhiều xã của huyện Hóc Môn cũng đón nhận sự đầu tư của huyện và thành phố, như mở rộng các tuyến đường chính, chính quyền địa phương luôn thực hiện tốt công tác chính sách và chăm lo đời sống nhân dân nhằm giảm hộ nghèo (hiện tỷ lệ hộ nghèo của huyện là 1,22% có mức thu nhập dưới 16 tiệu đồng/người/năm), tăng hộ khá. Hàng năm, huyện luôn dành nguồn ngân sách để chăm lo cho hơn 5.000 đối tượng chính sách” ông Tuấn Tài cho biết.