Học sinh Hà Nội sẵn sàng tinh thần kiểm tra cuối kỳ trực tuyến

Điệp Quyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng hôm nay (10/5), học sinh các cấp tại Hà Nội bắt đầu học trực tuyến tuần thứ 2.

Xác định dịch bệnh Covid- 19 tiếp tục có diễn biến phức tạp khó lường, nhiều thầy cô đã căn dặn học sinh của mình về việc có thể sẽ làm bài kiểm tra cuối kỳ bằng hình thức trực tuyến nên các em học sinh đã chuẩn bị tinh thần rất tốt để làm bài.
Kiểm tra trực tuyến vẫn đánh giá được học sinh
“Vì dịch bệnh Covid- 19, các con chưa thể đến trường nên rất có thể sẽ tiến hành kiểm tra theo hình thức trực tuyến…”- thầy Nguyễn Văn Năng- giáo viên dạy Toán lớp 5G, trường Tiểu học & THCS Newton 5 nhắn phụ huynh và học sinh qua nhóm Zalo chung của lớp tối 9/5. Đáp lại, học sinh và phụ huynh đều đồng tính vì cho rằng đó là cách thức hợp lý nhất trong mùa dịch này.
“Em vẫn muốn đến trường làm bài kiểm tra học kỳ nhưng giữa mùa dịch bệnh, việc đảm bảo sức khỏe và sự an toàn là quan trọng nên em đồng tình với việc kiểm tra học kỳ bằng hình thức trực tuyến”- Phan Hà Chi, học sinh lớp 11, trường THPT Kim Liên, quận Đống Đa cho biết.
 Việc học và kiểm tra online đã trở thành kỹ năng của học sinh
Tính từ năm 2020, đây là lần thứ 3 học sinh Hà Nội tạm dừng đến trường nên làm bài kiểm tra trực tuyến là việc các học sinh thực hiện hàng tuần. “Nhiều thầy cô, phụ huynh và học sinh lo ngại rằng việc kiểm tra online sẽ cho kết quả không khách quan nhưng em nghĩ rằng: Nếu ý thức của học sinh góp phần quyết định hiệu quả học online thì trong việc kiểm tra online, tính khách quan của điểm số phụ thuộc vào cả ý thức của phụ huynh lẫn học sinh. Phụ huynh nên xác định đây là một bài kiểm tra mang tính chất khảo sát kiến thức, hãy để con tự làm và không can thiệp thì kết quả bài thi sẽ thể hiện đúng năng lực của học sinh”- em Phan Hà Chi nói.
Theo cô Nguyễn Thị Hoài Thu, giáo viên trường Tiểu học Đồng Phú, huyện Chương Mỹ thì, cũng giống như làm bài kiểm tra tại lớp, học sinh làm bài kiểm tra online cần nhất là sự tập trung, thậm chí còn cần tập trung nhiều hơn bởi trong một khoảng thời gian cố định, học sinh phải thực hiện đầy đủ các thao tác đọc đề, làm bài và nộp bài. Việc đánh giá chất lượng học sinh qua kiểm tra trực tuyến có thể đối chiếu vào năng lực học sinh tại lớp, bài kiểm tra giữa kỳ nên không quá lo ngại ở tính khách quan….
Trước mắt là học hết chương trình
Vấn đề cho học sinh thực hiện bài kiểm tra học kỳ 2 theo cách thức nào sẽ được Sở GD&ĐT Hà Nội giải đáp, hướng dẫn tại hội nghị giao ban trực tuyến dự kiến diễn ra vào sáng 13/5 tới đây. Tuy nhiên, các trường đều đã chuẩn bị những phương án dự phòng cho việc có thể kiểm tra bằng hình thức trực tuyến.
 Các thầy cô nỗ lực truyền đạt kiến thức để hoàn thành chương trình năm học
“Dạy và học trực tuyến đối với giáo viên, học sinh đã trở thành kỹ năng mềm. Dù chưa có tiền lệ kiểm tra cuối kỳ trực tuyến nhưng với sự chuẩn bị kỹ lưỡng của nhà trường, hình thức này chắc chắn sẽ thực hiện rất đơn giản. Ngân hàng đề, hệ thống mạng, phần mềm đã được chuẩn bị sẵn sàng; nếu có yêu cầu từ cấp trên, trường có thể tiến hành được ngay…”- cô Trần Thị Mỹ Lâm, Hiệu trưởng trường THCS Xuân La, quận Tây Hồ cho biết.
Cô Vũ Kim Loan, Hiệu trưởng trường Tiểu học Đoàn Kết, quận Hà Đông cho hay: “Các môn đánh giá bằng nhận xét đã được giáo viên bộ môn dần hoàn thiện; còn những môn đánh giá bằng điểm số, các cô vừa dạy kiến thức mới, vừa ôn tập cho học sinh. Học hết tuần học trực tuyến này, nhà trường sẽ hoàn thành kiến thức năm học để chuẩn bị kiểm tra. Trường có thể đáp ứng kiểm tra cuối kỳ cho học sinh bằng hình thức trực tiếp hay trực tuyến”.
 Nếu dịch bệnh được kiểm soát, học sinh vẫn muốn đến trường kiểm tra trực tiếp
“Hà Nội học trực tuyến hết tuần này. Nếu tuần sau, dịch bệnh được kiểm soát và ổn định, thầy và trò vẫn muốn được đến trường làm bài kiểm tra cuối kỳ trực tiếp. Còn nếu phải chờ đợi thêm 1 tuần nữa, có thể kéo dài thời gian kết thúc năm học. Có như vậy mới phản ánh đúng chất lượng học tập của học sinh và việc thực hiện nhiệm vụ năm học mới được trọn vẹn…”, Hiệu trưởng một trường THCS thuộc quận Nam Từ Liêm nêu ý kiến.
Điều chỉnh kế hoạch giáo dục của nhà trường
Tại chỉ đạo khẩn gửi các Sở GD&ĐT; các đại học, học viện, trường đại học, trường cao đẳng sư phạm, trường trung cấp sư phạm về việc tăng cường thực hiện biện pháp phòng, chống Covid-19, Bộ GD&ĐT yêu cầu Giám đốc các Sở GD&ĐT, Thủ trưởng các cơ sở giáo dục quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, hướng dẫn của Bộ Y tế và các văn bản hướng dẫn của Bộ GD&ĐT cũng như của chính quyền địa phương; tuyệt đối không hoang mang nhưng cũng không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác trong công tác phòng, chống dịch bệnh.
Nâng cao ý thức trách nhiệm cá nhân, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng ở địa phương để nắm chắc tình hình, chủ động xây dựng kế hoạch, kịch bản, giải pháp sẵn sàng ứng phó với tình huống dịch bệnh có thể xảy ra trong trường học; kích hoạt hệ thống phòng dịch, trang thiết bị phòng dịch trong nhà trường; tăng cường kiểm tra, đôn đốc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn, phạm vi quản lý; xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm các yêu cầu phòng, chống dịch.
Tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ quản lý, nhân viên, nhà giáo, người học và cha mẹ học sinh về các biện pháp phòng, chống dịch.
Thực hiện nghiêm yêu cầu 5K của Bộ Y tế. Thực hiện theo dõi sức khỏe, đo thân nhiệt, khử khuẩn, vệ sinh trường, lớp học, nhà vệ sinh theo quy định.
Điều chỉnh kế hoạch giáo dục nhà trường, kế hoạch dạy học, tổ chức kiểm tra, đánh giá phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho học sinh, sinh viên, giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục.