Hội chợ xúc tiến thương mại sản phẩm Việt vào chuỗi bán lẻ AEON: Hướng đi mới cho hàng Việt

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hội chợ xúc tiến thương mại đưa sản phẩm nông nghiệp vào chuỗi bán lẻ của Tập đoàn AEON Việt Nam không chỉ giúp DN tiêu thụ hàng Việt mà còn tăng năng lực cạnh tranh, xây dựng quảng bá thương hiệu trên thị trường thế giới.

Đó là khẳng định của lãnh đạo Trung tâm xúc tiến Đầu tư-Thương mại - Du lịch Hà Nội (HPA) khi nói về những lợi ích mà hội chợ mang lại.
Mở rộng kênh xuất khẩu
Số liệu của Bộ Công Thương cho thấy, Nhật Bản là thị trường xuất khẩu (XK) tiềm năng cho DN Việt Nam. Năm 2016, kim ngạch XK vào thị trường Nhật Bản chỉ đạt 14,6 tỷ USD nhưng trong 7 tháng qua, Việt Nam đã XK sang Nhật Bản lượng hàng trị giá 11,4 tỷ USD, tăng 9,7% so với năm 2018. Dự kiến đến 2020, kim ngạch thương mại hai chiều cán mốc 60 tỷ USD/năm.
 Hàng Việt bày bán tại ''Tuần hàng Việt Nam'' trong chuỗi siêu thị AEON ở Nhật Bản. Ảnh: Hoài Nam
Phó Giám đốc HPA Nguyễn Mai Anh cho biết, nhằm hỗ trợ DN đưa hàng Việt vào hệ thống siêu thị Nhật Bản tiêu thụ và XK ra thị trường thế giới, từ 10 - 13/10, HPA sẽ tổ chức Hội chợ xúc tiến thương mại sản phẩm nông nghiệp tại AEON MALL Long Biên.
“Sự kiện này là một trong nhiều hoạt động triển khai biên bản hợp tác giữa TP Hà Nội với với Tập đoàn AEON đưa hàng hóa của DN Việt Nam vào siêu thị AEON Nhật Bản trong 20 năm. Đồng thời hỗ trợ DN tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài, qua đó hạn chế khâu trung gian" - bà Nguyễn Mai Anh nói.
Hội chợ có quy mô 80 - 100 gian hàng, trong đó có 8 gian hàng sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, 25 gian hàng rau củ quả, 21 gian hàng thực phẩm chế biến đóng gói, 7 gian hàng gia vị, 9 gian hàng đồ uống, 10 gian hàng nông sản chế biến của các tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương, Thái Nguyên, Hà Nam, Hưng Yên...
Đặc biệt, hưởng ứng chương trình mỗi xã một sản phẩm, trong thời gian diễn ra hội chợ, các DN, làng nghề TP Hà Nội sẽ giới thiệu tới DN Nhật Bản các mặt hàng nông sản, sản phẩm chăn nuôi, chế biến như bưởi Diễn, ổi Đông Dư, cam Canh; gà đồi Ba Vì, gà mía Sơn Tây, vịt cỏ Vân Đình... Ngoài ra, HPA còn bố trí riêng khu trưng bày giới thiệu ấn phẩm xúc tiến, đặc sản các địa phương, sản phẩm thương hiệu quốc gia và hoa quả Việt Nam đã XK được vào thị trường Nhật Bản.
Doanh nghiệp Việt Nam cần hoàn thiện mình
Mặc dù Nhật Bản là thị trường rộng lớn để DN XK hàng Việt nhưng để tiếp cận thị trường này không hề dễ dàng, khi DN Việt Nam chưa có nhiều kinh nghiệm, thông tin về thị trường, thị hiếu người tiêu dùng cũng như chưa đáp ứng các tiêu chuẩn về mặt trang thiết bị sản xuất... Điều đó cho thấy, bên cạnh sự cố gắng của DN còn đòi hỏi sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý.
Tổng Giám đốc Công ty TNHH AEON Việt Nam Shiotani Yuichiro cho biết, hiện sản phẩm hàng hóa của Việt Nam mạnh như hàng thời trang may mặc, đồ gia dụng, thực phẩm vẫn chưa cạnh tranh được với các sản phẩm tương tự của các nước khác XK vào Nhật Bản. Trong số gần 3.000 nhà cung cấp cho AEON Việt Nam, chỉ có từ 200 - 300 có khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế và kinh nghiệm XK hàng hóa vào AEON Nhật Bản.
Nói về cơ hội XK hàng Việt thông qua hệ thống AEON, Giám đốc Công ty TNHH Mây tre đan Hòa Bình Dương Thị Chỉnh cho biết, là một trong những DN tham dự “Tuần hàng Việt Nam - Hà Nội 2018” tổ chức tại Nhật Bản, các mặt hàng thủ công mỹ nghệ của DN đã được người tiêu dùng Nhật Bản đón nhận.
Tuy nhiên, việc đưa hàng vào hệ thống AEON không hề dễ dàng khi mối quan hệ giữa DN với nhà phân phối nước ngoài còn nhiều bất cập. Điển hình như, ngoài những yếu tố khách quan từ phía nhà cung cấp thì quy trình và chính sách thu mua hàng hóa của DN phân phối chưa tạo điều kiện, tháo gỡ những khó khăn về chất lượng, tiêu chuẩn an toàn của sản phẩm.
Trước những khó khăn này, đại diện HPA nêu rõ, để hỗ trợ DN phát triển kênh XK mới vào thị trường Nhật Bản, thời gian tới HPA tăng cường phối hợp với Tập đoàn AEON tìm kiếm sản phẩm, nhà cung cấp của Việt Nam để có thể đáp ứng được tiêu chuẩn xuất khẩu vào Nhật Bản. Đồng thời, sẽ tổ chức các chương trình tập huấn để DN hiểu hơn cách tiếp cận hệ thống phân phối quốc tế nói chung và Tập đoàn AEON nói riêng.
Bên cạnh đó, HPA sẽ phối hợp với Bộ Công Thương, các cơ quan chức năng, hiệp hội ngành hàng và DN xây dựng cơ sở dữ liệu phân phối, tổ chức các hoạt động kết nối, hỗ trợ đào tạo kỹ năng đàm phán hợp đồng với các nhà phân phối nước ngoài…
Tuy nhiên, muốn tăng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu trực tiếp vào hệ thống phân phối Nhật Bản, bản thân DN trong nước khi tham gia nên chuyển từ thói quen tìm đối tác mua hàng sang tìm hiểu nhu cầu thị trường, từ đó đưa ra sản phẩm phù hợp thị hiếu người tiêu dùng nước sở tại.

"Người tiêu dùng Nhật Bản ngày càng quan tâm đến các sản phẩm hàng hóa của Việt Nam. Do đó, Tập đoàn AEON sẽ có kế hoạch nhập thêm nhiều hàng hóa của Việt Nam trong những năm tới để bán trên toàn hệ thống siêu thị, phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân Nhật Bản. Dự kiến đến 2020, kim ngạch XK hàng Việt thông qua hệ thống phân phối của AEON đạt 500 triệu USD và đạt 1 tỷ USD vào năm 2025." - Tổng Giám đốc Công ty TNHH AEON Việt Nam Yasuo Nishitoghe