[Hỏi-đáp] Xây nhà sai phép gây sụt lún công trình lân cận xử lý thế nào?

Luật sư Nguyễn Đào Tơ - Trưởng Văn phòng Luật sư Hoàng Huy, Hà Nội
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - "Công ty em trai tôi xây nhà sai phép gây sụt lún, nứt tường các công trình lân cận… Trong trường hợp này, biện pháp xử lý đối với hành vi xây dựng sai phép được quy định ra sao?" - Nguyễn Thị Hoài, quận Hoàng Mai, Hà Nội

Trả lời
Theo Nghị định 139/2017/NĐ - CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng, các chủ đầu tư vi phạm sẽ bị phạt tối đa 1 tỷ đồng. Còn theo Thông tư số 03/2018/TT-BXD quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 139/2017/NĐ-CP về áp dụng biện pháp khắc phục, chủ đầu tư phải buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm theo phương án, giải pháp phá dỡ được phê duyệt cho đến khi phần còn lại của công trình đảm bảo an toàn chịu lực khi đưa vào sử dụng đối với hành vi vi phạm về trật tự xây dựng.
Trường hợp đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, người thực hiện hành vi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng theo Điều 298 BLHS 2015. Theo đó, người nào vi phạm quy định về xây dựng trong các lĩnh vực khảo sát, thiết kế, thi công, sử dụng nguyên liệu, vật liệu, máy móc, giám sát, nghiệm thu công trình hay các lĩnh vực khác, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 224 hoặc Điều 281 của Bộ luật này thuộc một trong các trường hợp: Làm chết người; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; Gây thiệt hại về tài sản từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng thì bị phạt tiền từ 50 - 500 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 - 5 năm.
Trường hợp phạm tội làm chết 3 người trở lên; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 3 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này là 201% trở lên hoặc gây thiệt hại về tài sản 1,5 tỷ đồng trở lên thì bị phạt tù từ 7 - 15 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30 - 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 - 5 năm. Tuy vậy, điều luật này chỉ áp dụng đối với chủ thể là cá nhân có hành vi phạm tội. Trường hợp tổ chức vi phạm thì không thể khởi tố vụ án theo tội danh này. Hơn nữa, ngay cả khi áp dụng Điều 298 đối với chủ thể là cá nhân thì cơ quan tố tụng cũng gặp nhiều khó khăn do chưa có văn bản nào hướng dẫn đánh giá mức độ thiệt hại khi có hành vi vi phạm về việc xây dựng sai phép.
Câu hỏi bạn đọc xin gửi về địa chỉ: Báo Kinh tế & Đô thị, số 21 Huỳnh Thúc Kháng, quận Đống Đa, Hà Nội; Email: bandoc@ktdt.com.vn

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần