Hội đồng trường được bầu hiệu trưởng

Thuỷ Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Là cơ quan quyền lực cao nhất trong nhà trường thế nhưng hiện nay trong số vài trăm trường mới chỉ có hơn ba chục cơ sở thành lập hội đồng trường (HĐT). Tuy nhiên, hoạt động của nó giống như “bánh xe thứ 5 của một cỗ xe”..

“Hội đồng cai quản” nhưng chỉ là tư vấn

Ngày 20/4, Hiệp hội Các trường đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) Việt Nam tổ chức hội thảo “Hội đồng trường – khâu đột phá trong việc thực hiện tự chủ ĐH”. Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam Trần Hồng Quân cho biết từ năm 1989 HĐT đã được đề ra. HĐT là khâu quan trọng nhất để thực hiện tự chủ trong trường ĐH. HĐT giống như quốc hội trong trường. Thế nhưng chưa nhiều nơi có tổ chức này và vai trò của nó rất  mời nhạt

GS.TS Phạm Phụ - ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh với nhiều năm nghiên cứu về HĐT cho hay, có rất nhiều mô hình và tên gọi khác nhau về HĐT nhưng tất cả đều có bản chất là “hội đồng cai quản”. Mô hình này được sử dụng ở nhiều nước đang phát triển như Malaysia, Thái Lan, Ấn Độ, Đông Âu, Trung Âu,...

Ở Việt Nam, trong Điều lệ trường ĐH quy định HĐT là cơ quan quản trị của nhà trường. Một số trường ĐH cũng có tổ chức “Hội đồng nhà trường” bao gồm thành viên là hiệu trưởng, các trưởng khoa, phòng, ban, Đảng uỷ, công đoàn... nhưng về bản chất đó vẫn là hội đồng hành chính. “HĐT càng chưa phải là HĐT với tính chất là một hội đồng quyền lực cao nhất của trường và có nhiều thành viên độc lập “bên ngoài” nhà trường. Về nguyên tắc, quyền lực cao nhất vẫn tập trung vào vai trò hiệu trưởng” – GS Phạm Phụ nhận định.

GS.TS Lâm Quang Thiệp – Trường ĐH Thăng Long ví HĐT như “bánh xe thứ 5 của một cỗ xe” sau khi đi khảo sát hoạt động của mô hình này. Ông còn cho biết, một số ý kiến từ ĐHQG TP Hồ Chí Minh cũng cho thấy tác dụng của HĐT chỉ giới hạn như hội đồng tư vấn, mọi quyền quyết định nằm trong tay ban giám đốc. Chỉ một trường duy nhất là ĐH Tôn Đức Thắng cho rằng hoạt động của HĐT là có hiệu quả. Ở trường này, chủ tịch HĐT là người ngoài trường, còn ở các trường khác chức danh này đều do người trong trường đảm nhiệm. Như thế, đương nhiên về mặt quyền lực trong nhà trường, chủ tịch HĐT thường dưới cấp hiệu trưởng.

Thông tin từ khảo sát của GS Thiệp cũng cho thấy, theo thể chế hiện nay, các hiệu trưởng và phó hiệu trưởng đều do cơ quan chủ quản bổ nhiệm, không qua đề nghị HĐT. Hiệu trưởng là người chịu trách nhiệm trước cơ quan chủ quản của mình. Trong thực thi, các hiệu trưởng không có sự ràng buộc thực tế nào với HĐT; và cơ quan chủ quản cũng không thực sự coi trọng HĐT. Một số chuyên gia giáo dục ĐH cho rằng theo cơ chế hiện đại quyền của các hiệu trưởng Việt Nam “lớn nhất so với bất kỳ nước nào”.

Quyết nghị các chủ trương đổi mới

Hiện nay Nhà nước đang có chủ trương tăng quyền tự chủ cho các trường ĐH công lập và bắt đầu thí điểm cơ chế khoán chi. Điều đó có nghĩa giáo dục ĐH đang từng bước chuyển cơ chế “phân phối thẩm quyền” từ mô hình có cấu trúc “đầu nặng” sang “đuôi nặng”. Nghĩa là thẩm quyền ra quyết định trong giáo dục ĐH sẽ được tập trung chủ yếu ở cấp trường ĐH. Trong bối cảnh đó, GS Phạm Phụ đề nghị trường ĐH phải tự mình đổi mới, phải biết chấp nhận rủi ro, tự đưa ra nhiều quyết định có tính chất đa mục tiêu... “Chỉ có HĐT mới có thể đảm đương được những trách nhiệm đó” – GS Phụ nhấn mạnh.

Đi sâu vào chức năng và phương thức hoạt động của HĐT, GS Thiệp đề nghị HĐT phải làm cầu nối giữa chủ sở hữu cộng đồng và nhà trường. Nhiệm vụ trọng tâm của HĐT là xây dựng chính sách, kế hoạch tổng thể, sử dụng chính sách làm công cụ để quản trị nhà trường. HĐT có trách nhiệm quan trọng là lựa chọn được một hiệu trưởng có năng lực. Hiệu trưởng chính là người đứng đầu bộ máy điều hành. HĐT cũng phải giám sát và đánh giá việc triển khai thực thi của hiệu trưởng đối với các chính sách và kế hoạch tổng thể đã được HĐT đề ra.

Từ thực tế phát triển HĐT của các trường ĐH Việt Nam, PGS.TS Lê Minh Thắng – Chủ tịch HĐT Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho rằng HĐT sẽ phát huy tác dụng mạnh mẽ hơn nếu được quy định cụ thể và hướng dẫn đầy đủ hơn trong Điều lệ Trường ĐH hoặc các thông tư kèm theo.

Một số điểm trong Luật Giáo dục cũng cần thay đổi, như giảm số lượng thành viên trong HĐT, bổ sung đại diện của sinh viên, quy định chủ tịch HĐT không kiêm nhiệm  chức vụ quản lý trong bộ máy quản lý hành chính của trường để tăng tính đại diện và phản biện của HĐT.

Trong khi ấy, TS Dương Đức Hùng – Chủ tịch HĐT Trường ĐH Hải Phòng cũng có kiến nghị sửa đổi Luật Giáo dục ĐH theo tinh thần nghị quyết 89/NQ-CP của Chính phủ và thông lệ quốc tế đảm bảo tự chủ ĐH gắn với nâng cao chất lượng giáo dục ĐH; các trường ĐH được giao nhiều quyền tự chủ và tăng cường trách nhiệm giải trình. Đồng thời giảm mạnh sự can thiệp hành chính của các cơ quan quản lý Nhà nước đối với hoạt động của các trường ĐH...

“HĐT là người đại diện cho chủ sở hữu cộng đồng nên phải là tổ chức quyền lực cao nhất của trường ĐH, phải có nhiều thành viên đại diện cho các nhóm có lợi ích liên quan. Và, phải làm việc theo nguyên tăc đưa ra các quyết nghị tập thể.