Hối hả trên công trường Nhà máy nước mặt sông Đuống

Đặng Sơn - Công Thọ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những ngày cuối tháng 7 trên công trường Nhà máy nước mặt sông Đuống thưa vắng tiếng cười đùa. Bóng dáng những người công nhân hằn lên giữa nền trời mênh mông nắng gắt. Trong không khí oi ả, xen giữa tiếng máy móc, dường như nghe thấy cả những giọt mồ hôi vỡ trên nền đất cứng.

 Nhà máy nước mặt sông Đuống đang được khẩn trương xây dựng. Ảnh Ngọc Hải
Người kỹ sư giám sát vội vã giải thích: “Những ngày mưa lớn vừa qua đã ảnh hưởng ít nhiều đến tiến độ công trình. Anh em đang tập trung, căng hết sức với công việc. Phải bù lại từng giờ, từng phút, đảm bảo tháng 10 này nhà máy sẽ vận hành được theo đúng lời hứa với TP”.
Gần như toàn bộ các hạng mục xây dựng Nhà máy đã hoàn thành. Ở khu trung tâm, những người thợ miệt mài với đống thiết bị ngổn ngang, chuẩn bị lắp đặt dây chuyền xử lý nước. Bên phải cụm dây chuyền, hồ sơ lắng rộng 14ha đã thành hình, đang bắt đầu chứa nước mặt được lấy về từ sông Đuống. Vẫn chàng kỹ sư trong bộ dạng tất tưởi cho hay, nước mặt được đưa về qua một tuyến ống dài hàng chục cây số. Nhưng khó khăn nhất là 2 đoạn ống được “đánh chìm” xuống lòng sông Hồng và sông Đuống.
Thấy từ “đánh chìm” có vẻ khó hiểu với những người “ngoại đạo”, Chỉ huy trưởng công trường tuyến ống Lưu Xuân Quang giải thích: “Nôm na là dìm ống xuống bên dưới bề mặt đáy sông”. Đầu tiên phải hàn ống thành hình một lòng chảo; sau đó đào một con mương rộng 10m, sâu xuống 4m tính từ bề mặt đáy sông để đặt đường ống vào trong lòng nó.
“Muốn biết ống có nằm gọn trong vòng tay mương hay không thì phải dùng máy quét siêu âm để định vị, điều chỉnh” - anh Quang cười nói. Ngay ngắn rồi lại đem cát, đất vùi lấp lên. Cứ thế, cả tuyến ống nhựa tổng hợp dài 300m sẽ nằm im dưới lòng sông. Ống nhựa không bị han gỉ như ống thép, lại nấp hẳn bên dưới bề mặt, không chịu ảnh hưởng của dòng chảy trong suốt cuộc đời dài đến 100 năm của nó.

Toàn bộ tuyến ống của dự án dài 76km, vừa đưa nước mặt từ sông về Nhà máy, vừa đưa nước sạch từ nhà máy đến cả một vòng cung Bắc - Nam Hà Nội. Dự kiến, tối đa công suất của nhà máy sẽ đạt 900.000m3/ngày đêm, góp phần chủ yếu đảm bảo nguồn cung nước sạch cho 3 triệu người dân các quận huyện: Sóc Sơn, Đông Anh, Gia Lâm, Long Biên, Thanh Trì, Hoàng Mai, Thường Tín, Hà Đông. Giai đoạn 1 được cam kết sẽ hoàn thành trong tháng 10 này với 150.000m3/ngày đêm; giai đoạn 2 vào năm 2020 tăng lên 300.000m3/ngày đêm; giai đoạn 3 hoàn thành, cũng là thời điểm kết thúc thi công toàn bộ dự án vào năm 2025, công suất Nhà máy sẽ đạt 900.000m3/ngày đêm.

Không chỉ có công suất khủng, tiến độ “phi mã”, Nhà máy nước mặt sông Đuống còn tham vọng đưa ra sản phẩm đạt Quy chuẩn QCVN 01: 2009/BYT về nước sạch. Để đạt Quy chuẩn này nguồn nước sau xử lý tại Nhà máy, đưa đến hệ thống cung cấp cho người dân sẽ phải đảm bảo 109 chỉ tiêu sinh hóa khác nhau. Không những thế, công nghệ sản xuất nước sạch đang được lắp đặt tại Nhà máy còn được khép kín, không xả nước thải ra môi trường. Chất thải từ quá trình xử lý sẽ được cô đọng thành bùn khô để sử dụng cho mục đích tái chế khác.

Loanh quanh bên những con người bận rộn lâu khiến chúng tôi cảm thấy ngại ngùng. Hình như chúng tôi đang làm vướng bận, đang lãng phí từng phút miệt mài của họ trên công trường tất bật. Nhưng vẫn có chút nuối tiếc vì chưa gặp được các chuyên gia nước ngoài giám sát thi công, chúng tôi cố nài anh Quang cho quay lại lần nữa. Anh cười hiền lành, gật gù rồi bắt tay thật chặt: “Chỉ hơn 2 tháng nữa thôi Nhà máy sẽ bắt đầu cấp nước, lúc ấy quay lại nhé”.