Hồi kết cho sự việc chùa Ba Vàng, vụ ly hôn nghìn tỷ và chương mới của bóng đá Việt Nam

Nam Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong tuần này, nhiều thông tin tốt - xấu đan xen. Trong khi người dân cả nước ngất ngây với chiến thắng lịch sử của bóng đá Việt Nam cùng bối cảnh nền kinh tế tăng trưởng tốt, thì sự việc tại chùa Ba Vàng, vụ học sinh bị đánh hội đồng phải nhập viện tâm thần... lại khiến dư luận xã hội bức xúc, tranh cãi.

Năm 2015 TP Uông Bí, Sở Nội vụ tỉnh Quảng Ninh đã nhắc nhở, chấn chỉnh đối với hoạt động của chùa Ba Vàng

Sai phạm tại chùa Ba Vàng, trách nhiệm thuộc về sư trụ trì
Liên quan đến vụ việc xảy ra tại chùa Ba Vàng gây xôn xao dư luận thời gian qua, sáng 26/3 UBND TP Uông Bí (tỉnh Quảng Ninh) tổ chức buổi họp báo.
Chủ tịch UBND TP Uông Bí Nguyễn Mạnh Hà cho biết, chính quyền TP đã làm việc với nhà chùa về các hoạt động "thỉnh vong, cúng oan gia trái chủ", ngay sau khi phóng sự của báo Lao động được đăng tải. Các hoạt động này diễn ra trong khuôn viên chùa nên sư trụ trì Thích Trúc Thái Minh phải hoàn toàn chịu trách nhiệm. Việc quản lý chức sắc Phật giáo thuộc về Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Giáo hội Phật giáo tỉnh Quảng Ninh.
Trong khi chờ Giáo hội Trung ương làm rõ các hoạt động "thỉnh vong, cúng oan gia trái chủ" có phù hợp truyền thống, giáo lý Phật giáo hay không, chính quyền Uông Bí đã có văn bản yêu cầu chùa Ba Vàng dừng việc này vì không có trong danh mục đăng ký. Cơ quan chức năng rà soát hoạt động ở chùa Ba Vàng. Sở Thông tin Truyền thông tỉnh đã yêu cầu dừng hoạt động các trang web của chùa.
TP Uông Bí cũng xác định thân nhân, lai lịch của những người nhà chùa xuất hiện trong video do báo chí đăng tải; tiếp tục kiểm tra tạm trú, tạm vắng với những người đến tu tập để tránh kẻ xấu lợi dụng.
Về trách nhiệm của chính quyền khi để hoạt động trên kéo dài nhiều năm, ông Hà giải thích nhà chùa không công khai, cố che giấu, kiểm soát rất kỹ người tham gia, như khám người, thu máy ghi âm, ghi hình... Để phát hiện và đủ cơ sở xử lý "rất khó khăn với nhà chức trách". Công an phải có quá trình điều tra mấy tháng, rất công phu.
Chủ tịch TP Uông Bí cũng cho hay đã yêu cầu cơ quan chức năng xem xét hoạt động của bà Phạm Thị Yến, giao phường Quang Trung ra quyết định xử phạt về hành vi vi phạm nếp sống văn hóa với bà này, mức phạt 5 triệu đồng, theo Nghị định 158. "Mức phạt này, anh em đã xử lý hết khung. Chính quyền đang đi theo hướng, xử lý hành chính trước, xử lý hình sự thì chờ công an điều tra", ông Hà nói. Trước đó nhiều năm, bà Yến đã đăng tải nhiều video trên facebook cá nhân thuyết giảng về "vong báo oán", khuyến khích phật tử lên chùa giải oán.
Cơ quan chức năng tiếp tục làm rõ các hành vi của bà Yến như: thông tin trục lợi, hoạt động tôn giáo không có trong danh mục đăng ký, có hay không hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản?
Đại đức Thích Trúc Thái Minh
Đình chỉ tất cả chức vụ của trụ trì chùa Ba Vàng
Chiều cùng ngày (26/3), tại chùa Quán Sứ (Hà Nội), sau cuộc họp kéo dài 3 tiếng của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam về việc chùa Ba Vàng "thỉnh vong, cúng oan gia trái chủ", hòa thượng Thích Gia Quang - Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết, sự việc xảy ra tại chùa Ba Vàng gây xôn xao dư luận, bức xúc trong giới Phật giáo, cộng đồng và phật tử. Do vậy, Giáo hội Phật giáo Việt Nam khu vực phía Bắc họp hội nghị Ban thường trực Hội đồng trị sự để xem xét sự việc.
Các đại biểu đã nghe ba báo cáo. Đại diện Ban thư ký Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam trình bày việc chùa Ba Vàng thuyết giảng, tổ chức lễ "thỉnh vong giải oan gia trái chủ", chữa bệnh cho người dân và phật tử. Trong đó, người tham gia buộc phải "trả nợ cho vong" từ vài triệu đến vài chục triệu đồng do vong yêu cầu, thông qua hình thức công đức vào chùa Ba Vàng, hoặc làm công quả lao động tại chùa.
Ban trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Quảng Ninh báo cáo về sự việc tại chùa Ba Vàng. Văn phòng Giáo hội Việt Nam báo cáo về buổi làm việc với đại đức Thích Trúc Thái Minh, trụ trì chùa Ba Vàng chiều 25/3.
Sau các phát biểu và ý kiến đề nghị của đại biểu, Ban thường trực Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam kết luận, việc chùa Ba Vàng tổ chức lễ "thỉnh vong, giải oan gia trái chủ", chữa bệnh cho người dân và phật tử, trong đó có việc "gọi vong, nhập hồn, phán số kiếp", phải "trả nợ cho vong do vong yêu cầu" bằng tiền hoặc lao động không công là không đúng với nghi lễ Phật giáo truyền thống.
Đại đức Thích Trúc Thái Minh, trụ trì chùa Ba Vàng, phải chịu toàn bộ trách nhiệm vì để phật tử Phạm Thị Yến (pháp danh Tâm Chiều Hoàn Quán, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Cúc Vàng) đăng đàn thuyết pháp tại chùa. Giáo hội Phật giáo Việt Nam yêu cầu chùa Ba Vàng chấm dứt việc tổ chức "thỉnh oan gia trái chủ".
Ban thường trực Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Ban trị sự Giáo hội tỉnh Quảng Ninh thừa nhận "đã buông lỏng trong công tác quản lý tăng sự tại chùa Ba Vàng".
Hội nghị thống nhất kết luận đại đức Thích Trúc Thái Minh và chùa Ba Vàng đã vi phạm Hiến chương Giáo hội, "làm tổn thương đến thanh danh Giáo hội, Tăng đoàn". Vì vậy, Thường trực Hội đồng trị sự khu vực phía Bắc đề xuất hòa thượng, Chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, ngay lập tức ra quyết định đình chỉ tất cả chức vụ trong Giáo hội Phật giáo với đại đức Thích Trúc Thái Minh.
U23 Việt Nam chính thức giành vé đến VCK U23 châu Á 2020. Ảnh: Ngọc Tú
Bóng đá Việt Nam không còn "sợ" Thái Lan nữa
Chiến thắng 4 - 0 tại vòng loại U23 châu Á tối 26/3, không chỉ giúp đội tuyển U23 Việt Nam đoạt vé tham dự VCK U23 châu Á năm sau, mà đã phá kỷ lục tồn tại suốt 21 năm của bóng đá Việt Nam trước Thái Lan ở mọi cấp độ.
Kể từ khi HLV Park Hang Seo lên dẫn dắt Đội tuyển Việt Nam và U23 Việt Nam, bóng đá Việt Nam đã có một sự tiến bộ vượt bậc. Trước trận đấu này, đã có không ít ý kiến bi quan cho rằng người Thái, với tâm lý thoải mái do đứng đầu bảng và không lo bị loại dù có thua, sẽ không khó khăn đánh bại U23 Việt Nam. Nhưng khi vào trận chúng ta đã thể hiện rằng U23 Việt Nam hơn U23 Thái Lan ở mọi mặt: Từ cơ hội dứt điểm cho đến khả năng tận dụng, từ khả năng phòng ngự cho tới cách kiểm soát bóng, từ sự bình tĩnh trong triển khai tấn công cho tới sự khôn ngoan khi đối phó với những pha bóng thô bạo của đối thủ.
Chia sẻ tại họp báo sau trân đấu, ông thầy người Hàn Quốc cho biết: Từ khi tôi đến Việt Nam làm việc, tôi chưa cùng đội tuyển quốc gia đối đầu với Thái Lan. Nhưng tôi đã cùng U23 Việt Nam đối đầu U23 Thái Lan 2 lần và đều thắng. Kể từ nay, chúng ta không phải sợ Thái Lan nữa. Các cầu thủ U23 Việt Nam hôm nay đã thể hiện đúng tinh thần Việt Nam, đó là đoàn kết, không sợ hãi và sự thông minh.
Sau 3 trận đấu tại vòng loại U23 châu Á 2020, bóng đá Việt Nam lại khẳng định một vị thế mới, ít nhất là trong khu vực Đông Nam Á.
Vụ ly hôn nghìn tỷ của vợ chồng "vua cà phê" tạm khép lại sau hơn 3 năm
Tòa phán quyết vợ chồng ông Đặng Lê Nguyên Vũ ly hôn
Sáng 27/3, sau 3 tuần tạm dừng để xác minh số dư tài khoản đứng tên bà Lê Hoàng Diệp Thảo, phiên tòa xét xử vụ ly hôn nghìn tỷ của vợ chồng "vua cà phê" Trung Nguyên được tiếp tục.
Ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo tiếp tục tranh cãi gay gắt về số tài sản trị giá hơn 2.100 tỷ. Trong khi ông Vũ yêu cầu chia 70% số tài sản này, bà Thảo phản đối vì cho rằng đó không phải tài sản chung.
Sau nhiều tranh cãi của hai bên đương sự, chiều cùng ngày (27/3), Tòa án nhân dân TP Hồ Chí Minh thuận tình ly hôn cho vợ chồng "vua cà phê" Trung Nguyên.
Theo đó, bà Lê Hoàng Diệp Thảo được nuôi dưỡng 4 con và ông Đặng Lê Nguyên Vũ cấp dưỡng cho 4 con mỗi năm 10 tỷ đồng, tính từ năm 2013 tới khi các con trưởng thành.
Tòa cũng phân chia tài sản theo tỉ lệ 6 - 4, tức ông Vũ được hưởng 60% và bà Thảo 40% tài sản chung là các cổ phần trong các công ty của Tập đoàn Trung Nguyên. Tòa yêu cầu bà Thảo giao lại toàn bộ số cổ phần cho ông Vũ và ông Vũ có trách nhiệm hoàn lại bằng tiền cho bà Thảo.
Sau khi nghe phán quyết của tòa, bà Thảo bật khóc và lặng lẽ rời khỏi tòa án, không trả lời bất kỳ câu hỏi nào của báo chí. Sự kiện đã kết thúc cho hơn 3 năm liên tục "làm nóng" dư luận của vợ chồng ông Vũ - bà Thảo.
Mặc dù phiên tòa đã tạm thời kết thúc, thế nhưng "dư âm" về vụ ly hôn nghìn tỷ của vợ chồng "vua cà phê" chắc chắn vẫn "nóng" trong thời gian tiếp theo.
Hiện trường vụ tai nạn khiến 7 người chết tại Vĩnh Phúc
Vụ tai nạn khiến 7 người chết tại Vĩnh Phúc
Ngày 28/3, công an tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, cơ quan Cảnh sát điều tra đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự "vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ" liên quan đến vụ tai nạn giao thông làm 7 người tử vong tại xã Trung Nguyên, huyện Yên Lạc. Đây là vụ tai nạn thảm khốc nhất xảy ra trong tuần.
Trước đó, khoảng 5h ngày 27/3, tại ngã 4 Quốc Lộ 2C với tuyến đường đi Mả Lọ, địa bàn xã Trung nguyên, huyện Yên Lạc, xe khách mang BKS 27B-003.43 do Phan Thanh Phú (SN 1976, trú tại thôn Lễ Khê, xã Xuân Sơn, thị xã Sơn Tây, TP Hà Nội) điều khiển lưu thông trên đường đã đâm vào đoàn người đi đưa tang. Hậu quả vụ tai nạn làm 7 người chết, nhiều người bị thương được đưa đi cấp cứu.
Trong số 7 người tử vong, Nguyễn Thị Lan (SN 1933) cùng Nguyễn Văn Kiên (SN 1976) và Nguyễn Thị Mai (SN 1962), Văn Tuyến (SN 1960) tử vong tại chỗ còn các nạn nhân: Nguyễn Thị Cộng (SN 1946), Nguyễn Thị Lũng (SN 1949) và Nguyễn Văn Đảng (SN 1989) tử vong tại bệnh viên.
6 người bị thương được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc. Các nạn nhân đều là người xã Trung Nguyên.
Theo lái xe Phú, vào khoảng 17h45 ngày 26/3 xe khách di chuyển từ Điện Biên đi Vĩnh Phúc. Trên đường xe dừng lại 2 lần ở Sơn La. Trên xe có 2 lái xe. Khoảng 5h ngày 27/3 xe khách di chuyển đến Vĩnh Phúc. Đến 5h30 cùng ngày xe đến địa phận xã Trung Nguyên gây tai nạn.
Về hành trình xe di chuyển, Phú cho biết, khoảng 21h ngày 26/3 sau khi dừng xe để ăn tối, Phú để Vinh (SN 1991, trú huyện Yên Lạc) lái xe. Đến khoảng 1h30 ngày 27/3, Phú tiếp tục cầm lái chiếc xe khách đến khi gây tai nạn.
Sau khi xảy ra tai nạn, Phú bỏ xe lại hiện trường để về nhà ở Sơn Tây rồi tới cơ quan công an trình diện. Theo cơ quan chức năng, nguyên nhân ban đầu xác định là do lái xe thiếu chú ý quan sát nên đã đâm vào đoàn người đưa tang.
Hình ảnh vụ nữ sinh bị đánh được cắt từ clip
Nữ sinh bị đánh hội đồng phải nhập viện tâm thần
Trong tuần này, trên mạng xã hội lan truyền clip nữ sinh H.Y. (trường THCS Phù Ủng, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên) bị một nhóm 5 học sinh nữ khác đạp, đánh, đá túi bụi, túm tóc giật, tát… trong sự reo hò của bạn bè. Thậm chí, các nữ sinh còn lột sạch quần áo của nạn nhân. Sự việc diễn ra ngay tại lớp học nhưng từ đầu đến cuối clip, không một ai ngăn cản.
Theo một số học sinh chứng kiến vụ việc cho biết, đây không phải lần đầu nạn nhân bị bắt nạt, mà đã xảy ra rất nhiều lần. Sau khi sự việc xảy ra, giáo viên chủ nhiệm yêu cầu học sinh trong lớp xóa ngay các clip đã quay và không được thông tin cho bất cứ ai. Vụ việc lan truyền nhanh chóng gây gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Hiệu trưởng trường THCS Phù Ủng cho biết, hiện em nữ sinh bị đánh đã phải nhập viện tâm thần điều trị trong tình trạng hoảng loạn. 5 nữ sinh tham gia đánh bạn đã bị đình chỉ học, đồng thời đã đến nhà nạn nhân để xin lỗi.
Ngay sau đó Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hưng Yên đã yêu cầu Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ân Thi cũng như chính quyền địa phương vào cuộc xác minh, xử lý nghiêm vụ việc.
Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ân Thi cũng đã yêu cầu nhà trường, giáo viên, học sinh họp kiểm điểm để rút kinh nghiệm, không để xảy ra những trường hợp tương tự như vậy.
9 bị can trong vụ án tại Điện Biên
Lộ diện chủ mưu vụ sát hại nữ sinh giao gà tại Điện Biên
Kể từ khi nữ sinh Cao Mỹ Duyên bị sát hại trong lúc đi giao gà ở Điện Biên dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, dư luận vẫn luôn dành sự chú ý quan tâm đặc biệt đến diễn tiến vụ án. Lần lượt 8 đối tượng đã bị bắt giữ, tuy nhiên với sự quanh co khai báo, tình tiết phức tạp mà kẻ chủ mưu vẫn chưa được xác định rõ ràng.
Cho đến ngày 30/3, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an tỉnh Điện Biên đã tiến hành bắt người trong trường hợp khẩn cấp với đối tượng thứ 9 là Vì Văn Toán (SN 1982, ở Đội 5, xã Thanh Yên, huyện Điện Biên). Theo thông tin từ báo Công an nhân dân, Toán chính là kẻ chủ mưu vụ án, còn vợ của Toán là Vì Thị Thu mới bị triệu tập vì tình nghi có hành vi mua bán trái phép chất ma túy.
Dù đến thời điểm hiện tại, Vì Văn Toán vẫn tỏ thái độ ngoan cố, chưa khai nhận hành vi phạm tội của mình nhưng trước một số tài liệu, chứng cứ liên quan đến lời khai của các đối tượng và chứng minh những mối liên hệ khác, cơ quan cảnh sát điều tra bước đầu xác định Vì Văn Toán là đối tượng có vai trò chủ mưu trong vụ án nữ sinh Cao Mỹ Duyên bị hãm hiếp, sát hại và là đối tượng cầm đầu, tổ chức bắt cóc nạn nhân để chiếm đoạt tài sản. Còn nhóm của Bùi Văn Công, Vương Văn Hùng và đồng bọn có mối quan hệ thân tín vì thường xuyên mua ma túy từ vợ chồng Toán.
Được biết, đối tượng Vì Văn Toán và Vương Văn Hùng có quan hệ quen biết nhau từ trước, các đối tượng từng đi tù cùng thời điểm và quen nhau trong trại, sau khi ra tù vẫn giữ liên hệ với nhau… Hiện các cán bộ điều tra thuộc Phòng Trọng án, Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) và Công an tỉnh Điện Biên đang khẩn trương đấu tranh, làm rõ mối quan hệ ma quỷ giữa các đối tượng.
Lực lượng chức năng liên tục bắt giữ các đường dây vận chuyển ma túy phía ở Nam với số lượng lên tới hàng trăm kg
Bắt giữ vụ vận chuyển ma túy số lượng cực lớn
Nhắc tới ma túy, các tỉnh biên giới phía Bắc được biết đến như là "sào huyệt" của loại tội phạm này. Tuy nhiên, vài tuần trở lại đây lực lượng chức năng liên tục bắt giữ các đường dây vận chuyển ma túy phía ở Nam với số lượng lên tới hàng trăm kg. Theo thống kê, chỉ trong quý I/2019, số lượng ma túy bắt giữ đã lớn hơn cả năm ngoái (2018).
Gần đây nhất, vào đêm 27/3, trong khi tuần tra kiểm soát trên địa bàn, lực lượng chức năng liên ngành (gồm cảnh sát giao thông, công an, cơ động) đã phát hiện 2 xe ô tô (một xe bán tải và một xe 4 chỗ) di chuyển trên quốc lộ 1A từ hướng Thủ Đức về An Sương nên ra dấu hiệu kiểm tra. Bất ngờ, tài xế của 2 ôtô này và 1 người ngồi sau đã mở cửa xe bỏ chạy nhưng sau đó đã bị lực lượng chức năng truy đuổi, khống chế được 2 người. Trong đó, một người Đài Loan và một người quê tại Thanh Hóa.
Kiểm tra trên 2 xe công an phát hiện nhiều thùng các tông chứa khoảng gần 900 bánh với trọng lượng lên tới 300 kg chất bột màu trắng, nghi là ma túy tổng hợp.
Tại cơ quan công an, một tài xế khai tên Nguyễn Đình Hồng (30 tuổi, ở Thanh Hóa) làm nghề lái xe taxi. Hồng cho biết từng làm việc tại Đài Loan nên tối 27/3 được 1 người Đài Loan thuê để lái xe dẫn đường. Theo đó, tài xế này (lái xe 4 chỗ) có nhiệm vụ dẫn chiếc xe bán tải từ một căn nhà thuộc phường Bình Tân (TX Dĩ An, tỉnh Bình Dương) lên kho hàng ở huyện Hóc Môn với giá 1,2 triệu đồng. Tài xế cũng cho biết không quen biết với những người Đài Loan này cũng như không biết trước việc chiếc xe đi cùng có chở một lượng cực lớn chất ma túy. Tuy nhiên, cơ quan công an đang xác minh lời khai và tiến hành làm rõ mối quan hệ giữa Hồng và những người Đài Loan.
Sang ngày 28/3, công an TP Hồ Chí Minh đã phối hợp với công an tỉnh Bình Dương để khám xét nơi ở của đối tượng người Đài Loan ở thị xã Dĩ An. Theo đó, đây là căn nhà do 2 người Đài Loan mới thuê làm kho hàng từ đầu năm 2019. Khám xét căn nhà, lực lượng chức năng không thu giữ thêm được các chất ma túy nhưng có nhiều túi ni-lông nghi bọc các chất ma túy.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần