Hội Kiến trúc sư Việt Nam: 70 năm đồng hành cùng đất nước

KTS Nguyễn Tấn Vạn - Chủ tịch Hội KTS Việt Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cách đây 70 năm, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của Nhân dân ta đang diễn ra khốc liệt nhưng bằng tầm nhìn chiến lược và niềm tin vững chắc vào thắng lợi, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trương tập hợp đội ngũ kiến trúc sư (KTS) tốt nghiệp trường Mỹ thuật Đông Dương đi theo kháng chiến (khoảng 20 người) thành lực lượng phục vụ kháng chiến và chuẩn bị cho công cuộc tái thiết đất nước khi kháng chiến thắng lợi.

 Bảo tàng Hà Nội nhìn từ trên cao. Ảnh: Thanh Hải
Thực hiện chỉ đạo của Bác, 8 KTS sáng lập là Hoàng Như Tiếp, Nguyễn Cao Luyện, Nguyễn Ngọc Chân, Trần Hữu Tiềm, Đoàn Văn Minh, Tạ Mỹ Duật, Võ Đức Diên và Phạm Quang Bình tiến hành Hội nghị thành lập Đoàn KTS Việt Nam (tiền thân của Hội KTS Việt Nam ngày nay) tại thôn Thản Sơn, xã Liễn Sơn, huyện Lập Thạch dưới chân núi Tam Đảo (nay thuộc tỉnh Vĩnh Phúc).
Hội nghị diễn ra từ ngày 24 - 27/4/1948, Bộ trưởng Bộ Giao thông - công chính Trần Đăng Khoa thay mặt Chính phủ tham dự Hội nghị. Hội nghị rất vinh dự được Bác Hồ gửi thư động viên và căn dặn. Thư Bác viết: 
“Trong 4 điều quan trọng cho dân sinh: Ở và đi là hai vấn đề cũng cần thiết như ăn và mặc. Vì vậy, việc kiến trúc là một việc rất quan hệ. Chúng ta phải tùy hoàn cảnh mà xây dựng ngay trong khi kháng chiến và sau khi kháng chiến thành công. Tôi mong Hội nghị sẽ đi tới những kế hoạch thiết thực với tình thế hiện tại, và những chương trình kiến thiết hợp với tương lai, kế hoạch và chương trình đúng tinh thần đời sống mới. Tôi mong Hội nghị chú trọng đặc biệt tới vấn đề nhà ở tại thôn quê, tìm ra những kiểu nhà giản dị và cao ráo, sáng sủa và rẻ tiền”.

Làm theo lời dạy của Bác, dù gặp muôn ngàn khó khăn, gian khổ nhưng các KTS đã thiết kế nhiều công trình bằng gỗ, tre, nứa lá tại chiến khu Việt Bắc. Tiêu biểu là Khu Hội trường - Nhà làm việc Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II (11/1952 - KTS Hoàng Như Tiếp); Khu nhà họp Hội nghị T.Ư 5 (1953), Khu nhà họp Hội nghị T.Ư 6 tại Việt Bắc (KTS Ngô Huy Quỳnh); Hội trường tỉnh Lạng Sơn (1948 - KTS Nguyễn Văn Ninh)…

Năm 1954, sau chiến thắng Điện Biên Phủ vĩ đại, Hà Nội được giải phóng. Khi Bộ Kiến trúc được thành lập (29/4/1958), nhiều KTS thuộc thế hệ đầu tiên đã trở thành những cán bộ chủ chốt. Vài năm sau, lớp KTS được đào tạo sau hòa bình ở miền Bắc ra trường, cùng sự trở về của các KTS đào tạo tại Liên Xô và các nước XHCN anh em, đội ngũ KTS thêm đông đảo, đem đến một luồng gió mới khoáng đạt cho xu hướng sáng tác kiến trúc lúc bấy giờ.
Từ năm 1954 đến trước 1975, cả miền Bắc như một đại công trường sôi động của công cuộc tái thiết. Hàng nghìn công trình kiến trúc phục vụ dân sinh, kinh tế - chính trị - xã hội được các KTS thiết kế và xây dựng với phương châm “Thích dụng, bền vững, kinh tế và mỹ quan trong điều kiện có thể” để phù hợp với điều kiện của đất nước. Các khu nhà ở như Kim Liên, Trung Tự, Thanh Xuân, Giảng Võ; các khu công nghiệp; trường học; bệnh viện; trụ sở cơ quan như Hội trường Ba Đình, trường Đảng Nguyễn Ái Quốc (nay là Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh), trụ sở Chính phủ, trường Đại học Bách Khoa, Bệnh viện Bạch Mai, Nhà máy Cơ khí Trung Quy Mô, Khu Gang thép Thái Nguyên...
Năm 1959, Đồ án quy hoạch xây dựng Thủ đô Hà Nội vinh dự được báo cáo trực tiếp với Bác Hồ. Và bức ảnh chụp Bác đang xem xét đồ án này đã trở thành tư liệu lịch sử vô giá của ngành Kiến trúc và Xây dựng Việt Nam.

Ở miền Nam, dù cuộc đấu tranh chống Mỹ xâm lược khốc liệt, nhưng tùy hoàn cảnh ở khu giải phóng hay trong các đô thị, các KTS cũng đã đem tài năng thiết kế nhiều công trình giá trị. Các KTS miền Nam, chủ yếu tập trung ở Sài Gòn đã khai thác thành công tính bản địa nhiệt đới vào trong sáng tác của mình, tạo nên một phong cách kiến trúc bản sắc riêng. Tiêu biểu là Trung tâm nguyên tử Đà Lạt, Thư viện Quốc gia Sài Gòn (nay là Thư viện KHKT Tổng hợp TP Hồ Chí Minh), Bệnh viện Vì dân (nay là Bệnh viện Thống Nhất), Dinh Độc Lập (nay là Hội trường Thống Nhất)…

Chiến thắng lịch sử 30/4/1975 đã kết thúc cuộc chiến tranh vệ quốc kéo dài suốt 20 năm của dân tộc. Non sông liền một dải, Tổ quốc được thống nhất. Giới KTS Việt Nam bước vào một thời kỳ phát triển mới. Năm 1983, tại Đại hội KTS lần thứ III, Đoàn KTS Việt Nam đã đổi tên thành Hội KTS Việt Nam.

Tháng 12/1986, Đại hội lần thứ VI của Đảng đã đề ra đường lối đổi mới toàn diện đất nước theo định hướng XHCN. Sau hơn 30 năm phát triển, hệ thống với hơn 800 đô thị gồm các TP, thị xã, thị trấn được hình thành khắp cả nước. Trong đó có hai siêu đô thị đầu tàu kinh tế của cả nước là Thủ đô Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
Nhiều công trình kiến trúc có tầm khu vực và quốc tế được xây dựng như Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Bảo tàng Hà Nội, Nhà Quốc hội (Hội trường Ba Đình mới); các Trung tâm hành chính cấp tỉnh, TP; các Khu công nghệ cao; các Khu đô thị mới: Vinhome cetral Park, Time City, Ecopark, Phú Mỹ Hưng… Đặc biệt các KTS trẻ luôn tìm tòi sáng tạo theo xu hướng kiến trúc xanh, kiến trúc sinh thái và gần đây là xu hướng kiến trúc vì cộng đồng. Trong đó nổi lên nhiều gương mặt được cộng đồng KTS trẻ Việt Nam và quốc tế ghi nhận, như KTS Võ Trọng Nghĩa, Hoàng Thúc Hào, Nguyễn Hoàng Mạnh, Đoàn Thanh Hà…

70 năm xây dựng trưởng thành với 9 kỳ Đại hội, Hội KTS Việt Nam, mái nhà chung của giới KTS được Đảng và Bác Hồ quan tâm thành lập từ những năm đầu của cuộc kháng chiến 9 năm (27/4/1948), từ 8 KTS đầu tiên sáng lập, đến nay Hội đã có hơn 6.000 hội viên hoạt động trong 60 Hội KTS tỉnh, TP và 27 Chi hội trực thuộc trên tổng số gần 20.000 KTS của cả nước, trở thành một lực lượng trí thức được Đảng, Nhà nước và Nhân dân tin cậy.

Đóng góp to lớn của các thế hệ KTS, của Hội KTS Việt Nam trong 70 năm qua đã được trao tặng nhiều phần thưởng cao quý, như: Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Sao Vàng. Hàng trăm KTS tiêu biểu cho các thế hệ đã được tặng giải thưởng Kiến trúc quốc gia và quốc tế, trong đó 3 KTS được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh, 25 KTS được tặng giải thưởng Nhà nước (về văn học nghệ thuật).

Kỷ niệm 70 năm thành lập, chúng ta luôn biết ơn sự quan tâm, lãnh đạo của Đảng, của Bác Hồ và Nhà nước, sự tin yêu của Nhân dân, để Hội KTS Việt Nam ngày càng trưởng thành, vững mạnh.
Chúng ta không quên công lao của thế hệ KTS đầu tiên, những người đã đặt nền móng xây dựng ngôi nhà chung của giới KTS và nền Kiến trúc cách mạng. Chúng ta cũng không quên sự cống hiến của các gia đình có nhiều thế hệ là KTS. Chúng ta cũng không quên những KTS đã khuất, những người khi còn sống đã cống hiến tài năng của mình cho nền kiến trúc và sự nghiệp xây dựng và phát triển Hội KTS Việt Nam.

Nhìn lại chặng đường 70 năm phát triển của Hội KTS Việt Nam và nền Kiến trúc cách mạng, giới KTS càng nhận thức rõ trách nhiệm nặng nề và vinh quang của mình để “Đoàn kết hơn nữa - Đổi mới hơn nữa - Sáng tạo hơn nữa” góp phần xây dựng đất nước ta “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” trong thời kỳ phát triển mới.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần